TTVH Online

Ngẫm ngợi cuối tuần: Quyền và sự phản kháng của trẻ em

14/03/2015 08:19 GMT+7

Nghe chuyện của những đứa trẻ quen sống bên Tây rồi, nay trở về nước, trò chuyện, đối đáp, ứng xử với cha mẹ, thầy cô… đôi khi ta không nhịn được cười.

(Thethaovanhoa.vn) - Nghe chuyện của những đứa trẻ quen sống bên Tây rồi, nay trở về nước, trò chuyện, đối đáp, ứng xử với cha mẹ, thầy cô… đôi khi ta không nhịn được cười. Cậu bé 8 tuổi, lên lớp không học bài, bị cô giáo đánh thước kẻ vào tay, nó nghiêm mặt tuôn ra một tràng tiếng Tây, mà dịch theo kiểu vỉa hè thì sẽ là: Nếu bà tiếp tục đánh, tôi sẽ gọi cảnh sát!

Người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo từ trong sâu thẳm, mà biểu hiện ra ngoài, là nếu có bị thầy cô mắng mỏ, thậm chí bị cho một cái thước kẻ vào mu bàn tay hay một cái véo tai, thì cũng coi là chuyện rất bình thường. Ta không ủng hộ cách dùng bạo lực trong giáo dục trẻ em, cả trong nhà trường lẫn gia đình, nhưng đôi khi nóng giận, chúng ta vẫn hành xử theo kiểu đó với lũ trẻ và biện hộ rằng, “thương cho roi, cho vọt”. Và quan trọng hơn, những đứa trẻ nhìn chung cũng chấp nhận cách “thương” kiểu đó của chúng ta.

Tất cả những điều đó nói lên rằng, không chỉ nhiều người lớn trong chúng ta không tôn trọng quyền trẻ em, mà chính các em cũng không biết hết những cái quyền của mình để mà yêu cầu người lớn phải tôn trọng.

Khi cậu bé 8 tuổi dọa gọi điện cho cảnh sát chỉ vì bị cô giáo đánh thước kẻ, cậu bé đã hiểu rất rõ cái quyền của mình. Đây mới là điều quan trọng.

***

Nói về chuyện của cô nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn bè đánh hội đồng. Thật ra, chuyện học trò đánh nhau (cả nam lẫn nữ) ở nhiều cấp độ khác nhau không phải là chuyện hiếm.

Xem clip đánh nữ sinh ở Trà Vinh, tôi không chỉ bị sốc bởi mức độ tàn bạo của một nhóm áo trắng có cách hành xử giống như “một nhóm côn đồ”, mà còn sốc bởi thái độ cam chịu của nạn nhân. Một nhà tâm lý giáo dục đã phân tích rất đúng rằng: “Khi xem clip, ta thấy có một khoảng thời gian trống nhóm bạn không đánh, nhưng cô bé bị đánh cũng không bỏ chạy hay có ý định bỏ chạy. Điều này cho thấy, kỹ năng tự vệ của nạn nhân hoàn toàn không được trang bị, thụ động chịu trận”.

Điều gì khiến cô bé lớp 7 không dám kể với bố mẹ, thầy cô sau khi bị đánh đập dã man như thế? Điều gì khiến cô bé phải nói dối bố mẹ rằng những vết thương trên người là do bị ngã cầu thang?

Tại sao cô bé thiếu sự phản kháng? Ở đây không chỉ đơn giản là do thiếu bản lĩnh, mà chính là do chưa được tuyên truyền, giáo dục đầy đủ về quyền trẻ em. Không giống như cậu bé 8 tuổi học ở bên Tây, cô bé lớp 7 chưa có ý thức rằng, mình được quyền gọi cảnh sát hay gọi người lớn khi bị đe dọa, xâm hại.

***

Nhận thức về quyền trẻ em không tự nhiên mà đến với các em. Trẻ em chỉ có thể nắm được quyền của mình nếu được người lớn phổ biến, giáo dục, và đặc biệt, được người lớn tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm túc khi được trẻ em yêu cầu.

Có biết bao nhiêu nỗi oan khuất, những vụ án đau lòng mà nạn nhận là trẻ em. Bị đánh đập, bị dụ dỗ, cưỡng hiếp, bị đe dọa… nhưng nhiều em đã không dám lên tiếng, vì sợ hãi, vì không biết rằng, chỉ cần các em nói ra, cả thế giới sẽ bảo vệ các em.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN