TTVH Online

Máy ảnh Leica, món 'đồ chơi' vĩ đại

26/03/2015 07:51 GMT+7

Khi máy ảnh Leica ra đời tại Đức vào năm 1914, nó bị cười nhạo như một món đồ chơi không hơn. Nhưng sau một thế kỷ, “món đồ chơi” này đã làm thay đổi cách nghĩ của toàn thế giới về đô thị, thời trang, chiến tranh...

(Thethaovanhoa.vn) - Khi máy ảnh Leica ra đời tại Đức vào năm 1914, nó bị cười nhạo như một món đồ chơi không hơn. Nhưng sau một thế kỷ, “món đồ chơi” này đã làm thay đổi cách nghĩ của toàn thế giới về đô thị, thời trang, chiến tranh và nhiều hoàn cảnh khác.

Khi mới ra đời, Leica vẫn bị coi thường vì sự đơn giản. “Nhiếp ảnh chuyên nghiệp quen với sự dàn dựng hoàn hảo, kiểm soát mọi thứ từ ánh sáng đến những tấm kẽm chụp ảnh lớn. So với chúng, Leica đúng là một món đồ chơi” – một nhà báo Đức từng viết vào năm 1929.

Tới tận 10 năm sau, một triển lãm ảnh Leica vẫn bị nhiếp ảnh gia hàng đầu của Áo Heinrich Kühn chê bai là “khủng khiếp”.

Hiện đại chính là nhỏ gọn và tiện lợi

Nhưng cũng chiếc máy ảnh bị chê bai đó đã tạo ra sự khởi đầu của nhiếp ảnh. Ban đầu nó có một cái tên khác. Vài tháng trước Thế chiến thứ nhất (năm 1914), kỹ sư người Đức Oskar Barnack, người đứng đầu bộ phận thử nghiệm tại công ty Leitz, được giao nhiệm vụ hoàn thành một sản phẩm công nghệ mới. Ông gọi nó là máy ảnh Micro Lilliput.

“Máy chụp ảnh phim Micro Lilliput đã sẵn sàng” – Barnack viết trong nhật ký công việc vào tháng 3/1914. Mấy tháng sau, sản phẩm được cấp bằng sáng chế.


Máy ảnh Leica đời đầu năm 1914

Nhưng phải đợi đến khi hòa bình trở lại, chiếc máy ảnh mới được nâng cấp lên một tầm cao mới. Nó xuất hiện trong các cửa hàng vào năm 1925, được tiếp thị một thời gian trước khi trở thành Leica (từ ghép của hai từ “Leitz” và “camera”).

Chỉ khi đó, một thời đại mới mới bắt đầu, cũng là thời đại chúng ta đang sống. Đó là một chiếc máy ảnh gọn nhẹ, bạn có thể mang theo trong túi và lấy ra chụp bất cứ lúc nào bạn thích. Rất đơn giản và bất kỳ “nhà nhiếp ảnh” nghiệp dư nào cũng có thể làm chủ Leica.

Sau Thế chiến thứ nhất, đã xuất hiện thêm nhiều mẫu thiết kế máy ảnh mới, nhằm thu nhỏ kích thước. Nhưng do quá tham vọng, muốn kết hợp nhiều tính năng mới vào máy ảnh nên các thiết kế đó đã không thành công. Chẳng hạn, chiếc máy ảnh Sico của Thụy Sĩ có thể ghi hình, sao chép và mở rộng hình ảnh, nhưng hoàn toàn không đáp ứng được tốt các chức năng này. Còn Leica vẫn sống tốt nhờ sự đơn giản của nó.

Không có chất bán dẫn trong những chiếc Leica đầu tiên, nhưng sự gọn gàng, thanh lịch và công nghệ cao ở Leica là điểm chung giữa chiếc máy ảnh và những chiếc máy ảnh iPhone đời mới nhất hiện nay. Những đặc tính đó chính là quan niệm của con người về hai chữ “hiện đại”.

Nhờ vậy, nhiếp ảnh được hưởng lợi.  Tốc độ, sự tĩnh lặng khi hoạt động và sự linh hoạt của Leica đã khiến nó được sử dụng như một phương tiện tối quan trọng của nhiếp ảnh báo chí, đặc biệt là với nhiếp ảnh thời chiến và sau này là nhiếp ảnh thời trang.


Một trong những bức ảnh để đời của nhiếp ảnh gia Horst Faas, chụp một người lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, bằng máy ảnh Leica

“Chiếc máy ảnh của thời gian”

Đánh dấu một thế kỷ từ khi Leica xuất hiện, công ty Leitz đã xuất bản một cuốn sách “hoành tráng” kể về công việc của hàng trăm nhiếp ảnh gia đã sử dụng Leica. Đây là thiết bị được Henri Cartier-Bresson ca ngợi là đã “mở rộng khả năng của đôi mắt”.

Nhiều người đã cho ra đời các tác phẩm để đời nhờ máy ảnh Leica. Chúng gồm những bức ảnh chụp nhanh đầu tiên của Barnack, đến các bức chân dung đầy đầy màu sắc của Bruce Gilden, Cartier-Bresson, Elliott Erwitt, Sebastiao Salgado, William Eggleston… Đó là chưa kể tới tác phẩm của hàng chục nhiếp ảnh gia chiến tranh vĩ đại.

Một khẩu hiệu quảng cáo lâu năm của Leica là “Chiếc máy ảnh của thời gian”. Khi sản phẩm này xuất hiện, châu Âu đang ở giai đoạn kiệt sức và rệu rã vì chiến tranh và đau khổ. Nỗi kinh hoàng từ cuộc thế chiến khiến nền văn hóa như bị cướp đi mọi nét quyến rũ và hấp dẫn. Như một nhà văn nhớ lại: “Đối với người Đức, quá khứ mất đi tất cả sức hấp dẫn. Họ tập trung sự chú ý vào hiện tại và tương lai gần”.

Trước khi Leica xuất hiện, nhiếp ảnh với người phương Tây vẫn là những thiết bị chụp ảnh khổng lồ, phủ lớp vải đen, có chân đế để giữ máy ổn định và mất khá nhiều thời gian giữa từng bức ảnh. Nhiếp ảnh là một ngành “nghệ thuật đóng băng”. Người ta chỉ chụp được những đối tượng “đông cứng” trước ống kính. Họ đứng và không được di chuyển, kiên nhẫn chờ đợi quãng thời gian cần thiết để máy ảnh ghi hình.

Và như vậy, việc chụp ảnh đầy nghiêm túc và áp lực. Tất cả đối tượng đều như tĩnh vật khi lên ảnh. Rất cổ điển, nhưng cũng đầy tù túng. Chiếc máy của Oskar Barnack đã mang đến cho ngành nghệ thuật này một số phận mới, như mở khóa cho nhà tù vô hình kia.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN