TTVH Online

Hồi chuông cảnh tỉnh cho SLNA

25/10/2015 14:16 GMT+7

Năm 2015, cả 6 đội tuyến trẻ của SLNA không đội nào vô địch đem đến cảm giác quá thất vọng với không chỉ người hâm mộ Nghệ An.

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2015, cả 6 đội tuyến trẻ của SLNA không đội nào vô địch đem đến cảm giác quá thất vọng với không chỉ người hâm mộ Nghệ An. 

Ngủ quên trên chiến thắng

 Lò đào tạo SLNA trong nhiều năm trở lại đây luôn là thương hiệu được nể trọng trong làng bóng đá Việt Nam. Năm nào SLNA cũng đưa về phòng truyền thống một vài chiếc Cúp vô địch giải trẻ, trình làng nhiều tài năng hứa hẹn. Nhưng đến năm 2015 đã khác, họ không có các cầu thủ trẻ hứa hẹn được gọi vào các đội tuyển QG lứa tuổi U vì các đội tuyển có một năm thi đấu mất mùa.

Gần nhất là vòng loại giải U21. Đây có thể cơ xem là cơ hội cuối cùng để cứu vớt danh dự cho đội bóng xứ Nghệ tránh rơi vào hoàn cảnh trắng danh hiệu. U21 SLNA đã được bổ sung gần nửa đội hình là những cầu thủ “ăn lương” V-League như Tuấn Tài, Mạnh Hùng, Phúc Tịnh, Khắc Ngọc, Sỹ Sâm…Vậy mà, U21 xứ Nghệ chỉ giành được vị trí thứ 3 bảng B vòng loại phía Bắc. Ngoài ra,  trung vệ Mạnh Hùng còn có hành động ứng xử không đẹp với trọng tài và bị cấm thi đấu hết giải.

Trước đó, đội tuyển U19 SLNA được kỳ vọng giành chức vô địch khi họ là chủ nhà của vòng chung kết. Nhưng lợi thế sân Vinh, khán giả nhà chỉ giúp thầy trò HLV Nguyễn Quang Hải vào đến tứ kết, ngậm ngùi nhìn các cầu thủ U19 VPF giành chức vô địch. Còn đội tuyển U15 số phận cũng không khá hơn khi không vượt qua vòng loại. Tấm HCB và HCĐ của U11 cùng U13 không thể an ủi người hâm mộ xứ Nghệ.

Kỳ lạ là ông Nguyễn Đình Nghĩa, Phó GĐ ĐH SLNA đồng thời là Trưởng ban đào tạo trẻ của đội bóng xứ Nghệ cho rằng thành tích trên là… hoàn thành chỉ tiêu tỉnh đề ra!

Thương hiệu Sông Lam không còn chói sáng

Bóng đá trẻ Nghệ An thành công vì trước đây họ hơn các trung tâm khác khi có cách tuyển dụng riêng. Hệ thống “chân rết”, tuyển trạch viên được cài cắm  ở các trung tâm văn hóa huyện, xã (có nhận trợ cấp của CLB) để giúp CLB tuyển chọn nhân tài. Ngoài ra, vào thập niên 90, những người tâm huyết làm bóng đá trẻ của SLNA luôn phải bôn ba khắp các vùng miền trong toàn tỉnh, theo dõi các trận đấu trên sân của các thôn, xóm và các giải đấu phong trào lứa tuổi nhi đồng toàn tỉnh để “lọc vàng”. Chính vì thế, những tài năng của bóng đá Việt Nam được như Văn Quyến (huyện Hưng Nguyên), Công Vinh, Dương Hồng Sơn (huyện Quỳnh Lưu),… đều được phát hiện như thế.

Nhưng khi danh tiếng về việc đào tạo bóng đá trẻ của SLNA đã nổi lên như cồn thì việc tuyển chọn quân đó cũng bị bỏ đi. Một phần những cậu bé có tố chất bóng đá đã tìm đến CLB để tham gia dự tuyển, một phần ở SLNA bây giờ không còn có những HLV đi tuyển quân trực tiếp nữa. Lâu dần, SLNA mất đi lợi thế riêng trong việc “tìm ngọc thô”. Công Phượng đã trượt Sông Lam, tỏa sáng ở HAGL, cho thấy một phần “tảng băng” khâu tuyển chọn nhân tài của SLNA đã có vấn đề mấy năm rồi.

 Tiếp đến là nguồn kinh phí eo hẹp trở thành rào cản vô hình quá lớn cho những người làm bóng đá SLNA trong việc xây dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Hồng Thanh lý giải: Gần đây, trên cả nước đã xuất hiện thêm nhiều trung tâm đào tạo trẻ được đầu tư lớn, với trang thiết bị vật chất hiện đại, cơ chế ưu đãi hơn hẳn SLNA. Từ khi có các trung tâm đào tạo mới này, công tác tuyển chọn đầu vào của “lò” đào tạo SLNA bị cạnh tranh khốc liệt. Các  trung tâm đào tạo đó tung người đi tuyển quân ở khắp các địa phương, trong đó có Nghệ An.

Trước đây, các địa phương nào có cầu thủ giỏi họ đều giới thiệu cho SLNA, nhưng hiện nay các trung tâm đào tạo như VPF, Viettel  với cơ chế ưu đãi lớn, họ cho tiền cả người giới thiệu, hỗ trợ gia đình và cầu thủ, nên đã có nhiều tài năng trẻ ở Nghệ An gia nhập các trung tâm này. Ngoài việc cơ chế tuyển quân họ hơn mình thì công tác đào tạo họ cũng được đầu tư rất lớn.

Chế độ dinh dưỡng cho các cầu thủ rất khoa học, việc ăn ở, đi lại khi thi đấu của họ cũng rất tốt.  Trong khi đó, các cầu thủ Nghệ An mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn so với trước, nhưng chúng ta chưa thể có chế độ ăn cho phù hợp với dinh dưỡng của VĐV, chưa có chế độ đãi ngộ tốt cho HLV cũng như các cầu thủ trẻ.

Nếu không nghiêm túc nhìn ra các hạn chế liên quan đến công tác đào tạo trẻ, vốn là niềm tự hào, SLNA sẽ còn đánh mất nhiều thứ lớn hơn.

Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN