TTVH Online

Thư khen Đỗ Nhật Nam, vì sao người ta la toáng lên?

12/06/2015 05:33 GMT+7

Mới đây, cô giáo dạy tiếng Anh của cậu học trò nổi tiếng Đỗ Nhật Nam đăng tải ảnh chụp những thành tích của em suốt 9 tháng rưỡi học tập ở Mỹ.

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mới đây, cô giáo dạy tiếng Anh của cậu học trò nổi tiếng Đỗ Nhật Nam đăng tải ảnh chụp những thành tích của em suốt 9 tháng rưỡi học tập ở Mỹ. Trong đó, có bằng khen và bức thư chúc mừng của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Thư viết: "Chúc mừng em đã đạt giải thưởng giáo dục của Tổng thống Mỹ. Tôi lấy làm vinh dự khi được đứng cùng gia đình, bạn bè và thầy cô giáo của em để vinh danh giải thưởng cao quý này... Sự tài giỏi của em đã truyền cảm hứng cho tôi, tôi biết em sẽ dùng những gì học được, cộng với sự đam mê để tự định hướng cho tương lai, nỗ lực giúp đỡ người xung quanh".

Trang web Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết mỗi năm có vài ba triệu học sinh từ hàng chục nghìn trường được nhận giải thưởng và lời tán dương từ Nhà Trắng nhờ có kết quả học tập như trên.


Giấy khen cho Đỗ Nhật Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong đội diễn thuyết trường trung học Saint Paul the Apostle năm 2015.

Ngay lập tức, trên các diễn đàn, báo chí và mạng xã hội, rất nhiều người bắt đầu cuộc tranh cãi sôi nổi về việc này. Không bàn chuyện học hành của Nhật Nam, chính cách tiếp cận và ứng xử của dư luận trong nước với thành tích học tập của cậu bé, vốn được coi là một sản phẩm giáo dục thành công lại thể hiện rõ bộ mặt của giáo dục hiện tại.

Vì sao người ta nhanh chóng sôi nổi luận bàn về một chiếc giấy khen? Việc một số người Việt Nam đang lấy đó ra để tung hô có thể hiện rất rõ ràng gốc rễ tư duy bằng cấp, thành tích mà cả nước đang cật lực phá bỏ?

2. Giáo dục của chúng ta như thế nào thì hầu như tất cả thiên hạ đều biết. Những đợt thi cử căng thẳng, gây áp lực nặng nề cho xã hội, những bảng học lực khá giỏi, những học sinh, sinh viên “xuất sắc toàn diện”, những nhà vô địch kỳ thi Olympic các cấp. Và cũng nền giáo dục ấy, chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thấp đến mức báo động, chất lượng lao động, năng suất lao động kém cùng cực.

Nền giáo dục đang lạc đường khi đang hướng học sinh vào niềm say mê ứng thí với kết quả cuối cùng là điểm thi và giấy khen. Và khi nền giáo dục ứng thí thịnh hành thì những thành tích bề nổi luôn khiến người ta phải làm toáng lên.

Giáo dục là một sự giả định về tương lai, đồng thời là một quy trình đào tạo nên con người để đáp ứng cho tương lai đó. Nếu giả định sai hoặc không có giả định rõ ràng thì dẫn tới quá trình học hành sai, vô phương hướng và chỉ phí công vô ích tìm những điều hữu danh vô thực. Nó cũng là cái gốc tạo ra nền giáo dục ứng thí. Nếu bây giờ hỏi một câu rằng: triết lý của nền giáo dục chúng ta là gì? Hay 10 hoặc 20 năm nữa con người Việt Nam sẽ như thế nào? Không ai có thể trả lời.

Cứ nhìn cảnh thi cử, thì thấy trong xã hội người ta vẫn đang coi con đường vào đại học là con đường duy nhất… tiến thân. Một nền giáo dục mà trường đại học là một giấc mơ, một thứ mang tính biểu tượng. Nền giáo dục nào càng có tính biểu tượng, hay nhiều những hiện tượng càng là một nền giáo dục thiếu sót. Khi đại học đơn giản là một lựa chọn, khi những hiện tượng trở nên bình thường, khi bằng cấp và giấy khen không làm người ta phấn khích và sửng sốt mới là nền giáo dục có sức mạnh thực tế...

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN