TTVH Online

Lee Nguyễn cũng ngán 'đặc sản' bạo lực của V-League

19/09/2015 04:57 GMT+7

Sau ngót 3 mùa giải chơi bóng tại cố hương (2009 – 2011) trong màu áo các CLB HAGL và B.Bình Dương, Lee Nguyễn quay lại MLS để gia nhập Vancouver Whitecaps FC.

(Thethaovanhoa.vn) - Sau ngót 3 mùa giải chơi bóng tại cố hương (2009 – 2011) trong màu áo các CLB HAGL và B.Bình Dương, Lee Nguyễn quay lại MLS để gia nhập Vancouver Whitecaps FC. Vào thời điểm đó, có ý cho rằng Lee không thể thích ứng được với môi trường V-League vốn trọng sức mạnh cơ bắp, song cũng có thông tin khác bảo tiền vệ tài hoa này đã không tìm thấy tiền đồ tại giải bóng đá cao nhất đất nước hình chữ S…

Thực tế là, ngay cả khi bị HLV Kiatisuk “đì” ở Pleiku, Lee Nguyễn vẫn cảm nhận cuộc sống ở Việt Nam là thiên đường và là một trải nghiệm thú vị. “Rất nhiều người nhận ra tôi ở ngoài phố, họ xin chữ ký, chụp ảnh, điều đó rất thú vị. Cuộc sống vật chất của tôi từng rất dư giả, muốn gì được nấy. Nhưng, tôi quay lại Mỹ và MLS bởi chưa muốn từ bỏ cơ hội khoác áo ĐT Mỹ bằng cửa chính”, Lee Nguyễn từng chia sẻ.

Một cách tế nhị, Lee Nguyễn không đề cập trực tiếp đến lối chơi nhuốm màu bạo lực của phần lớn các đội bóng tại V-League, song có thể hiểu, đây không phải là môi trường lý tưởng để một cầu thủ giàu tham vọng tiến thân, càng không thể chinh phục HLV ĐT Mỹ. Phần lớn đã thấy, Lee Nguyễn toả sáng trong màu áo Vancouver Whitecaps FC và sau đó là New England Revolution, được HLV Klinsmann gọi trở lại ĐTQG Mỹ.

Lee Nguyễn (áo trắng) suýt nữa cũng đã gãy chân nếu như không kịp tránh cú vào bóng bằng cả 2 chân của Anh Tuấn ở V-League. Ảnh: VSI

Quay lại mùa bóng đầu tiên tại HAGL, Lee Nguyễn có 13 bàn thắng, thêm 16 đường chuyền thành bàn, những con số khá ấn tượng, dù trong đội hình đội bóng phố núi có cả chân chuyền số 1 Đông Nam Á là Datsakorn Thonglao. Tuy nhiên, đội bóng phố núi chỉ về thứ 6 tại V-League và bị loại khỏi tứ kết Cúp QG, cùng trong năm 2009. Sau vụ ẩu đả với Sakda, kết thúc V-League 2009, Lee chuyển về B.Bình Dương.

Sau khi Lee Nguyễn xuôi đất Thủ (chơi cạnh “King” Leandro), Thonglao cũng trở về Thái gia nhập đội bóng nhà giàu Muangthong United. Không kể thương binh Denilson từng đến Hải Phòng mua vui và Nastja Ceh tìm về Thanh Hoá dưỡng già, có thể nói, Lee Nguyễn, Leandro, Thonglao và Philani là 4 cầu thủ đẳng cấp bậc nhất từng chơi bóng ở Việt Nam. Nhưng V-League với họ chỉ như trạm trung chuyển, kiếm tiền.

Đã kém về danh tiếng, kém cả chuyên môn, một giải đấu mà các CLB ăn ở tập trung ngày này qua ngày khác và thu điện thoại di động trước mỗi trận đấu, hẳn là có điều gì bất ổn. Các ngoại binh đến từ các nền bóng đá phát triển dù ít nhiều có sự đặc cách, song vẫn tỏ ra cực kỳ khó chịu. Sau các trận đấu vào cuối tuần, Lee thường bước vào các hộp đêm cùng chân dài, sau đó thì anh bị “mách” và đôi khi bị cả kỷ luật ngầm.

15 năm tiến lên chuyên, nhưng V-League vẫn u ám, đầy bạo lực và không trận đấu bị nghi ngờ về kết quả. Hỏi có ngán ngẩm không?!

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN