TTVH Online

Serafim Todorov: Chuyện về người từng hạ Floyd Mayweather

01/05/2015 06:22 GMT+7

Năm thứ ba liên tiếp, Floyd Mayweather là VĐV kiếm tiền nhiều nhất thế giới, còn Serafim Todorov đang sống trong cảnh bần hàn ở miền nam Bulgaria. Lát cắt nào giữa hai số phận? 19 năm trước, họ từng đụng độ nhau ở Olympic Atlanta 1996, và Todorov là người thắng.

(Thethaovanhoa.vn) - Năm thứ ba liên tiếp, Floyd Mayweather Jr. là VĐV kiếm tiền nhiều nhất thế giới, còn Serafim Todorov đang sống trong cảnh bần hàn ở miền nam Bulgaria. Lát cắt nào giữa hai số phận? 19 năm trước, họ từng đụng độ nhau ở Olympic Atlanta 1996, và Todorov là người thắng.

Đó là trận bán kết hạng lông của Olympic Atalanta 1996. Thất bại của Mayweather (19 tuổi) trước Todorov (27 tuổi) cũng là lần gần nhất tay đấm người Mỹ thua trên võ đài. Vài tháng sau, Mayweather chuyển sang thi đấu nhà nghề và bắt đầu một sự nghiệp vĩ đại với 47 trận toàn thắng và đang sở hữu khối tài sản trị giá 280 triệu USD. Trận đấu với Manny Pacquiao sắp tới là màn so găng đắt giá nhất trong lịch sử.

19 năm sau trận đấu ấy, người thắng cuộc phải sống bằng đồng lương trợ cấp 400 euro/tháng. Todorov, vợ ông, cậu con trai Simeon và cô con dâu đang mang thai đang sống chung trong một căn hộ nhỏ bé ở Pazardzhik, một trong những thị trấn nghèo nhất Bulgaria.

Bạn có thể không tin, nhưng mỗi sáng thức giấc, Todorov lại ước giá như ông là kẻ chiến bại trong trận chiến ở Atlanta năm đó.


Todorov và gia đình trong căn hộ nhỏ ở Pazardzhik

Ký ức Atlanta 96

“Cậu ta mới 19 tuổi, nhớ không”, Todorov nói với phóng viên New York Times thông qua người phiên dịch “Kinh nghiệm của tôi là một thế mạnh. Tôi đã đánh gục những tay đấm Nga, Cuba, Mỹ, Đức, những nhà vô địch Olympic. Tôi thậm chí còn chọc tức họ. Cả những võ sĩ Anh, Pháp nữa – họ thua tôi hết”.

Sự kiêu ngạo của Todorov có cơ sở. Ở tuổi 27, ông đã 3 lần vô địch thế giới, 2 lần vô địch châu Âu và là một ông hoàng quyền Anh nghiệp dư. Ông nhanh nhẹn đến nỗi có thể chọc tức đối thủ bằng cách né tránh cực nhanh rồi bất thần xuất hiện ngay phía sau họ.

Todorov cũng rất tài tử. Trước Olympic Atlanta, ông tập vỏn vẹn 3 tuần, và vẫn không quên “xé rào” đi nhậu với bạn bè trong khoảng thời gian ấy. Vậy mà khi bước vào Thế vận hội, ông vẫn hạ 3 đối thủ liên tiếp với tỷ số điểm là 45-18. Ở tứ kết, ông cũng chả thèm “trinh sát” đối thủ tiềm tàng Mayweather. “Cũng như những trận khác thôi, tôi từng hạ những tay đấm còn mạnh hơn thế ấy chứ”, ông ngạo mạn.

Có thể vì sự chủ quan ấy, Todorov đã bị Mayweather lấn lướt ở hai hiệp đầu, nhưng ông nhanh chóng phản công với những cú thọc mạnh còn tay đấm người Mỹ sử dụng những đòn kết hợp để đối phó. Hai võ sĩ bước vào hiệp cuối cùng với kết quả Todorov bị dẫn 7-6. Nhưng kinh nghiệm của Todorov giúp ông dẫn lại đối phương 8-7, 10-8 và cuối cùng thắng 10-9.

Sai lầm lớn nhất trong đời

Tại phòng kiểm tra doping ở Georgia Tech, khi Mayweather và Todorvo đang ngồi đợi lấy mẫu xét nghiệm thì có ba người đàn ông tiến đến. Hai trong số họ là nhà tài trợ quyền Anh nhà nghề, còn người kia là phiên dịch. Họ tiếp cận Todorov trước và muốn ký hợp đồng chuyên nghiệp với ông.

Một món tiền thưởng lớn, một căn nhà, một chiếc xe hơi. Một cuộc sống mới với những trận đánh lớn trước đám đông khán giả. Hai người đàn ông nghiêng mình, 1 trong số đó cầm sẵn cây bút. Nhưng Todorov đã từ chối. Điều gì xảy ra sau đó? Hai nhà tài trợ tiến đến Floyd và bắt đầu trò chuyện, dĩ nhiên bằng tiếng Anh. Và phần còn lại thuộc về lịch sử.


Trong căn hộ nhỏ hẹp của mình, Todorov vẫn lưu giữ những chiến tích năm xưa

Ở trận chung kết gặp Kamsing, Todorov sôi máu ngay sau hiệp đầu tiên. Ông gào với HLV rằng trọng tài đã không ghi điểm cho mình và ném một cái nhìn như thể “biết thừa mọi chuyện sẽ như thế, nhưng không thể thay đổi thực tế”. Rốt cuộc, Todorov thua 5-8.

Todorov không thể tiêu hóa nổi thất bại ấy. Ông mất hai ngày chìm trong say xỉn trước khi bay về nhà. “Tôi đã uống như điên, uống như muốn chết”, ông nhớ lại. Tay đấm 28 tuổi này cảm thấy bị phản bội. Khi giải vô địch thế giới 1997 cận kề, Todorov đã gặp các quan chức của Liên đoàn quyền Anh Thổ Nhĩ Kỳ và chấp nhận lời mời thi đấu cho họ.

Bản hợp đồng ấy không nhiều tiền như với các nhà tài trợ Mỹ, nhưng không hề nhỏ. Nếu Todorov giành HCV, ông sẽ nhận được 1 triệu USD tiền thưởng. Nhưng điều kiện cuối cùng để Todorov chuyển quốc tịch là sự đồng ý từ phía Bulgaria.

“Thỏa thuận đã xong xuôi. Thế rồi tôi nhận được một cuộc điện thoại bảo rằng tất cả đã xôi hỏng bỏng không. Jetchev đã yêu cầu Liên đoàn quyền Anh Thổ Nhĩ Kỳ trả 300 nghìn USD tiền phí”. Todorov không được chuyển quốc tịch nữa, nhưng cũng vì quá tức giận, ông từ chối thi đấu dưới màu áo Bulgaria. Sự nghiệp huyền thoại quyền anh xứ hoa hồng đã chấm dứt.

Vật vã mưu sinh

Năm đó, Todorov mới 28 tuổi. Ông hoàn toàn có thể dự thêm một kỳ Olympic và giành vài chức vô địch thế giới nữa. Nhưng ông quyết định treo găng, chấm dứt luôn giấc mơ thi đấu chuyên nghiệp.

Khi Bulgaria rơi vào suy thoái kinh tế vì sự sụp đổ của hệ thống CNXH ở Đông Âu, Todorov mất luôn phương hướng trong nghề nghiệp. Ông làm lái xe, trông cửa hàng rau, làm công nhân ở nhà máy xúc xích nhưng đều bế tắc. Vợ ông, Albena, làm ở một siêu thị nhưng cũng không ổn định. Cả hai bây giờ đều thất nghiệp.

Cách đây chừng 15 năm, Todorov chuyển đến Pazardzhik, nơi có những gã buôn ma túy ngang nhiên lộng hành. Một vài kẻ đã tiếp cận và hỏi ông có muốn làm việc cùng chúng không. Ông thậm chí có cơ hội làm xếp sòng, tiền bạc không thiếu. Nhưng Todorov đã từ chối.

Albena, người bạn đời của Todorov nghĩ sao về cơ hội bị bỏ lỡ ở Atlanta? Bà ước giá như ông gọi cho bà khi ấy. “Đáng lẽ cuộc sống của chúng tôi và lũ trẻ đã có thể thay đổi”, Albena mở to mắt còn Todorov thì không giấu nổi sự thất vọng.

Nếu khi đó, Todorov thua Mayweather, ông sẽ tiếp tục chiến đấu để lọt vào chung kết Olympic một lần nữa, ông sẽ không băn khoăn về cơ hội ở lại nước Mỹ, cũng như không cảm thấy bị phản bội khi thua Kamsing. Đáng tiếc, quá khứ thì không thể thay đổi!

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Ngày 2/5, Floyd Mayweather vs. Manny Pacquiao:
Cuộc so tài của những kỷ lục

 
Lợi nhuận của cuộc so găng sẽ diễn ra ở Mỹ ngày 2/5 tới có thể đạt từ 400 triệu đến 500 triệu USD. Gần một nửa trong số này được chia cho các tay đấm theo tỷ lệ Floyd Mayweather 60 - Manny Pacquiao 40. Theo đó, ít nhất Floyd Mayweather bỏ túi 120 triệu bảng, bất kể thắng thua thế nào. Đây là một kỷ lục.

Số lượng thuê bao đăng ký xem trận này (89,95 USD/hộ) đã lên tới khoảng 3 triệu lượt, bỏ xa kỷ lục cũ 2,4 triệu hộ xem trận De La Hoya - Mayweather cách đây 8 năm. Trong Top 10 trận bán bản quyền nhiều nhất thì 5 trận có sự hiện diện của Mayweather.

Một tấm vé chợ đen ngồi xem sát võ đài xem trận Floy Mayweather Jr. - Manny Pacquiao có giá lên tới 150.000 USD - một gia tài thực sự. Nên nhớ giá vé chính thức thấp nhất là 1000 USD và cao nhất cũng chỉ 5000 USD.

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN