TTVH Online

Kinh nghiệm cải tạo di tích trong trường học ở phố cổ Hà Nội

04/10/2015 07:35 GMT+7

Buổi tọa đàm chuyên môn Kinh nghiệm từ việc trùng tu và cải tạo di tích – Trường tiểu học Hồng Hà (40 – Lãn Ông) được tổ chức sáng 3/10 tại Hà Nội.

(Thethaovanhoa.vn) - Buổi tọa đàm chuyên môn Kinh nghiệm từ việc trùng tu và cải tạo di tích – Trường tiểu học Hồng Hà (40 – Lãn Ông) được tổ chức Ngày 3/10 tại Hà Nội.

Tại đây, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cùng một số chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ kinh nghiệm trùng tu hội quán Phúc Kiến xây từ năm 1817, nay là trường tiểu học Hồng Hà vừa được trùng tu, khánh thành và gắn biển nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Di tích hội quán Phúc Kiến thờ nữ thần Thiên Hậu, đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia từ năm 2007. Tuy nhiên, từ lâu, một số hạng mục của hội quán được trường Tiểu học Hồng Hà cơi nới và sử dụng như: nghi môn được tận dụng làm phòng tài vụ và phòng bảo vệ, sân trong và phương đình là nơi vui chơi của học sinh, hậu cung là nơi làm việc của hội đồng giáo dục của trường... đã làm ảnh hưởng tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Ngoài ra, hệ thống tường bao và nền gạch trong di tích cũng bị bong rộp, nứt vỡ; các kiến trúc gỗ như: cột, xà, hoành…bị mối mọt, hư hỏng, rồi mái lợp tôn cong vênh, han rỉ…


Trường tiểu học Hồng Hà và di tích hội quán Phúc Kiến

Trước thực trạng đó, Sở VHTT&DL Hà Nội đã lập phương án tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích. Trong đó, hội quán Phúc Kiến tu bổ: Nghi môn, Phương đình, Hậu cung, hai bức Thanh Long - Bạch Hổ, hai lầu thiêu hương; tôn tạo sân vườn và hạ tầng kỹ thuật.

Trường Tiểu học Hồng Hà cải tạo, chỉnh trang các khối nhà hai bên, phía trước Hậu cung của Hội quán; xây dựng khối lớp học và thư viện hai bên, phía sau Hậu cung của Hội quán; tôn tạo sân vườn nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học cho giáo viên và học sinh. Hiện trường Tiểu học Hồng Hà có 2 cơ sở tại số 40 phố Lãn Ông thuộc phường Hàng Bồ và số 8 Chả Cá thuộc phường Hàng Đào (Hoàn Kiếm).

Tại buổi sinh hoạt, các chuyên gia cho rằng hội quán Phúc Kiến hiện nay vẫn giữ nguyên được quy mô của lần tu sửa vào năm 1925, là di tích mang giá trị lịch sử, có ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là về kinh thành Thăng Long và khu phố cổ Hà Nội.

An Như

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN