TTVH Online

Khi người Mỹ lẩy Kiều

09/07/2015 05:00 GMT+7

“Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Một chi tiết tưởng nhỏ, nhưng lại khiến rất đông độc giả trong nước thú vị khi theo dõi chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

(Thethaovanhoa.vn) - 1. “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Một chi tiết tưởng nhỏ, nhưng lại khiến rất đông độc giả trong nước thú vị khi theo dõi chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dùng hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về quan hệ Việt - Mỹ.

Như một tất yếu, từ hai câu Kiều mà Joe Biden đọc, câu chuyện về lần "lẩy Kiều" 15 năm trước của Bill Clinton lại được báo giới khai thác tận tình. Khi ấy, trong chuyến thăm Việt Nam, vị Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ cũng mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền (Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang Xuân) trước khi có những lời phát biểu trang trọng: "Những ký ức băng giá về quá khứ bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành...".

Trích dẫn hai câu Kiều này, hẳn Bill Clinton cũng không ngờ: 13 năm sau, lời phát biểu của ông đã trở thành một phần trong... hồ sơ đề nghị vinh danh Nguyễn Du, được VN gửi lên UNESCO. Khi đó, ban soạn thảo hồ sơ dẫn lại lần "lẩy Kiều" của nguyên Tổng thống Mỹ như một minh chứng tiêu biểu cho tầm ảnh hưởng Đông Tây của tác phẩm này.


Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Và, cũng có thể thấy trước, với nhiều hoạt động sẽ được tổ chức để tưởng niệm 250 ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du vào cuối năm 2015 này, chuyện "lẩy Kiều" của Phó Tổng thống Joe Biden hẳn sẽ còn được nhắc đi nhắc lại, như một dấu mốc mới về tầm ảnh hưởng, về giá trị của kiệt tác lớn nhất trong nền văn học mà chúng ta sở hữu.

Tất nhiên, một vị Tổng thống (hoặc Phó Tổng thống Mỹ) lẩy Kiều là sự kiện đáng chú ý và thi vị hơn rất nhiều - so với việc một nhà Kiều học nào đó của VN thực hiện công việc ấy. Nhưng ở góc ngược lại, câu chuyện ấy cũng cho thấy rõ một thực tế: Truyện Kiều đã được thế giới mặc định là tác phẩm tiêu biểu tại VN, gắn với văn  hóa VN.

2. Sẽ hơi bất công, nếu từ hai lần "lẩy Kiều" đặc biệt này, dư luận lại quay sang chuyện độc giả trẻ VN có chút thờ ơ, hoặc thiếu hiểu biết về Truyện Kiều. Bởi, không thể so sánh vị trí của Truyện Kiều trong hai bối cảnh rất khác nhau ấy: Một bên là lĩnh vực ngoại giao, trong vai trò đại diện của văn hóa VN - và một bên là tác phẩm văn học trung đại, đến với các độc giả trẻ trong giai đoạn tràn ngập hàng loạt phương tiện thông tin giải trí khác.

Nhưng, nếu từ chuyện lẩy Kiều của người Mỹ để nhìn lại những gì đang diễn ra tại VN hàng ngày, chúng ta lại thấy có một điểm chung đặc biệt: Với người Việt, Truyện Kiều đã đi vào đời sống theo cách vừa mãnh liệt, vừa đơn giản tới mức chúng ta có thể trích dẫn bất cứ câu Kiều nào để thay lời muốn nói. Đó cũng là lý do khiến tất cả độc giả Việt Nam hiểu những gì mà Joe  Biden và Bill Clinton muốn nói sau 4 câu thơ.

Nghĩ như vậy, chắc độc giả sẽ thấy thấm thía hơn về giá trị Truyện Kiều - cho dù sau 250 năm, quả thực ý tưởng thử đọc hết 3.254 câu thơ của cụ Nguyễn Du là điều... không thật hấp dẫn với các độc giả trẻ.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN