TTVH Online

Mỗi tuần một chuyện: Bệnh cúm nào đã đánh gục Brazil?

29/06/2015 07:40 GMT+7

Trước trận tứ kết Copa America 2015 với Paraguay, Dunga đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ Brazil về một phát ngôn trước đó của ông có liên quan đến vấn đề sắc tộc.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước trận tứ kết Copa America 2015 với Paraguay, Dunga đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ Brazil về một phát ngôn trước đó của ông có liên quan đến vấn đề sắc tộc.

1. Dưới cả rừng chỉ trích đang đè nặng trên vai ở thời điểm đó, Dunga đã ‘nổi cáu’ mà vạ miệng rằng “Tôi đoán chắc trong mắt họ, tôi là người gốc Phi. Thế nên họ mới thích công kích tôi và luôn công kích tôi mỗi khi có dịp”. Phát ngôn ấy gây sốc với một cộng đồng đông đảo những người Brazil gốc Phi, cộng đồng mà từ đó, Brazil đã có những siêu sao đẳng cấp thế giới. Dunga, trước áp lực dữ dội của scandal ấy, đã phải lên tiếng rằng ‘Tôi xin lỗi tất cả những ai cảm thấy bị tổn thương bởi nhận xét của mình. Cách diễn đạt ấy không thể hiện đúng quan điểm hay cảm nhận của tôi”.

Và chỉ một ngày sau lời xin lỗi kia, Brazil bị loại một cách đáng hổ thẹn trên chấm luân lưu 11m. Dunga vẫn mỉm cười sau trận đấu ấy nhưng trong lòng ông có lẽ rối bời. Không còn lời xin lỗi nào có thể đủ bù đắp cho nỗi thất vọng ê chề mà những người Brazil đang phải đeo mang.  

Dunga đã đưa ra một lý do để lý giải cho thất bại, hay nói đúng hơn là phong độ nhạt nhòa, của Selecao. “Chúng tôi dính phải dịch cúm. Hơn chục cầu thủ của chúng tôi mắc phải cúm. Người thì đau đầu, người chóng mặt, người thì bị nôn…”, Dunga biện hộ. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng tin vào biện hộ đó. Nếu vì dịch cúm mà Silva để bóng chạm tay trong vòng cấm địa thì có lẽ ngành y tế thế giới sẽ phải tìm hiểu thêm về một căn bệnh lạ: Bệnh cúm tay.

2. Firmino, Tardelli hay Fred, họ cũng cúm chân khá nhiều rồi. Trừ Robinho, dường như hàng công Brazil không còn một ai cho thấy họ xứng đáng để người hâm mộ đặt trọn niềm tin???

“Có những trận chúng ta chơi tệ nhưng gặp may và ngược lại, có những trận chúng ta chơi hay nhưng vận rủi. Chúng ta từng phải trải qua giai đoạn 40 năm không vô địch Copa America và 24 năm không vô địch World Cup rồi mà”, Dunga dẫn dắt câu chuyện theo cách đó khi có những chỉ trích về Selecao của ông. Không thiếu gì đội bóng chơi hay nhưng không may và ngược lại. Song, với Selecao hôm nay, họ không những không may mà lại còn cả không hay nữa. Không may kết hợp với không hay, vào đến tứ kết có lẽ cũng đã quá đủ rồi.

Ở quãng thời gian mà Dunga nói "chờ đợi 24 năm không vô địch World Cup" ấy (từ 1970 đến 1994), Selecao vẫn có những siêu cầu thủ như Falcao, Zico, Socrates… nhưng họ không may mắn ở các kỳ vận hội. Còn ở thời điểm Dunga dẫn dắt Selecao hôm nay, trừ Neymar, không còn một ai để có thể giúp ông tự tin vào chặng đường chinh phục. Cứ thử nhìn vào những lựa chọn thì ta sẽ thấu hiểu. Cầu thủ Brazil chinh chiến châu Âu số người thuộc hạng đẳng cấp thế giới chắc dưới 3 đốt tay. Còn cầu thủ Brazil ở giải quốc nội thì quá ‘ẹ’ và cũng quá ‘già’. Danh sách 3 người ghi bàn hàng đầu Brasileirao 2015 toàn quá 30 tuổi. Làm sao Dunga có thể đặt nền tảng Selecao ở đó và mơ tới giấc mơ vô địch được đây?

3. Thực tế, bóng đá Brazil đi xuống nhiều năm nay bởi họ gần như không có đầu tư xứng đáng để có những học viện hiện đại ngang tầm châu Âu mà chỉ dựa vào vốn tự có từ xưa tới nay là bóng đá đường phố. Đó là hệ quả tồi tệ của một ông cựu chủ tịch thường xuyên rút ruột các khoản ngân sách của cả nền bóng đá để tư lợi cho mình (Ricardo Teixeira) và dẫn tới đào tạo trẻ thì èo uột, đời sống cầu thủ thì khốn cùng... Đó mới chính là thứ dịch cúm thực sự đang giết chết Selecao, thứ dịch cúm mà Dunga cũng là một nạn nhân mà chưa có một vaccin nào hay kháng sinh nào có thể giúp ông kháng bệnh hay phòng bệnh.

Thế nên, chỉ trích Dunga không nên thành một "dịch cúm" mới. Nơi để chỉ trích, như cái bệnh dịch chỉ trích hôm nay, phải là CBF, một LĐBĐ đang làm suy yếu đi chính nền bóng đá kiêu hùng của mình…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN