TTVH Online

Đe dọa biểu tình phản đối lễ trao giải Oscar

22/02/2015 18:23 GMT+7

Nhiều nhóm dân quyền người Mỹ gốc Phi đã lên kế hoạch biểu tình bên ngoài lễ trao giải Oscar nhằm thể hiện sự bất bình với việc 20 tên tuổi được đề cử Oscar ở hạng mục diễn xuất năm nay đều là người da trắng.

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều nhóm dân quyền người Mỹ gốc Phi đã lên kế hoạch tổ chức biểu tình bên ngoài lễ trao giải Oscar nhằm thể hiện sự bất bình với việc 20 tên tuổi được đề cử Oscar ở hạng mục diễn xuất năm nay đều là người da trắng.

Cuộc biểu tình này sẽ gợi lại cuộc tranh cãi về tính đa dạng tại lễ trao giải của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, thiết chế với hơn 6.100 thành viên song hầu hết là người da trắng và nam giới với độ tuổi trung bình là 63.

“Mục đích của cuộc phản kháng này là nhằm gửi một thông điệp tới Viện Hàn lâm, tới Hollywood và tới nền công nghiệp điện ảnh. Thông điệp này rất đơn giản: nền công nghiệp điện ảnh không phản ánh nước Mỹ. Phụ nữ, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người Mỹ gốc Phi, những người mang các màu da đều "vô hình" ở Hollywood” - Ofari Hutchinson, trưởng nhóm Hội nghị bàn tròn Chính sách Đô thị ở Los Angeles, nói.

Halle Berry và Denzel Washington đã tạo bước đột phá khi họ là những diễn viên da màu đoạt giải Nữ/Nam diễn viên xuất sắc nhất tại lễ trao giải hồi năm 2002. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay sự tôn vinh dành cho các nghệ sĩ da màu vẫn chưa mấy tiến triển.


(Từ trái sang) Ava DuVernay, David Oyelowo, đạo diễn và diễn viên chính phim Selma

đều không lọt vào danh sách đề cử Oscar năm nay

Đã có nhiều sự bình luận xung quanh danh sách đề cử Oscar được công bố hồi tháng trước, khi các hạng mục diễn xuất đều thuộc về diễn viên da trắng. Các gương mặt được xem là sáng giá song đã bị “loại” khỏi danh sách đề cử là nam diễn viên Anh David Oyelowo. Anh nhận được nhiều lời ca ngợi với chân dung nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr. trong phim Selma. Đạo diễn phim, Ava DuVernay, cũng không có tên trong danh sách đề cử ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, mặc dù Selma nằm trong số 8 phim được đề cử Phim hay nhất.

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm đã đưa ra lời biện hộ trước những lời bình luận đó. Bà Cheryl Boone Isaacs, Chủ tịch người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Viện Hàn lâm, đã ra tuyên bố ngay sau khi công bố danh sách đề cử, rằng Viện Hàn lâm đã khích lệ bà đẩy mạnh các cải cách nhằm đưa thiết chế này trở nên toàn diện hơn.

“Về mặt cá nhân mà nói, tôi thích và nóng lòng được thấy sự đa dạng văn hóa hơn nữa trong danh sách đề cử ở các hạng mục” – Isaacs nói.

Peter Saphier, thành viên của Viện Hàn lâm từ năm 1978 đồng thời là cựu Giám đốc điều hành của hãng Universal, cho rằng: “Viện Hàn lâm nên thể hiện sự đa dạng hơn. Viện đang cố gắng làm điều này. Chúng ta đang có một Chủ tịch Viện người Mỹ gốc Phi. Bà ấy đang làm tất cả những gì có thể để tăng cường tính đa dạng trong Viện”.

Tuấn Vĩ

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN