TTVH Online

Thư châu Âu: Giao thừa ở nơi xa quê hương vạn dặm

19/02/2015 08:13 GMT+7

Tôi không phải là người định cư ở nước ngoài, và vì công việc mà cứ phải dăm năm ở nhà, dăm năm ở một nơi nào đó rất xa quê hương, rồi sau đó lại trở về.

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị, tôi không phải là người định cư ở nước ngoài, và vì công việc mà cứ phải dăm năm ở nhà, dăm năm ở một nơi nào đó rất xa quê hương, rồi sau đó lại trở về.

Ở nước Ý xa xôi này, những cái Tết của chúng tôi chìm lấp trong những ngày bình thường nhất của Rome. Cuộc sống vẫn trôi ngoài kia, những kì nghỉ lễ của người theo Công giáo cũng đã qua và hầu như chẳng ai biết đến chúng tôi đang bật VTV4 và chờ giây phút Chủ tịch Nước đọc thư chúc Tết vào lúc 6 giờ tối bên này, chính là lúc Giao thừa ở đất nước mình.



Ngày Tết dành cho kiều bào được Đại sứ quán tổ chức từ mấy ngày trước đó. Cả trăm cái bánh chưng cho cán bộ các cơ quan đại diện và Việt kiều cũng đã được tổ chức gói và luộc xong từ lâu. Ngồi trông nồi bánh chưng trong một đêm lạnh xa xứ mà lại nhớ quay quắt những đêm trông nồi bánh chưng ở nhà. Thế rồi, sự hoài niệm cũng trôi đi, Giao thừa lệch giờ cũng đến. Giây phút ấy tự dưng chạnh lòng thấy nhớ nhà, nhớ nhất là cái Tết đầu tiên xa quê. Lâu rồi cũng thành quen, không da diết nữa, nhưng nỗi nhớ ấy chưa bao giờ mất đi. Tôi có những người bạn Việt sống ở nhiều nơi trên thế giới, người ở Paris, Brussels, New York, Dubai, thậm chí ở Maputo, Cape Town, Buenos Aires hay Sao Paulo và nhờ những dòng Newsfeed trên Facebook mà gần như cùng lúc, khi Giao thừa đến, thấy họ chúc Tết bạn bè và gia đình ở Việt Nam. Có lẽ, vào thời điểm ấy, họ cũng có một cảm giác giống hệt tôi, khi hướng đến quê nhà. Thời buổi công nghệ cao, những kết nối giữa bao người Việt ở khắp nơi trên thế giới về đất nước trong những thời khắc quan trọng của một năm mới trở nên trực tiếp, nhanh hơn, và gần gũi hơn, nhưng không thể nào thay thế nổi cái bắt tay của một ông bố, cái ôm của người mẹ, và những tình cảm thật sự mà những người thân khác trong gia đình dành cho mình.

Giao thừa là trong gia đình, của gia đình, những giờ phút thiêng liêng không chỉ của đất nước mà còn của lòng người trong lúc đoàn tụ. Nhưng ta không ở nhà, ta đang xa nhà cả vạn dặm, ta nào có sự lựa chọn khác, một khi cuộc sống của ta không cho phép ta gần gũi người thân vào đúng giây phút ấy?   

***

Lại nhớ hơn 30 năm trước, bố xúc động mở thư mẹ và đọc cho tôi, lúc đó còn bé tí và chẳng hiểu gì về đời, chỉ biết là mẹ đang ở rất xa, vào một đêm Giao thừa. Không biết mẹ nghĩ gì vào lúc ấy, khi cách xa chúng tôi nửa vòng trái đất trong một chuyến công tác xa mấy năm. Mẹ nhớ chúng tôi, chắc chắn rồi. Mẹ thương hai chúng tôi, một ông bố và một đứa con trai bé dại đón Tết mà không có mẹ. Nhưng bố vẫn lo chu tất cho cái Tết của hai bố con, vẫn có bánh chưng, vẫn đủ mâm cỗ cúng, mấy ngày trước Tết vẫn mang mứt và pháo về nhà để hai bố con đốt. Chẳng bao giờ quên được tiếng lục cục mà cái bóng bì va vào ghi đông xe của bố, khi bố về đến cửa nhà.

Bây giờ, sau ngần ấy năm, đến lượt bố mẹ ở nhà, khi đã về hưu cả, thì chúng tôi lại ở bên này, rất xa, cũng có bánh chưng, có pháo, chỉ thiếu những người thân yêu nhất, cũng trong một cảm giác y hệt khi hai bố con nhớ mẹ đi công tác xa. Những Giao thừa của chúng tôi luôn thiếu một ai đó trong đại gia đình. May mà vẫn còn có Skype để vẫn cảm thấy bố mẹ và anh em gần bên.

Chúng tôi đi vài năm nữa, sau đó lại trở về, và rồi sẽ lại đi nữa, trong một chu kì Giao thừa xa và gần quê hương trong cả một cuộc đời dài của những chuyến đi ra thế giới. Đi đâu cũng được, nhưng không bao giờ quên quê hương...

Chúc mừng năm mới anh chị và hẹn gặp lại trong những thư sau.  

         Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN