TTVH Online

Hãy tươi tỉnh lên, vì nỗi buồn là độc tố

16/10/2015 10:43 GMT+7

Thu sang, những cơn giông lớn nhắc Hà Nội nhớ về nỗi ám ảnh trận lụt năm 2008. Rồi nắng lại về dai dẳng. Mọi người rủ nhau ốm. Có đủ thứ lý do để mặt nặng mày nhẹ...

(Thethaovanhoa.vn) - Thu sang, những cơn giông lớn nhắc Hà Nội nhớ về nỗi ám ảnh trận lụt năm 2008. Rồi nắng lại về dai dẳng. Mọi người rủ nhau ốm. Có đủ thứ lý do để mặt nặng mày nhẹ. Nhưng chợt nhớ câu “Khi mưa, người ta càng mong được trông thấy những khuôn mặt hồ hởi” trong cuốn sách Alain nói về hạnh phúc.

Đó là sự thật cuộc sống giản đơn không phải ai cũng nhớ. Người ta dễ dàng nhăn mặt lại và chia sẻ về nỗi khổ của họ trong cơn mưa: “mùa màng thất bát, cái gì cũng vấy bùn, không thể ngồi xuống bãi cỏ…”. Những đôi tình nhân cãi nhau trong cơn mưa nặng hạt. Chiếc xe chết máy sụt xuống nắp cống. Những nỗi khổ đó có thật, nhưng có cần nói ra?

Tác giả Emile Chartier viết: “Khi mưa, người ta càng mong được trông thấy những khuôn mặt hồ hởi. Vì vậy, hãy tươi tỉnh lên khi thời tiết xấu”. Kể cả thời tiết bên ngoài không xấu, mà là trong lòng đang nổi giông bão, chúng ta cũng nên tâm niệm lời khuyên này. “Hãy coi việc tả cho người khác một cơn đau đầu, hay buồn nôn, ợ chua, quặn ruột, kể cả bằng từ ngữ lịch sự, đều là bất lịch sự”.

“Những lời ta thán về mình chỉ làm người khác rầu lòng… Bởi nỗi buồn cũng giống như độc tố” là lời khuyên của vị “kỹ sư hạnh phúc” nổi tiếng ở thế kỷ 20. Cần hiểu rằng, không phải những nỗi buồn ý nghĩa, mà là nỗi buồn vặt vãnh níu chân ta trên con đường hạnh phúc. Những suy ngẫm trong cuốn sách Alain nói về hạnh phúc, vẫn phù hợp với tâm tư độc giả thế kỷ 21, cho thấy cuộc kiếm tìm hạnh phúc của con người ở các thời đại không thay đổi quá nhiều.


Hạnh phúc không phải chỉ có niềm vui, nhưng rất cần sức mạnh của niềm vui

Trải qua bao thăng trầm, thậm chí đảo ngược nhiều giá trị, về cách đánh giá con người, hạnh phúc vẫn được coi là điều thiêng liêng cần kiếm tìm. Các giá trị kinh tế, địa vị và thành đạt có thể định lượng, thể hiện rõ ràng qua những con số, nhưng hạnh phúc thì chưa hẳn, dù vài quốc gia đã bắt đầu áp dụng chỉ số hạnh phúc quốc dân, chẳng hạn Bhutan.

Cho đến khi những chỉ số đó được phổ cập đến nhiều quốc gia, hạnh phúc vẫn là một giá trị mơ hồ xen lẫn hiện hữu mà người ta dắt tay nhau tìm kiếm. Sau những cuộc kiếm tìm dài hơi dựa theo các giá trị bên ngoài và gắn hạnh phúc với những yếu tố vật chất sờ thấy được, người ta bắt đầu nhận ra: một phần lớn của hạnh phúc nằm ở bên trong mình.

Vẫn thừa nhận “ta thán về nỗi buồn” là quyền của mỗi người, nhưng từ thế kỷ 20, Chartier đã lật ngược vấn đề về nỗi buồn. Buồn thực ra rất dễ. “Muốn khổ sở hay bực mình thì chẳng khó gì, chỉ cần ngồi xuống như một ông hoàng chờ người ta mua vui cho mình”.

Còn muốn hạnh phúc thì khó hơn, nhưng không bất khả thi, hãy cưỡng lại lòng ham muốn được than thở não nề. Cũng như cưỡng lại ham muốn buồn bực khi thời tiết xấu. Ham muốn được rủa xả khi giận hờn. Chartier viết: “Người ta thường nói rằng chỉ những người hạnh phúc mới được yêu mến, nhưng họ lại quên mất rằng đó là một phần thưởng công bằng và xứng đáng”. Cho việc đã xua bớt đi những độc tố trên đời

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN