TTVH Online

HLV Miura và cái duyên với những người trẻ

12/10/2015 05:45 GMT+7

“Không có Toshiya Miura, ai biết Tiến Duy là cầu thủ nào?! Không phải là Miura, Duy Mạnh có thể cầm suất chơi chính và toả sáng trong trận đấu với Iraq hay không? Và, Đinh Tiến Thành, Quế Ngọc Hải, Huy Toàn…

(Thethaovanhoa.vn) - “Không có Toshiya Miura, ai biết Tiến Duy là cầu thủ nào?! Không phải là Miura, Duy Mạnh có thể cầm suất chơi chính và toả sáng trong trận đấu với Iraq hay không? Và, Đinh Tiến Thành, Quế Ngọc Hải, Huy Toàn…, rất nhiều các cái tên khác nữa. Ít nhất thì họ cũng biết ơn HLV trưởng người Nhật Bản”, các ý kiến đồng tình.

“Không phải Alfred Riedl, Henrique Calisto hay Falko Goetz, mà Toshiya Miura mới là người biết nghĩ đến tính kế thừa cho bóng đá Việt Nam, các cấp độ ĐTQG. Ông ấy đã rất dũng cảm khi cấy vào đội tuyển Việt Nam các nhân tố trẻ và phần lớn họ đều đã toả sáng. Đội tuyển Việt Nam bây giờ là của thì tương lai”, một ý kiến tương tự.

1. Sự thật là HLV Miura đã cất nhắc rất nhiều các cái tên “lạ hoắc”, khiến ngay cả những người làm chuyên môn cũng phải bất ngờ. Tất nhiên, một số họ không phải tự nhiên mà được HLV Miura để ý, ví như Huy Toàn hay Huy Hùng chẳng hạn, họ vốn dĩ đã là các tuyển thủ U19, rồi U23 QG đá các giải đấu trẻ cấp khu vực dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc.

Đứng chính danh, kể từ thời dẫn dắt U19 Việt Nam, đến U22 Việt Nam, U23 và ĐTQG, HLV Hoàng Văn Phúc mới là người giới thiệu và tạo cơ hội cho những người trẻ xuất sắc nhất nền bóng đá vào thời điểm hiện tại. Nhưng, như Thể thao & Văn hoá đã đề cập, tính thời điểm là rất quan trọng để quyết định sự thành bại của một HLV trưởng.

Ông Phúc tạo những tiền đề để HLV Miura thừa hưởng. Cũng tựa như ông Lê Thụy Hải và ông Mai Đức Chung ở B.Bình Dương vậy, dù cựu GĐKT Mai Đức Chung vẫn một mực nói rằng ông chẳng thừa hưởng bất cứ “di sản” nào của người tiền nhiệm cả. Bóng đá là sự cộng dồn và sự phát triển là một cuộc chạy tiếp sức.

Trở lại với HLV Miura và những học trò trẻ của ông. Một bộ phận giới quan sát cho rằng, HLV trưởng người Nhật Bản cũng có chút “lạm dụng” sức trẻ và người trẻ, khi trao cho họ cơ hội. “Thể lực, khát vọng cống hiến và nhu cầu thể hiện thuộc về cầu thủ trẻ, nếu họ muốn đạt được một bản hợp đồng tốt”, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ.

Ông Miura đã đánh trúng vào điểm này, bởi, rõ ràng một người mới như ông khó thể “cầm” được cương những con ngựa kỳ cựu. Công Vinh có thể nói là  người cuối cùng còn sót lại từ các đời HLV trước ở triều đại của HLV Miura, nhưng bản thân tiền đạo đội trưởng người Nghệ An đã là một cầu thủ chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam, và hiểu sự nỗ lực của anh ở thời điểm này rất có giá.

Từ chối một người như Công Vinh là điều vô lý và ở chiều ngược lại, với một cầu thủ không bia rượu, thuốc lá, lại có ý thức tập luyện, cầu tiến tốt như Vinh, ai mà có thể không hài lòng. Khi một số các đồng đội ra điều trách cứ Công Phượng bởi pha xử lý cẩu thả dẫn đến pha penalty cho Iraq ở những giây đấu bù cuối cùng, chỉ mình Vinh đứng ra bảo vệ đàn em.

Hồi AFF Cup 2014, Thể thao & Văn hoá từng trích lục thuộc tính của hầu hết những người Nhật Bản về sự tha thứ khi người trẻ mắc sai lầm (vì trẻ thì phải sai lầm), thay vì thoả hiệp với sự cẩu thả của những người dày dạn kinh nghiệm. Tức là, HLV Miura sẽ không chấp nhận một học trò không có ý thức tận hiến vì tập thể và vì cái chung.

2. Ít ai trong chúng ta biết, sau trận “hoà trên thế thắng” trước Iraq, HLV Muira đã được mời tới lớp học FIFA Pro dành cho các chiến lược gia lão luyện hoặc thuộc dạng tiềm năng, quy hoạch, mà Việt Nam là đơn vị đăng cai, để… nói chuyện. Từ hơn nửa thập niên qua, AFC và FIFA vẫn nỗ lực “phổ cập” cho các HLV bóng đá Việt Nam theo cách này.

Tại “buổi nói chuyện”, HLV Miura đã chiếm diễn đàn chừng khoảng 1 tiếng đồng hồ để trình diễn với các đồng nghiệp về các liệu pháp và khả năng ứng biến tình huống từ chính trận đấu với Iraq. Một trong số đó là sự tận tuỵ, cắt, dán các thước phim tư liệu về đối thủ, các tình huống có thể xảy ra và đội tuyển Việt Nam phải xử lý như thế nào.

“Người chiến thắng có tất cả”, Đội tuyển Việt Nam tuy là chỉ có một trận hoà, nhưng hoà mà như thắng. Với HLV Miura, kết quả ấy thậm chí còn hơn cả một chiến tích. Và điều đáng nói là, thay vì tự ái hay khó chịu, phần lớn các đồng nghiệp người bản địa ở lớp FIFA Pro khá trân trọng thành quả của ông Miura.

“Chiến thuật chuẩn bị là rất quan trọng và tôi thấy, HLV Miura đã làm rất tốt điều này để đội tuyển Việt Nam có một trận hoà rất hay, chứ không phải các tình huống cụ thể trên sân. Trận đấu Việt Nam – Iraq thực tế là một buổi lên lớp của chúng tôi để sau đó phải đưa ra những báo cáo với giảng viên FIFA. Chúng tôi đã thêm những bài học”, HLV Hoàng Văn Phúc nhận xét.

Trở lại với vấn đề mà chúng ta nêu ở đầu bài viết, về tiêu chí trẻ hoá đội hình các ĐTQG dưới thời HLV Miura, về cơ bản, đấy là điều tích cực, nên được cổ vũ. Đơn giản, bóng đá, như đã thống nhất với nhau, bắt buộc phải có tính kế thừa nếu muốn phát triển. Việc cấy vào đội hình những nhân tố trẻ đáng tin cậy còn có thể là sự dũng cảm.

“HLV Miura và các trợ lý của ông là những người biết đích xác ai có thể xung trận ngay từ đầu, ai dự bị. Bóng đá là kết quả”, vẫn phải nhắc lại phát biểu của tiền đạo đội trưởng Lê Công Vinh. Tiến Duy, Duy Mạnh, Huy Toàn, Hồng Quân, Trọng Hoàng, 5 vị trí được thay mới so với trận thắng Đài Loan (Trung Quốc) 2-1, đã không làm tất cả phải thất vọng.

2 Gặp Thái Lan là trận đấu thứ 2 liên tiếp trên sân nhà của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2018, sau 2 trận đầu tiên liên tiếp trên sân khách.

5 Tiến Duy, Duy Mạnh, Huy Toàn, Hồng Quân, Trọng Hoàng là 5 vị trí được HLV Miura thay mới ở trận hòa Iraq so với trận thắng Đài Loan (Trung Quốc)

6 Thái Lan đang trải qua chuỗi 6 trận bất bại liên tiếp và họ đang dẫn bảng đấu với 2 trận thắng và 1 trận hòa


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN