TTVH Online

Hốt bạc nhờ kinh doanh văn hóa ứng xử

01/03/2015 06:04 GMT+7

William Hanson, “chuyên gia văn hóa ứng xử và nghi thức hoàng gia hàng đầu ở Anh”, thu phí tới 450 USD trên mỗi người tham dự một buổi học kéo dài 3 giờ đồng hồ do ông tổ chức tại Thượng Hải.

(Thethaovanhoa.vn) - William Hanson, “chuyên gia văn hóa ứng xử và nghi thức hoàng gia hàng đầu ở Anh”, thu phí tới 450 USD trên mỗi người tham dự một buổi học kéo dài 3 giờ đồng hồ do ông tổ chức tại Thượng Hải. Mức phí cao nhưng Hanson không thiếu khách hàng.

Giấy mời tới dự buổi gặp gỡ tổ chức ở khách sạn hạng sang Langham nằm ở Thượng Hải yêu cầu các vị khách phải ăn mặc “theo đúng” quy cách của một buổi uống trà chiều. 12 người phụ nữ góp mặt trong buổi học đã tuân thủ yêu cầu này.

Chi bộn tiền để ứng xử bặt thiệp

Kiểu tóc và trang điểm cho thấy phần lớn họ đều đã ghé qua tiệm làm đẹp. Họ không đi giày đế bệt hay quên vẽ móng tay. Họ đeo đủ nhiều hạt xoàn, túi hàng hiệu, đồ nữ trang để người ta cần một bảo vệ lực lưỡng đứng ở cửa trước nhằm đảm bảo an ninh.

Nếu nhìn qua, người ta sẽ tưởng đây là một buổi tụ tập của giới lắm tiền nhiều của, hay một buổi chụp ảnh sản phẩm. Nhưng thực tế những người phụ nữ tới Langham để tham dự một lớp học. Họ phải bỏ ra 450 USD mỗi người chỉ để có 3 giờ nghe lời vàng ngọc của William Hanson,

Trong cuộc gặp gỡ, các vị khách sẽ học “cách ứng xử khi tham gia một buổi làm bánh”, các “trách nhiệm khi đóng vai chủ nhà đón khách”, học việc dùng trà đúng cách và các truyền thống của hoạt động dùng trà kiểu Anh. Họ còn được dạy cách bắt tay, hôn gió, cầm tách trà và chuyện phiếm đúng mực như một nhà quý tộc Anh.

Nếu không nhìn vào độ nghiêm túc của các học viên, hẳn người ta sẽ tưởng đây là một buổi tập hài kịch. Thực tế lớp học là bằng chứng rõ nhất cho thấy giới nhà giàu Trung Quốc đang tích cực nâng cấp “phần mềm” văn hóa, sau khi đã chán việc mua sắm “phần cứng” như đồng hồ đắt tiền Thụy Sĩ, rượu vang Pháp, túi hàng hiệu Italy và xe sang châu Âu.

Người giàu Trung Quốc tham gia một buổi dạy uống trà chiều kiểu Anh

Trong trường hợp của lớp học này, thương hiệu văn hóa ứng xử được chọn là nước Anh, với các nghi thức khắt khe đã phân chia rõ rệt các tầng lớp khác nhau. Việc các lớp học như của Hanson rất được ưa chuộng – ông đã có 6 chuyến đi tới Trung Quốc để giảng về văn hóa ứng xử trong năm 2014 – đã khiến người ta ngạc nhiên. Nhưng ông không phải người duy nhất thu lợi lớn từ cơn khát muốn trở thành người bặt thiệp và đẳng cấp ở Trung Quốc

Gần đây Sara-Jane Ho đã thành lập trường dạy văn hóa ứng xử mang  tên Viện Sarita ở Bắc Kinh. Trường này cung cấp nhiều khóa học như cách tạo dáng đẹp đẽ trước máy ảnh, cách cư xử đúng mực tại bàn tiệc, cách đón tiếp khách quý tới chơi... "Phần lớn các vị khách của tôi đều có những khoảnh khắc đáng xấu hổ, khi họ đi ra nước ngoài hoặc tham gia một bữa tiệc làm chuyện làm ăn" - Ho nói.

Các khóa học của cô sẽ giúp khách "sửa sai" và bổ sung kiến thức về văn hóa ứng xử. Tuy nhiên họ sẽ phải chi ra số tiền không hề nhỏ để trở nên lịch thiệp. Ví dụ khóa học được ưa chuộng nhất của Viện Sarita là "Đón tiếp khách", kéo dài 12 ngày, có giá 100.000 NDT (16.216 USD). Tại đó học viên được dạy đủ loại kỹ năng gồm bắt chuyện, trò chuyện xã giao và dùng rượu vang gì cho món nào.

Giống Ho, James Hebbert cũng mở một trường dạy văn hóa ứng xử ở Thượng Hải. Ông thu phí tới 20.000 NDT (3.243 USD) trên một nhóm 10 học viên để dạy họ đủ các kỹ năng của một người thượng lưu. "Lần kế tiếp khi thăm Milan và ăn tối trong một nhà hàng sang trọng, tôi có thể tự tin nói với chồng rằng anh ấy không nên cầm dao ăn giống như đang cầm dao găm" - một học viên của Hebbert hào hứng nói.

Khi văn hóa ứng xử thể hiện đẳng cấp

Nền kinh tế Trung Quốc cất cánh đã làm tăng nhanh tầng lớp trung lưu của nước này, qua đó đẩy mạnh sức tiêu thụ và hoạt động du lịch. Năm 2014, đã có khoảng 100 triệu người Trung Quốc du lịch ra nước ngoài. Tuy nhiên không ít người đã mang theo họ các hành xử thiếu văn hóa, khiến Trung Quốc bẽ mặt. Năm ngoái, một người Trung Quốc đã gây phẫn nộ khi vẽ bậy lên một tác phẩm điêu khắc cổ của Ai Cập. Người khác hắt nước sôi vào tiếp viên hàng không hoặc tè bậy ngoài đường.

Trước thời điểm diễn ra Olympic Bắc Kinh 2008, chính quyền Bắc Kinh từng mở nhiều chiến dịch khuyến khích cư xử lịch thiệp, kêu gọi người dân thủ đô bớt các hành động thiếu văn minh như vứt rác, khạc nhổ và chen hàng... nhưng không thành công. Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh từng có thời đã lập hẳn "chỉ số văn minh" để đo độ lịch thiệp của người dân. Cuối cùng các nhà nghiên cứu kết luận rằng người Trung Quốc còn lâu mới theo được chuẩn quốc tế về hành xử văn minh và chỉ số này đã lặng lẽ bị loại bỏ.

Sara-Jane Ho dạy các học viên giàu có cách ăn chuối bằng thìa và dĩa

Về phần mình, Thượng Hải từng triển khai chiến dịch "7 không" gồm không khạc nhổ, vứt rác, vẽ bậy, phá hoại cây xanh, không băng qua đường một cách bất cẩn, hút thuốc ở nơi công cộng và chửi thề. Tuy nhiên kết quả thu được cũng chẳng khá hơn Bắc Kinh là bao nhiêu.

Việc người dân Trung Quốc hành xử kém lịch thiệp đã dần trở thành một thứ giống như nỗi hổ thẹn quốc gia. Các học giả thường công khai thảo luận trên báo chí chính thống về việc người ta phải làm gì để thay đổi văn hóa ứng xử. "Một câu ngạn ngữ cổ của chúng ta nói rằng chỉ mất 10 năm để trồng cây, nhưng cả trăm năm để tạo ra một thế hệ những con người tốt" - một nhà bình luận của tờ China Daily nhận xét - "Có lẽ sẽ phải mất hàng thế hệ hoặc lâu hơn để xóa bỏ các thói quen xấu trong văn hóa ứng xử".

Trong bối cảnh ấy, để tách mình ra khỏi đám đông, nhiều người giàu có ở Trung Quốc đã tìm tới các lớp dạy ứng xử đắt tiền. Cùng thời điểm, họ coi việc có lối ứng xử bặt thiệp, quý phái là hình thức khoe khoang đẳng cấp mới.

"Trước kia người ta chỉ quan tâm tới những chuyện như sở hữu một chiếc xe sang" - Hebbert nói - "Giờ thì người giàu đang tìm kiếm những điều khác, có thể khiến họ trở nên khác biệt".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN