TTVH Online

'I Will Survive' và câu chuyện của nữ hoàng disco

04/12/2015 13:32 GMT+7

Tháng 10/1978, một bài "hit" được xem là thành công nhất của thời đại disco, I Will Survive, ra mắt công chúng. Bài hát như thể câu chuyện xoa dịu tâm trạng của biết bao người với thông điệp "Tôi sẽ sống bất chấp mọi khó khăn ập đến".

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 10/1978, một bài "hit" được xem là thành công nhất của thời đại disco, I Will Survive, ra mắt công chúng. Bài hát như thể câu chuyện xoa dịu tâm trạng của biết bao người với thông điệp "Tôi sẽ sống bất chấp mọi khó khăn ập đến". Và người kể câu chuyện ấy là Gloria Gaynor.

Nữ hoàng chưa chết

Một tối tháng 2/1978 nội bộ Hãng đĩa Polydor râm ran tin đồn "nữ hoàng đã chết". Nữ hoàng này là Gloria Gaynor, người vào năm 1975 được xem là đã "nổ phát pháo báo hiệu thời đại của disco sẽ đến" khi tung ra siêu phẩm Never Can Say Goodbye.

Tối hôm trước, khi đang biểu diễn, Gloria Gaynor trượt ngã trên sân khấu, nguyên phần lưng của cô đập mạnh xuống sàn. Dù đau đớn vô cùng, Gloria vẫn cười gượng và hoàn thành nốt phần biểu diễn của mình. Ngay sau đó, cô biến mất, chẳng ai liên lạc được với Gaynor.

Và thế là tin đồn "Nữ hoàng đã qua đời" được tung ra.

Thật sự thì nữ hoàng chưa chết nhưng cú ngã trời giáng ấy tưởng chừng sẽ khép lại cuộc đời âm nhạc chưa đến đầu đến đuôi của cô và đóng cả dấu chấm than cho những chuỗi bất hạnh mà cô gặp phải.

Trước đêm biểu diễn định mệnh ấy, chủ Hãng đĩa Polydor đã gặp và nói với Gaynor rằng, hợp đồng của cô với hãng sẽ hết hạn vào cuối năm và hãng sẽ không tái ký. Bài "hit" Never Can Say Goodbye (Không bao giờ nói lời từ biệt) mà cô đem lại bao nhiêu tiền cho hãng giờ này sẽ thành lời tiễn biệt thật sự.


Single Subtitute/I Will Survive của Gloria Gaynor được phát hành vào tháng 10/1978

Trước đó ít lâu, người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời Gaynor, mẹ cô, qua đời. Đó là một người mẹ đơn thân, có 6 đứa con nhưng sẵn sàng bỏ tất cả để bảo vệ con mình. Gaynor lớn lên trong sự bảo vệ của mẹ và cô thương mẹ đến nỗi, những bất hạnh trải qua trong đời, cô không dám kể lại chỉ bởi sợ mẹ sẽ ngã quỵ.

Thời thơ ấu Gaynor đã bị một gã hàng xóm toan tính hãm hiếp, đến năm 12 tuổi lại bị cha dượng định giở trò đồi bại, năm 18 một lần nữa lại bị bạn trai của cô em họ lừa vào phòng trống và đe dọa "La lớn sẽ giết chết"... Tất cả những trải nghiệm đớn đau ấy cùng với mặc cảm lớn lên thiếu hơi ấm của người cha, đã khiến Gaynor nuôi một ước mơ bình dị, có được một cuộc sống gia đình bình thường và yên ả.

Nhưng Gaynor còn có thêm một giọng hát. Song để đến được thành công,  cô vẫn cần một chiếc chìa khóa định mệnh.

Sau cú ngã trời giáng, Gaynor lết về nhà, chỉ kịp gọi điện cho người quản lý và cũng là bạn trai của cô, Linwood Simon. Sau đó cô ngất đi và khi tỉnh dậy đã thấy mình trong bệnh viện. Kết quả, Gaynor bị liệt từ phần thắt lưng trở xuống và sẽ phải nằm viện dài ngày.

4 tháng sau Gaynor rời bệnh viện nhưng chưa thể bắt đầu đi lại. Mất thêm 3 tháng vật lý trị liệu, về cơ bản Gaynor có thể hoạt động bình thường nhưng vẫn cần theo dõi thường xuyên. Lúc ấy, bên cô gần như chỉ có Linwood Simon.

Linwood có vẻ là một ông bầu không dễ bị bắt nạt. Bằng cách nào đó, anh này buộc Polydor phải tiếp tục làm việc với Gaynor dù với album cuối cùng. Kết quả, Polydor đồng ý và hai bên chuẩn bị tiến hành cho ra mắt một đĩa đơn.

Nội dung đã được định, mặt A sẽ là bài "hit" của nhóm Righteous Brothers, Substitute, mà Gaynor sẽ cover, còn mặt B sẽ là một bài mà hãng sẽ đặt ai đó viết. Thông thường, một đĩa single chỉ có tác dụng giới thiệu bài hát mặt A, mặt còn lại, chỉ mang tính lắp ghép cho xong.

Siêu phẩm mặt B

Hai tay viết nhạc, Freddie Perren và Dino Fekaris, được Polydor mời viết một bài cho mặt B. Dino Fekaris lúc ấy là một tác giả nổi tiếng của hãng đĩa cũng hết sức nổi tiếng, Motown. Nhưng lúc ấy Fekaris đang mang một tâm trạng nặng nề, sau 7 năm làm việc cật lực cho Motown anh bị hãng này sa thải.

Việc bị vắt kiệt sức và lý do sa thải bất hợp lý khiến Fekaris buồn bã và anh tự hứa với bản thân "I will survive" (Tôi sẽ vẫn sống tốt). Khi nhận được lời đề nghị của Polydor, Fekaris quyết định đưa ý tưởng này vào sáng tác.

Perren và Fekaris đã mượn tâm trạng của một người đàn bà bị ruồng bỏ để nói lên ý nghĩa của việc "tôi sẽ sống sót". Người đàn bà ấy từng yêu tha thiết và bị phụ tình. Một thời gian sau, người đàn ông quay lại "như thể từ vũ trụ trở về", mặt buồn rười rượi và muốn bước vào lại vào cuộc đời người đàn bà kia. Nhưng lần này, anh ta đã gặp phải tảng đá, "hãy biến đi, bước ra khỏi cửa vì anh không được nghênh đón nữa.

Không phải anh là người duy nhất đã cố làm tôi đau với lời chia tay ấy sao? Anh nghĩ tôi sẽ vỡ vụn? Anh nghĩ tôi sẽ nằm xuống và chết đi? Không đâu, tôi sẽ tồn tại, miễn là tôi biết làm thế nào để yêu, tôi có cả cuộc đời dài để sống, có trọn tấm chân tình để trao đi".

Sau này, nhớ lại, Gaynor bảo rằng bài hát chính là câu trả lời của Chúa dành cho những thầm nguyện của cô. Vào phòng thu, Gaynor chỉ cần hát một lần và hoàn hảo. Hai tác giả há hốc mồm, họ tin rằng người vừa thu xong sáng tác của mình, đích thị là một diva.

Nhưng sau đó mọi thứ vẫn cứ như kế hoạch ban đầu, I Will Survive nằm mặt B, còn mặt A là bài hát mà Polydor muốn câu khách, Substitute. Tháng 10/1978, đĩa đơn mới nhất của nữ hoàng disco, Gloria Gyanor phát hành và sau vài ngày, bài hát quan trọng nhất nằm ở mặt A của đĩa, đã đứng ở hạng thứ… 107. Một sự trở lại tuyệt vời theo nghĩa bóng.

Mối lương duyên của Gaynor và Polydor sắp tới hồi kết thì bỗng nhiên rất nhiều cuộc điện thoại báo về, "mặt B đang hot kinh khủng". Lúc này tất cả các sàn nhảy ở Mỹ đều đồng loạt mở I Will Survive. Tất cả các DJ danh tiếng đều dành cho bài hát sự tôn trọng tột bậc và kế tiếp, như cơn dịch, tất cả các đài phát thanh cùng nhảy vào và cực kỳ nhanh chóng, I Will Survive, lên số 1 tại bảng xếp hạng.

I Will Survive không những thắng vang dội tại các bảng xếp hạng, trở thành bài nhạc dance hay nhất mọi thời mà còn trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng phụ nữ.

Không thể đếm được số lượng thư của công chúng gửi cho Gaynor để kể những câu chuyện của cuộc đời họ và bài hát này đã có ý nghĩa như thế nào để họ quyết định sang trang cuộc hôn nhân của mình. Nhiều người kể rằng họ đã bị chồng đánh đập, họ tha thứ nhưng rồi lại bị bạo hành và bài hát này có tác dụng như nút "end" (chấm dứt) cho những tháng ngày đau khổ.

Năm 1979, lần đầu tiên trong lịch sử, và cũng là lần cuối cùng, giải Grammy mở ra hạng mục Ghi âm disco hay nhất, chỉ dành riêng cho Gloria Gaynor.

Sau những bất hạnh đã trải qua, Gaynor đã sống sót và một bài hát không chỉ thay đổi cuộc đời cô mà của rất nhiều người.

Cùng nghe Gloria Gaynor thể hiện I Will Survive:


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN