TTVH Online

Đặt tên không quá 25 chữ cái: Từ chuyện vong bản đến nghệ danh 'dị tật'

19/05/2015 08:00 GMT+7

Đề xuất đặt họ tên không được quá 25 chữ cái đang được bàn luận rộng rãi. Quả thật chuyện đặt tên con không chỉ là chuyện riêng mỗi nhà nữa khi “văn hóa đặt tên” ở ta đang ở trạng thái gây… hoang mang.

(Thethaovanhoa.vn) - Đề xuất đặt họ tên không được quá 25 chữ cái đang được bàn luận rộng rãi. Quả thật chuyện đặt tên con không chỉ là chuyện riêng mỗi nhà nữa khi “văn hóa đặt tên” ở ta đang ở trạng thái gây... hoang mang.

Năm ngoái, người ta bàn luận rầm rầm đề xuất cấm doanh nghiệp đặt tên “ăn theo” các danh nhân vì phạm húy. Rồi những tranh luận đến nay vẫn chưa dứt về chuyện những chung cư, khu phố mới mọc lên đều mang tên “ngoại” với lí do rất đơn thuần đó là một mánh lới vặt để bán hàng.

Tại gia đình, tên thân mật của trẻ con với những Tom, Bob, Bin cho con trai, Nana, Anna... cho con gái được gọi ầm ĩ trong nhà. Chuyện “vong bản” này cũng có nguyên nhân, như con em nhiều gia đình mới phất muốn dùng cái tên Tây hiện đại, tưởng có thể tự vượt vũ môn lên một giai tầng mới, sang trọng hơn. Hay đơn giản vì nhiều gia đình khác cũng gọi như vậy.

Nhưng nó cũng chưa là gì so với làng giải trí. Showbiz đang tràn lan những những nghệ danh nửa Tây nửa ta lại pha chút Tàu như Hòa Minzy, Angela Phương Trinh, Cindy Thái Tài, Keny Sang… Đây cũng là chuyện học đòi, vong bản, không khác chuyện những cư dân Hong Kong hay Trung Quốc lục địa từ nghệ sĩ lớn nhỏ hay lớp thanh niên hãnh tiến tất thảy đều có tên Tây. Kinh khủng hơn, làng giải trí còn xuất hiện lăng xê cả những thứ tên nôm kiểu Bà Tưng, Lệ Rơi... như một thứ “dị tật” trêu ngươi xã hội.

Với văn hóa truyền thống nước ta chuyện tên tuổi con cái rất quan trọng, vốn nhiều cấm kỵ. Ví dụ xưa kia người ta lo phạm húy nên cấm nói đến tên riêng của bậc tôn trưởng mà lẽ ra phải kiêng. Khoa cử thiếu gì chuyện có người thi trượt vì bài thi phạm huý, vì chót bóng gió gì đến họ vua, danh chúa. Người có giỏi đến mấy cũng vứt đi, không bị xử tội còn là may.

Xưa kia, các gia đình có con cháu mới sinh sắm sửa cơi trầu, chai rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tổ tiên và vào sổ họ, ngày đó mới có tên húy chính thức, được họ hàng công nhận. Trong khi vào sổ họ phải đối chiếu gia phả để xem có trùng tên các vị tiên tổ hoặc ông bà chú bác trong nội thân hay không. Nếu có tức là phạm húy thì phải cấm tiệt.

Chuyện kiêng kỵ nay không còn ngặt nghèo, nhưng như danh sĩ Phạm Quỳnh từng nói “Tiếng Việt còn, nước ta còn”, một trẻ Việt mắt đen tóc đen sẽ đẹp hơn rất nhiều khi mang tên Việt. Đó là danh xưng quý báu có “giá trị sử dụng” suốt một đời người.

Đặt tên là chuyện dài phải luận bàn, chỉ xin nói một điều, để biết một cái tên quý giá nhường nào, hãy đến những nghĩa trang liệt sĩ mà bất cứ đâu cũng có trên mảnh đất hình chữ S này. Hàng vạn gia đình Việt Nam đang đau đáu một ước vọng duy nhất: Được khắc lên bia mộ người thân dòng chữ mà khi cha sinh mẹ đẻ, những bậc sinh thành đã nâng niu ghi vào giấy khai sinh. Khi mà hàng vạn mộ phần trên đất nước này ghi vẻn vẹn ba chữ “chưa biết tên”.

Lúc ấy, chúng ta sẽ hiểu cái tên mỗi con người quý giá đến nhường nào.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN