TTVH Online

'VTV đặc biệt' đi tìm 'Kỷ vật chiến tranh'

21/07/2015 13:50 GMT+7

Nhà báo Lê Minh và ê kíp đã mất hơn ba năm, vượt nửa vòng trái đất từ Việt Nam tới Mỹ, từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ để thực hiện bộ phim tài liệu dài 50 phút: Kỷ vật chiến tranh.

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Lê Minh và ê kíp đã mất hơn ba năm, vượt nửa vòng trái đất từ Việt Nam tới Mỹ, từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ để thực hiện bộ phim tài liệu dài 50 phút: Kỷ vật chiến tranh. Được biết, một số hãng thông tấn nước ngoài đã ngỏ lời mua bản quyền bộ phim để phát sóng.

1.Kỷ vật chiến tranh mang đúng nghĩa đen của cụm từ này khi một kỷ vật của người lính Việt Nam và một là của người lĩnh Mỹ được trao trả. Trong đó, kỷ vật của người lính Việt Nam đã được trao; còn kỷ vật của phi công Mỹ do chính ê-kíp thực hiện việc trao trả tại Mỹ.

Ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu Kỷ vật chiến tranh được nhà báo Lê Minh ấp ủ từ năm 2012, bắt nguồn từ việc cựu binh Bob Frasure muốn trao lại cuốn nhật ký chiến trường cho một gia đình liệt sĩ ở Việt Nam.

Theo chia sẻ, trở về Mỹ sau chiến tranh Việt Nam vào năm 1970, cựu binh Bob Frasure mang theo cuốn nhật ký của một liệt sĩ. Trong suốt hơn 40 năm, cuốn nhật ký đã được ông và vợ lưu giữ trong nhà. Thậm chí, vợ của Bob Frasure cất nó trong chiếc liễn gia truyền mà bà ngoại của bà để lại.


Cảnh phim “Kỷ vật chiến tranh”

Tháng 9/2012, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã trao lại cho Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cuốn nhật ký ấy. Đó là nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, quê ở Hải Dương.

Con trai liệt sĩ Đoàn đã không giấu nổi xúc động khi nhận lại cuốn nhật ký của người tra đã thất lạc tới tận Mỹ trong hơn 40 năm. Nước mắt của người con có lẽ cũng là nước mắt của biết bao người dân Việt có người thân, có cha, mẹ, ông, bà đã hy sinh trong cuộc kháng chiến.

2. Tuy nhiên, nhà báo Lê Minh cảm nhận, đằng sau câu chuyện về cuốn nhật ký còn ẩn chứa rất nhiều điều. Chính nhà báo cũng tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi: “Tại sao ông ấy lại nhặt cuốn nhật ký sót lại trên chiến trường?”, “Ông ấy nhặt để làm gì?”, “Tại sao ông lại lưu giữ lâu đến vậy?”, “Việc trao trả đó tác động đến ông như thế nào?”...

“Bob Frasure không phải là cựu binh Mỹ đầu tiên trao trả lại những kỷ vật chiến tranh cho phía Việt Nam, tuy nhiên trong mỗi trường hợp như vậy, mỗi cựu chiến binh Mỹ lại có những câu chuyện riêng.

Khi chúng tôi tìm đến Bob để ghi hình thì gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông sống trong một căn nhà biệt lập ở núi cao. Ông lại đang bị ung thư nên không đủ sức khỏe để thực hiện ghi hình quá dài.

Khi xem những hình ảnh về buổi lễ trao trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, cựu binh này đã khóc...” - nhà báo Lê Minh chia sẻ - “Bob nói rằng, ông ấy đã thực hiện được ý nguyện của mình và sẽ không còn phải lo lắng về việc này nữa”.

Tháng 4/2015, ê kíp thực hiện Kỷ vật chiến tranh đã đến Mỹ để ghi hình chính thức và yêu cầu Bộ Cựu binh Mỹ để được phỏng vấn những nhân chứng sống.

Đây cũng không phải lần đầu tiên VTV đặc biệt làm phim về cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Trước đó, bộ phim Những đứa con của cuộc chiến đã gây xúc động mạnh với khán giả ở trong và ngoài nước.

Theo dự kiến, VTV đặc biệt - Kỷ vật chiến tranh sẽ phát sóng lúc 21h40 tối ngày 25/7 tới trên kênh VTV1.

Hà Thanh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN