TTVH Online

'Thánh Gióng tắm Hồ Tây' và chuyện 'gậy ông đập lưng ông'

19/03/2015 07:31 GMT+7

Chuyện Thánh Gióng tắm Hồ Tây rồi chết in trong sách Tiếng Việt lớp 5 mau chóng nằm trong “tâm bão” của những cuộc tranh luận.

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện Thánh Gióng tắm Hồ Tây rồi chết in trong sách Tiếng Việt lớp 5 mau chóng nằm trong “tâm bão” của những cuộc tranh luận. Những người chỉ trích cho rằng đây là những sai sót không thể chấp nhận của NXB Giáo dục. Thậm chí, có nhiều người còn nâng cao quan điểm cho rằng câu chuyện trên là “xuyên tạc lịch sử”. Còn những người ủng hộ nội dung cuốn sách cho rằng bản thân truyền thuyết đã có nhiều dị bản. Hơn thế, đoạn trích trong SGK ghi rõ, câu chuyện do trí “tưởng tượng” của tác giả, nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Thật khó để phân định đúng- sai nếu dư luận chỉ lập luận tư biện trên lớp vỏ ngôn ngữ ngắn chừng 1/3 trang sách. Để hiểu rõ, cần suy nguyên “lai lịch” của đoạn trích, bối cảnh tác giả phóng bút viết lên câu chuyện. Đoạn trích nằm trong tiểu luận Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Tiểu luận được tác giả viết trong giai đoạn Nhật, Pháp đang muốn đưa thanh niên Việt Nam hướng về quá khứ với những tư tưởng thần bí, giải quyết bế tắc bằng các ước vọng siêu nhiên. Bởi thế, trong tiểu luận của mình, Nguyễn Đình Thi đã “giải thiêng” Thánh Gióng, đưa Thánh về với đời, đồng hành cùng dân tộc phá tan mưu đồ của đế quốc, thực dân...

***

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ  việc “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” trở thành chuyện bé xé ra to cũng không phải không có lỗi của ngành giáo dục. Việc đưa một câu chuyện phóng tác theo trí tưởng tượng về truyền thuyết Thánh Gióng vào SGK cho học sinh tiểu học khiến các em hoang mang là cái sai nhỏ.

Cái sai lớn hơn của ngành giáo dục là việc dạy học theo đường ray đơn tuyến. Từ nhỏ, học sinh các thế hệ học mọi truyền thuyết, thần thoại (vốn có rất nhiều dị bản) đều theo một phiên bản duy nhất mà không được giới thiệu bất kỳ phiên bản nào khác. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ lầm câu chuyện trên là khuôn vàng thước ngọc, là chân lý duy nhất. Điều này dẫn tới những phản ứng dữ dội trong cộng đồng khi câu chuyện được kể theo hướng khác.

Nên nhớ, cách đây ít lâu, tờ lịch của một ngân hàng có in sự tích Hồ Gươm theo hướng Lê Lợi “rút gươm ra xua rùa” cũng gây xôn xao dư luận. Dư luận cũng vội vã chỉ trích gay gắt “trí tuệ” của những người làm lịch. Nhưng, sau đó, các nhà nghiên cứu đã trích dẫn một loạt các dị bản khác nhau được in trong các sách khảo cứu xưa. Theo đó, tần xuất xuất hiện câu chuyện Lê Lợi “rút gươm ra xua rùa” dày hơn và sớm hơn nhiều chuyện Lê Lợi trả gươm được in trong SGK. Hồi đó, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, người khảo rất kỹ sự tích trên có trao đổi với người viết: “Ngoài lối diễn đạt hơi ngô nghê, còn nội dung tờ lịch không đáng bị chỉ trích nặng nề”.

Quay lại với chuyện “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây”, rõ ràng, ngành giáo dục không sai nghiêm trọng trong vụ việc. Nhưng, ngành giáo dục đang bị “gậy ông đập lưng ông” từ chính cách giáo dục của mình.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN