TTVH Online

Công viên Hoàng thành Thăng Long: Bước đầu của giấc mơ lớn

14/09/2015 05:31 GMT+7

Ba phương án giành giải tại cuộc thi Phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu chính là bước đi đầu tiên trong lộ trình dài: tìm kiếm "diện mạo" tương xứng của một Di sản thế giới.

(Thethaovanhoa.vn) - Ba phương án giành giải tại cuộc thi Phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu chính là bước đi đầu tiên trong lộ trình dài: tìm kiếm "diện mạo" tương xứng với giá trị của một Di sản thế giới vốn đang là phế tích.

1. "Thiết kế một công trình có nội hàm lịch sử lớn như vậy là giấc mơ cho mọi KTS. Tôi muốn thử sức, từ góc độ một KTS nặng lòng với Hà Nội” - Bùi Anh Phú Ninh trả lời Thể thao & Văn hóa. Phương án của anh và cộng sự là trường hợp "thuần Việt" duy nhất nằm trong top 3 của cuộc thi.

36 tuổi, là KTS trưởng tại công ty xây dựng CIC36, Ninh từng được mạng kiến trúc Ashui (Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) bình chọn là KTS của năm 2013. Tham gia cuộc thi thiết kế Hoàng thành Thăng Long, một núi tư liệu về Thăng Long Hà Nội đã được nhóm tác giả tham chiếu và khảo cứu, trước khi xây dựng các ý tưởng.

"Tôi biết, nhiều công ty kiến trúc quốc tế cũng tham dự cuộc thi. Có lẽ, ưu điểm của họ là cách tư duy hiện đại khi tiếp cận những công trình lớn" - Ninh nói. "Nhưng, với một nhóm tác giả VN, sự tường tận về bề dày văn hóa, lịch sử truyền thống cũng sẽ trở thành  vốn quý".

Những gì được đọc, cùng việc tham vấn hàng chục chuyên gia về khảo cổ và lịch sử, đã đưa nhóm tác giả này tới một kết luận: điểm đặc biệt nhất của Hoàng thành Thăng Long là  tính biểu trưng của một trung tâm quyền lực, văn hóa, chính trị mà người Việt hướng về trong suốt ngàn năm đấu tranh với đế chế phương Bắc. Và để giới thiệu với du khách về sự tồn tại liền mạch trong lịch sử của cụm di tích ấy, hiện trạng của di sản nên được tôn trọng tuyệt đối.


 Phối cảnh mặt đứng phía trước trong thiết kế Hoàng thành Thăng Long giành giải Ba

"Thời điểm mới triển khai bài thi, chúng tôi cũng có lúc loay hoay tìm những hình thức bắt mắt hoặc những đường nét đậm cá tính để tạo ấn tượng cho người xem. Đó là sai lầm" - anh kể. "Bởi, nếu đặt việc bảo tồn nguyên trạng di sản làm trọng tâm, kiến trúc và tổ hợp không gian phải lựa theo phần di tích đang có phát triển hình thành một tổng thể hài hòa, thay vì sa đà vào phô diễn hình thức".

2. Phương án của CIC36 được cho là ít nhiều giản dị hơn về ngôn ngữ kiến trúc. Bù lại, cách xử lý không gian, cộng cùng những nỗ lực để bảo tồn tối đa nguyên trạng di tích đã giúp anh nhận về những đánh giá rất tích cực từ hội đồng giám khảo và các chuyên gia.

Sử dụng những hình khối vuông giản dị, phần xây dựng trên mặt đất trong phương án hướng tới việc hòa nhập với tổng thể không gian (cũng gồm những khối vuông) của những công trình xung quanh như  Lăng Bác, Nhà Quốc hội, Đài liệt sĩ Bắc Sơn…

Các thiết kế được tính toán để tránh tối đa việc "đè" lên di sản khi xây dựng: tường treo bằng bê tông nhẹ với bước cột lớn để giảm tải trọng lên mặt đất; cây xanh được đưa vào các bồn (thay vì trồng trực tiếp) để tránh sự phát triển của hệ rễ xuống dưới sâu... Thậm chí, việc dịch chuyển các mái vòm, các bồn cây xanh để phục vụ khai quật khảo cổ khi cần cũng được tính đến.

Đặc biệt, hệ thống các trục đường cũng được chia thành các "tầng" khác nhau, trong đó trục tuyến tham quan dưới lòng đất chỉ chạy song song, sát cạnh các móng kiến trúc cổ. Bố trí theo sự phát triển của niên đại lịch sử và quy trình khai quật, các tuyến đường tham quan này được tính toán để luôn thay đổi giữa các điểm nhìn toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh… và gợi nên xúc cảm đa dạng từ người thăm quan.

“Với tinh thần "lắng hồn núi sông ngàn năm", chúng tôi cho rằng vẻ đẹp của Hoàng thành Thăng Long chính là phần kiến trúc ẩn sâu dưới lòng đất, đòi hỏi sự suy tư, ngẫm ngợi của du khách" - KTS Bùi Anh Phú Ninh giải thích. "Nếu những công trình trên mặt đất được thiết kế quá phức tạp và hiện đại, sự trầm mặc vốn có của di sản sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng".

Với Ninh và các cộng sự ở CIC36, một năm qua vẫn là thời gian tiếp tục nghiền ngẫm để chỉnh sửa, và tìm những lựa chọn để bổ sung, hoàn thiện thêm cho phương án của mình.

"Hy vọng đồ án của chúng tôi sẽ là một tư liệu để những người có trách nhiệm tham khảo thêm, hoặc rút ra được điều gì đó hữu ích cho một công trình vô cùng ý nghĩa với Hà Nội" - anh nói. "Đã sống tại Hà Nội, có ai lại không muốn sớm được nhìn thấy một công viên Hoàng thành hiện lên trước mắt mình?".

3 Đề cử Giải Ý tưởng - Vì Tình yêu Hà Nội

- Dự án Xây dựng các đập dâng sông Hồng nhằm khôi phục lại dòng chảy  của nhóm các nhà khoa học Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam và Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nhằm cải thiện giao thông thủy của Hà Nội về mùa khô, tàu bè không bị mắc cạn, giải quyết vấn đề ô nhiễm nhức nhối trên sông Nhuệ, sông Đáy của Thủ đô hiện nay.

Đề án nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) nhằm “tái sinh” các bộ phận kiến trúc chính là cửa Đoan Môn, sân Đan Trì, Chính điện Kính Thiên, tường hành cung, Hậu Lâu và các công trình phụ trợ khác; trong đó, quan trọng nhất là Tòa Chính điện Kính Thiên.

Chùm đồ án đoạt giải Cuộc thi tuyển Phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu vì các đồ án đã thể hiện vừa tạo điều kiện tốt nhất cho bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học, vừa là kiến trúc hấp dẫn, hòa nhập với khung cảnh, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại, đồng thời mang dấu ấn Thăng Long - Hà Nội.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Quỹ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát động nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác Văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến...


Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN