TTVH Online

Thông tin về vụ tàu Hải Trường 36 bị 'hôi của, cướp gạo'

08/07/2015 16:12 GMT+7

Ngày 8/7, UBND thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi họp báo, cung cấp thông tin chính thức về vụ tàu Hải Trường 36 bị mắc cạn.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/7, UBND thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi họp báo, cung cấp thông tin chính thức về vụ tàu Hải Trường 36 bị mắc cạn tại vùng biển La Gi. Nội dung buổi họp báo chủ yếu xoay quanh vấn đề có hay không việc ngư dân La Gi đã lấy tài sản trên tàu Hải Trường 36.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Phong, thuyền trưởng tàu Hải Trường 36 cho biết: Ngay sau khi tàu bị mắc cạn vào sáng 5/7, tàu đã giảm tải bằng cách bỏ bớt gạo xuống biển để tàu nổi lên mặt nước. Các thành viên tàu Hải Trường 36 cũng đã cho ngư dân gạo để giảm tải; việc giảm tải chỉ kéo dài đến trưa 5/7 là kết thúc và tàu Hải Trường đã đóng hầm gạo. Số gạo đã vứt xuống biển và cho ngư dân để giảm tải, tàu không xác định được. Thế nhưng, đến chiều ngày 6/7, nhiều ngư dân đã đến lấy gạo trên tàu mà không được sự đồng ý của chủ tàu.

Chiều 6/7, Công ty Vận tải biển Hải Trường đã có báo cáo khẩn đến cơ quan chức năng Bình Thuận. Báo cáo cho rằng “tàu đang bị người dân cậy nắp hầm hàng để hôi hàng và lấy đi tài sản của tàu. Do số lượng người dân tham gia phá hoại tàu, lấy thiết bị và hàng hóa quá đông, thuyền viên trên tàu không thể đảm bảo an toàn cho tàu và hàng hóa nên công ty khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ chủ tàu đảm bảo tài sản của các bên liên quan và bảo vệ tính mạng thuyền viên”.


Tàu Petro Pacific 1 từng mắc cạn tại biển Bình Thuận năm 2012. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh - TTXVN

Trước tính cấp bách của văn bản này, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã có công văn khẩn gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận và Công an Bình Thuận. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã khẩn cấp đưa tàu ra phong tỏa khu vực tàu Hải Trường 36 mắc cạn. UBND thị xã La Gi cũng chỉ đạo lực lượng chức năng chốt chặn tại Cảng La Gi, bến tàu Tân Long để tạm thời giữ toàn bộ số gạo mà các phương tiện tàu thuyền của địa phương đã lấy trên tàu Hải Trường 36 đưa vào đất liền.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không người dân La Gi lên tàu cướp tài sản, thuyền trưởng tàu Hải Trường 36 Hoàng Văn Phong nói: Thủy thủ đoàn trên tàu không ai phát biểu "tàu bị hôi của, cướp gạo" nhưng ông lại khẳng định người dân có tự ý lên tàu lấy gạo của tàu Hải Trường 36 mà không được sự cho phép của tàu (thời điểm tàu không thực hiện việc giảm tải nữa). Thuyền trưởng tàu Hải Trường 36 không biết số gạo bị mất là bao nhiêu và cũng không cung cấp được bằng chứng cụ thể về việc người dân đã lấy gạo khi không được sự đồng ý của thuyền trưởng và thủy thủ trên tàu.

Ngoài ra, trong văn bản báo cáo khẩn đến cơ quan chức năng Bình Thuận của Công ty Vận tải biển Hải Trường nói rằng tàu đã bị người dân cậy nắp hầm hàng để lấy hàng. Tuy nhiên tại cuộc họp báo, thuyền trưởng Hoàng Văn Phong lại phủ nhận việc này.

Bà Phùng Thị Thọ, Chủ tịch UBND thị xã La Gi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc có hay không người dân La Gi lấy gạo trên tàu Hải Trường 36 khi không được phép. Vì một số ngư dân cho rằng, tàu Hải Trường 36 cho gạo họ mới lấy chứ họ không tự ý lên tàu lấy gạo. Hiện, UBND thị xã La Gi thống kê số gạo mà ngư dân đã chuyển lên bờ là 140 bao gạo.

Đến thời điểm này, phía Công ty Vận tải biển Hải Trường vẫn chưa đưa ra phương án cứu nạn tàu bị mắc cạn. Công ty cũng không xác định được số gạo bị vứt xuống biển để giảm tải, số gạo đã cho ngư dân và số gạo bị ngư dân tự ý lấy đi là bao nhiêu.

Trước đó, vào ngày 5/7, tàu Hải Trường 36 của Công ty Vận tải biển Hải Trường chở 3.000 tấn gạo từ An Giang đi Hải Phòng đã bị mắc cạn tại vùng biển Bình Thuận (địa điểm tàu bị mắc cạn cách Cảng La Gi khoảng 7 hải lý).

Nguyễn Thanh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN