TTVH Online

Rước vong linh các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản bắc hải

04/05/2015 13:21 GMT+7

Sáng 4/5, tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đã đi cắm mốc lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 4/5, tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đã đi cắm mốc lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thường được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 3 Âm lịch, được các tộc họ tiền hiền và hậu hiền trên đảo Lý Sơn tiến hành. Mở màn là lễ cáo yết nghinh thần được tổ chức tại Đình làng An Vĩnh. Đây là nghi lễ để mời gọi vong linh những chiến sỹ Hoàng Sa về dự lễ.

Vào sáng sớm nay, lễ rước vong linh các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản bắc hải được cử hành từ nơi thờ phụng là âm linh tự về Đình làng An Vĩnh. Đình làng này là nơi cách đây hàng trăm năm, trước khi lên đường đi Hoàng Sa, Trường Sa, những người đăng lính lại tập trung về đây để tế tự.


Lễ khao lề thế tại xã An Vĩnh đảo Lý Sơn. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Sử sách còn ghi lại, hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển, ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng tiến ra quần đảo Hoàng Sa. Cứ tháng hai nhận lệnh ra đi và đến tháng tám trở về cửa Eo ở Thuận An (Huế), để dâng lên kinh thành Huế các loại hải vật quý giá và những thứ nhặt được trên vùng biển đảo này, như đồ đồng, đồ thiếc. Đường đi bất trắc, nhiều hiểm nguy nên trước khi đi những người lính này đã được làm lễ tế sống.

Để nguyện cầu sự bình yên lẫn lời xua đuổi rủi ro cho những binh phu đi Hoàng Sa, những hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… sẽ được bỏ chung cùng thuyền lễ bằng cây chuối rồi đem thả ra biển. Giữa bập bềnh sóng gió, hình nhân sẽ là kẻ thế mạng cho người đăng lính.


Ông Phạm Thoại Tuyên, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng niệm những vong linh đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa và để thế bằng hình nộm và những tàu thuyền, lương thực, thực phẩm thế cho các chiến sĩ đã bị huy sinh tại Hoàng Sa. Ý nghĩa là để cho dân chúng thấy được ngày lễ trọng đại này; đồng thời nói lên chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam .

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức từ nhiều đời nay nhưng vào những năm sau này, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa càng thu hút nhiều người dân khắp nơi trong cả nước về Lý Sơn. Vì thế đây còn được coi như lễ hội của lòng yêu nước đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào việc xác định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.


Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: Lễ Khao lề là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, cùng với những trang ghi chép chính sử nhà Nguyễn, các châu bản khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước ta trên vùng Biển Đông của Tổ quốc, mà các dòng họ Lý Sơn đã thực thi đo đạc, cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.

Viết tiếp trang sử của những hùng binh Hoàng Sa hàng trăm năm trước, những ngư dân Lý Sơn, ngư dân Quảng Ngãi, hậu duệ của đội hùng binh Hoàng Sa ngày nay vẫn kiên cường bám biển để phát triển kinh tế và bảo vệ lãnh hải đất nước. Họ - những ngư dân được ví như những "Trường Lũy" bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa gắn liền với tâm thức của người dân trên đảo về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh nhằm giữ vững và tiếp nối truyền thống của các binh phu Hoàng Sa thuở trước.

Đinh Thị Hương (TTXVN)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN