TTVH Online

Ngày 4/1/2015 khánh thành nhà ga T2, cầu đường dẫn Nhật Tân

26/12/2014 16:00 GMT+7

Ngày 4/1/2015 sẽ chính thức tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng các dự án: Nhà khách VIP A; Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu; đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo công bố ngày 4/1/2015 sẽ chính thức tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng các dự án: Nhà khách VIP A; Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu; đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đây là những dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (trừ Nhà khách VIP A), các dự án trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, cụ thể:​ Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 được khởi công ngày 4/12/2011 với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản, sau gần 3 năm triển khai thi công, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ. ​

Ngày 25/12/2014, Vietnam Airlines đã chính thức khai thác chuyến bay đầu tiên tại Nhà ga mới T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục được những hạn chế trong quản lý và khai thác, tạo ra sự phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả giữa Cảng Hàng không Nội Bài và các cơ quan quản lý Nhà nước, các hãng hàng không và các đơn vị phục vụ để nâng cao năng lực khai thác, sử dụng tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại đang quá tải, bảo đảm chất lượng phục vụ thuận tiện cho hành khách.

Nhà ga hành khách T2 có diện tích sàn 139.216 m2 gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Tầng 1: Dành cho hành khách đến quốc tế. Tầng 2: Dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế. Tầng 3: Dành cho hành khách đi quốc tế. Tầng 4: Phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại. Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030). Nhà ga được thiết kế theo tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế.

Về dự án Nhà khách VIP A, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được khởi công xây dựng ngày 19/5/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Nhà khách được bố trí trên khu đất rộng 26.100m2 trong đó diện tích nhà chính vào khoảng 5.000m2.

Nhà khách có phía Tây giáp với Nhà ga quốc tế T2 mới được đầu tư, phía Đông giáp với Nhà ga trong nước T1 mở rộng, phía Bắc giáp với sân đậu máy bay, phía Nam giáp với đường nội cảng Nhật Tân - Nội Bài. Với vị trí đó, Nhà khách – Cảng Hàng không Nội Bài rất thuận tiện trong việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.

Dự án đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài có chiều dài 12,1 km. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ Yên Nhật, tương đương trên 13.626 tỷ đồng.Tổng chiều dài của dự án là 8.930m, bao gồm: Phần cầu cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 3.755 m với bề rộng mặt cầu 33,2m, trong đó cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1.500m. Phần đường dẫn có tổng chiều dài 5.170m, có 3 nút giao, l trong đó nút giao Vĩnh Ngọc là nút giao hoa thị hoàn chỉnh giữa tuyến cầu Nhật Tân và đường quốc lộ 5 kéo dài. ​​Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu được khởi công từ tháng 3/2009, đến thời điểm hiện tại, các hạng mục thi công chính của Dự án đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác.

Cầu Nhật Tân lung linh trong đêm. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Về dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đồng thời đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài; Hoàn thiện đường trục chính của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại; Trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn Tp. Hà Nội. ​​Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1 km. ​​Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục thi công chính của Dự án đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác.

Quang Toàn - TTXVN


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN