TTVH Online

Nghịch lý bóng đá trẻ Việt Nam

23/10/2015 05:46 GMT+7

Thực tế là không phải đến VCK lần thứ 19 giải U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp CLEAR Men 2015, người ta mới “phát hiện” ra một hiện tượng đã trở thành bản chất: Các CLB vẫn không ngừng tăng cường cầu thủ ở tuyến 1.

(Thethaovanhoa.vn) - Thực tế là không phải đến VCK lần thứ 19 giải U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp CLEAR Men 2015, người ta mới “phát hiện” ra một hiện tượng đã trở thành bản chất: Các CLB vẫn không ngừng tăng cường cầu thủ ở tuyến 1, thậm chí nhiều người đã thành danh, đã và đang khoác áo các ĐTQG, xuống “đánh giải” U21 săn thành tích.

Và ngoài ra, việc điều lệ giải cũng cho phép các CLB lọt vào VCK tăng viện binh từ các đội bóng đã bị loại (ở vòng đấu loại) là một bất cập khác.

Rất nhiều những phát hiện tưởng mới nhưng thực ra là cũ, khi vô số ngôi sao trẻ đã nhẵn mặt tại các VCK U21 QG, không phải cho đội nhà thì là cho đội bạn (mượn). Các trường hợp của Phúc Hiệp, Đình Đồng (SHB Đà Nẵng 2008 – 2009) hay Võ Lý (SLNA 2014) là những điển hình. Đình Đồng nhờ đánh thuê mà lên ĐTQG, trong khi Võ Lý vốn thuộc biên chế của Thừa Thiên Huế làm viện binh cho SLNA.

Lên lão ở giải U21

Liên tiếp 4 VCK, từ năm 2005 đến 2008 (2 trong số đó được tổ chức ở Bình Định), người xem có thể nhẵn mặt với cái tên Lê Thành Tài, một cầu thủ nhỏ con nhưng kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật gần như hoàn hảo. Tài sinh năm 1988, có thể nói là cùng lứa với Phan Quý Hoàng Lâm, Trương Hoàng Vũ, Minh Sen, Phương Thời, Văn Thịnh,… nhưng trong khi Hoàng Lâm tiếp tục có điều kiện phát tiết tài năng (giai đoạn đá cho ĐTLA), thì Thành Tài mãi mãi là “cầu thủ trẻ tiềm năng”.

Truờng hợp của Thành Tài chỉ là một điển hình và tính ra cũng… không nổi lắm, dù Tài đã chơi cho đội 1 Bình Định ngay sau VCK U21 năm 2005 trước khi phiêu bạt tứ xứ. Vậy giải thích thế nào với Huỳnh Phúc Hiệp? Nhà vô địch U21 QG Báo Thanh Niên năm 2006 tiếp tục phải cày ải tại giải U21 nhiều năm sau đó, dù Hiệp đã là thành viên Olympic Việt Nam lọt tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008, được đôn lên ĐTQG chơi Asian Cup 2007 (vào đến tứ kết).

Sau khi Tiền Giang của Hiệp bị biến thành cựu vương ở Nha Trang năm 2007, năm 2008, Phúc Hiệp nhận lời đầu quân cho SHB Đà Nẵng và có chức vô địch U21 QG thứ 2 trong sự nghiệp cùng đội bóng bên bờ sông Hàn. Bản thân Hiệp cũng được bầu là “Cầu thủ xuất sắc nhất”. Phải, không xuất sắc sao được khi Hiệp từng chơi cạnh Công Vinh ở Olympic Việt Nam, ghi bàn vào lưới đối thủ  Lebanon… Kết thúc năm 2007 đại hỷ với các ĐTQG, Phúc Hiệp bảo anh tích luỹ được gần 100 triệu đồng tiền thưởng.

Cũng tựa như lứa những Phúc Hiệp, Long Giang, Nhật Tân,… của bóng đá Tiền Giang, những Nhật Nam, Hữu Khôi, Danh Ngọc, Văn Quý, Lâm Anh Quang,... (Nam Định) hay Duy Lam, Nguyên Sa, Công Thảo,… (Đà Nẵng) cũng đã lên lão ở các VCK U21 QG, không phải cho đội nhà thì trong vai lính đánh thuê. Nói về điều này, SLNA thực sự không có đối thủ bởi nguồn tài năng trẻ dồi dào như nước sông Lam. Việc họ phải mượn Võ Lý (2014) hay Minh Toàn (2010) là rất hiếm hoi.

Nhưng giờ, người xưa đâu? Bóng đá Nam Định ngụp lặn ở các giải hạng thấp, Bình Định cũng thế, trong khi Tiền Giang gần như… mất tích luôn. Việc ĐKVĐ SLNA không qua được vòng loại giải năm nay cho thấy nhiều bất ổn và chúng ta sẽ đề cập ở phần sau.   

Lợi bất cập hại

Như đã nhắc ở các số báo trước, việc kéo trở lại các ngôi sao đã phần nào thành danh từ đội 1 hoặc các ĐTQG trở lại tuyến U21 đá giải, ngoài tăng được vài phần công lực cho đội bóng, thì BTC cũng phần nào được hưởng lợi với sức hút (truyền thông, tài trợ và khán giả) từ các ngôi sao trẻ. Đó là lý do cơ bản khiến nhà tổ chức bảo lưu điều lệ giải cho phép 3 cầu thủ 22 tuổi/CLB và mở cửa trở lại nhu cầu tăng viện binh, tức mượn lính đánh thuê từ các đội không dự VCK.

Tất nhiên, về mặt nguyên tắc, điều này hoàn toàn không có lợi cho phát triển bóng đá trẻ về lâu về dài, bởi khi kéo về các ngôi sao, những cầu thủ mới toanh sẽ bị hạn chế cơ hội ra sân. Các giải bóng đá chuyên nghiệp QG đã phải hạn chế suất đăng ký ngoại binh để trao cơ hội cho người trẻ và bản thân nền bóng đá cũng đang khuyến khích đào tạo trẻ, song rất thường xuyên, người ta chỉ chạy theo cái lợi trước mắt. Ngay cả bóng đá trẻ cũng cần có thành tích để… báo cáo?!

Và, một hậu quả khác của việc níu kéo các cái tên trên đội 1, cũng như một vài trường hợp sao số khác xuống đá U21, còn có thể là mầm hoạ, nếu họ không đá mà lại “phá”, không chơi mà lại “làm”, đặc biệt khi họ tập trung ĐT U21 Báo Thanh Niên đá giải quốc tế sau đó. Sau một mùa giải kéo dài mệt mỏi ở mọi cấp độ, khó có thể đòi hỏi họ tận lực ở một giải đấu trẻ. Phải đặt vấn đề rằng tại sao và như thế nào, chất lượng đội hình tốt như SLNA hay Đồng Tháp lại không qua được vòng loại.

Trong khi đó, việc PVF và Viettel, những lò đào tạo chất lượng bậc nhất Việt Nam không góp mặt ở VCK U21 lần thứ 19, cũng đặt ra nhiều vấn đề. Bất luận thế nào, việc từ chối các cơ hội cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm quý giá của người trẻ có thể xem là điều không nên và đi ngược thời đại.

1. Lịch sử giải đấu tuổi 19 U21 QG Báo Thanh Niên cũng có những cầu thủ thành danh qua 1 lần tham dự VCK và không bao giờ phải quay lại sân chơi dành cho bóng đá trẻ dù vẫn còn trong độ tuổi. Điển hình là Thành Lương (cầu thủ xuất sắc nhất VCK 2005), Xuân Thành (2005) hay Quang Hải (2007).

2. Soi vào bản danh sách dự VCK U21 QG – Cúp CLEAR Men 2015, Hà Nội T&T và HAGL là 2 đội bóng tập hợp đông nhất các cầu thủ đang khoác áo đội 1, thậm chí là tuyển thủ tại các ĐTQG. Những Duy Mạnh, Quang Hải (Hà Nội T&T), hay Minh Vương, Đông Triều, Văn Tiến (HAGL), thêm Văn Long, Ngọc Thắng, Thái Sung (SHB Đà Nẵng)…

3. Thông thường, mỗi tuyến trẻ cấp CLB chỉ chơi chừng 5 – 6 trận vòng loại các giải đấu trẻ mỗi năm và nếu lọt vào VCK, có thể thêm 3 – 5 trận nữa. Nó quá ít ỏi cho nhu cầu cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm của cầu thủ trẻ. Ấy vậy mà vì thành tích, lãnh đạo và HLV các đội bóng vẫn cố kéo cầu thủ trên tuyến đầu xuống sân chơi trẻ.


Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN