TTVH Online

10 từ khóa 'hot' của thể thao Việt Nam năm 2014

31/12/2014 10:28 GMT+7

Thành công hay thất bại? câu trả lời xin được nhường lại cho các nhà quản lý chuyên môn bởi tiêu chí lớn nhất để Thể thao & Văn hóa cuối tuần "vẽ" lên bức tranh toàn cảnh của TTVN năm 2014.

(Thethaovanhoa.vn) - Thành công hay thất bại? câu trả lời xin được nhường lại cho các nhà quản lý chuyên môn bởi tiêu chí lớn nhất để Thể thao & Văn hóa cuối tuần "vẽ"  lên bức tranh toàn cảnh của TTVN năm 2014 lại là sức tác động của thể thao tới đời sống xã hội. Và trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội cùng các công cụ tìm kiếm, thì những từ khóa "hot" luôn mang tới kết quả tối ưu. 365 ngày đã qua của TTVN cũng chắc là ngoại lệ.

1. ASIAD 17

Dễ hiểu khi đây là sân chơi quan trọng nhất của TTVN trong năm 2014. Cái sân chơi được xem là thước đo cho tham vọng hướng mục tiêu lên tầm châu lục, thế giới sau hơn 2 thập niên “quẩn quanh” tại sân chơi khu vực.

Mục tiêu giành từ 2-3 HCV được đặt vào 9 môn tiệm cận với trình độ cao nhất của châu lục, nhưng chung cuộc, thêm một lần nữa TTVN không hoàn thành “lời hứa vàng” khi chỉ có duy nhất chức vô địch từ môn wushu của nữ võ sĩ Dương Thúy Vi và xếp hạng 21 chung cuộc.

Lý do thì có nhiều, nhưng lý do chính yếu nhất thì vẫn là khoảng cách hiện hữu về trình độ chuyên môn và thực tế, TTVN tiếp tục chỉ “biết mình” nhiều hơn là “biết người” dù đây chẳng phải là lần đầu bước ra đấu trường quốc tế. 

2. ASIAD 2019

Mặc dù được trao quyền đăng cai tổ chức ASIAD lần thứ 18 từ năm 2019, nhưng phải đến năm 2014, khi công tác chuẩn bị bắt đầu thì sự kiện nhanh chóng trở thành điểm nóng không chỉ ngành thể thao mà của toàn xã hội.

Quá trình chuẩn bị chưa đầy đủ, nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể; bên cạnh đó là những khó khăn chung trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu...

Đó chính là lý do dẫn tới quyết định rút quyền đăng cai, không tổ chức ASIAD lần thứ 18 - 2019 tại Việt Nam - Một quyết định kịp thời của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của đông  đảo quần chúng.

Việt Nam đã nhận được sự chia sẻ của Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á (OCA) về quyết định này và sau đó, ASIAD 18 đã được OCA trao cho Indonesia.

3. Ánh Viên

Dễ hiểu khi Ánh Viên vẫn là từ khóa “hot” hàng đầu của giới thể thao năm 2014 khi nữ kình ngư này tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng kiểu “cứ xuống nước là có huy chương”!

Xen kẽ chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ là tấm HCV duy nhất của đoàn TTVN tại Olympic trẻ thế giới, liền sau là 2 HCĐ lịch sử ở ASIAD 17. Ánh Viên cũng có mặt tại sân chơi số 1 quốc gia Đại hội TDTT toàn quốc để giành tới 18 HCV (17 cá nhân, 1 đồng đội), phá 3 KLQG và 11 kỷ lục Đại hội TDTT.

Tài năng là điều chẳng mới và chắc chắn Ánh Viên còn mang về nhiều kỳ tích nữa, nhưng câu hỏi đặt ra sau năm 2014 là làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhất tài năng được mệnh danh là “báu vật” này. Bởi nếu cứ “dùng như phá” tại Đại hội TDTT toàn quốc vừa qua, thì chuyện “thui chột” không hẳn là không có.

4. Bán độ

Cả từ khóa “bán độ” lẫn “nghi án” bán độ đều cho hơn 1 triệu kết quả bằng tiếng Việt trong thời gian cực ngắn trên Google. Và đó cũng là 2 từ khóa tiếp tục nóng của bóng đá Việt Nam năm 2014 này với 2 vụ bán độ của XM.Ninh Bình (tại AFF Cup), Đồng Nai (V-League) và nghi án của ĐTQG ở trận lượt về bán kết AFF Cup .

Nếu vụ của Ninh Bình và Đồng Nai chỉ là chuyện “kính thưa các đồng chí đã lộ” bởi ai cũng biết bán độ đã trở thành thứ vấn nạn quá lâu của bóng đá Việt, thì trận thua bất thường của ĐTQG lại gây cuộc tranh cãi lớn khi “nghi án” xuất phát từ chính quyết định mời cơ quan chức năng vào cuộc của liên đoàn. Quyết định khiến cả làng cầu nội chìm nghỉm trong bầu không khí nghi kỵ, mất niềm tin.

5. Công Phượng


Chẳng cần “kèm theo” chữ “nghi án” hay “tuổi thật”, cú click với từ khóa Công Phượng cũng đủ mang đến kết quả thuộc loại hàng đầu bởi cả tài năng lẫn cuộc tranh cãi trên “diện rộng” liên quan đến năm sinh của cậu bé được sinh ra ở làng quê nghèo Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

Nếu xét về thành tích lẫn cả sự kỳ vọng, thì Công Phượng và lứa U19 tài năng chưa hẳn đã có 1 năm thi đấu thành công khi chỉ có duy nhất chức vô địch giải U21 quốc tế báo Thanh niên. Nhưng chỉ với 1 bàn thắng tuyệt đẹp trong trận gặp Australia ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng trên sân Mỹ Đình, tài năng của Công Phượng được khẳng định, thậm chí còn được ví với tầm... quốc tế!

Nhưng cái ánh hào đến sớm với Phượng lẫn U19 cũng bộc lộ đủ mặt trái khi câu chuyện về năm sinh của cậu nhảy lên mặt báo, truyền hình, dẫn tới cuộc tranh cãi về cả tình lẫn lý.

6. Đại hội

Cuộc tổng duyệt được tổ chức với chu kỳ 4 năm/1 lần này về lý thuyết là sự đánh giá chuẩn xác nhất sức mạnh đầy đủ của TTVN. Thế nhưng, con số kết quả tìm kiếm ít ỏi đã nói lên quá nhiều những vấn đề của Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.

Sức cạnh tranh quá thấp, những ngôi thứ sớm được nhận diện và với hầu hết các đoàn thể thao tỉnh, thành, ngành tham dự mục tiêu chính là tìm kiếm huy chương, chứ không hẳn là chất lượng cuộc đấu. Đó là chưa kể quy mô thi đấu dài trải khiến đại hội không nhận được sự quan tâm của người hâm mộ trong nước.

Rõ ràng, nếu vẫn nặng về hình thức và không tạo nên sức bật chung cho TTVN, việc tổ chức Đại hội TDTT là câu hỏi lớn mặc cho 4 năm nữa đại hội lại diễn ra ở địa điểm khác là An Giang.



HLV Toshiya Miura là từ khóa được nhiều người tìm kiếm trong năm 2014.Ảnh: Thanh Hà

7 . HLV Miura

Là ông thầy ngoại thứ 8 chỉ trong vòng 20 năm của bóng đá Việt Nam và với một bản CV không quá nổi bật, thậm chí còn được xem là “sản phẩm” của quá trình hợp tác giữa 2 nền bóng đá khiến ngày nhậm chức (8/5/2014) không có nhiều sự kỳ vọng đặt vào Toshiya Miura.

Nhưng rồi vị HLV 51 tuổi này bằng phong cách làm việc khá nhẹ nhàng dần chinh phục được cả người hâm mộ cùng giới chuyên môn trong nước thông qua quá trình trẻ hóa cùng những thay đổi mới mẻ về chuyên môn, thể lực và tinh thần cho các ĐTQG. Dưới sự dẫn dắt của Miura, U23 Việt Nam đã vào đến vòng 1/8 ASIAD 17 trong đó có chiến thắng ấn tượng 4-1 trước Olympic Iran. Tại AFF Cup 2014, Miura gây sốc với quyết định loại bỏ không ít trụ cột, kể cả Quả bóng vàng Quốc Anh để đưa đội tuyển vào bán kết và thắng Malaysia 2-1 ở lượt đi.

Tuy phải chịu một phần trách nhiệm trong thất bại cay đắng ở lượt về, nhưng những gì ĐTQG đã làm được với bóng đá Việt Nam là không thể phủ nhận. Hơn thế, ông thầy người Nhật còn “ghi điểm” vào cuối năm với bài trả lời phỏng vấn báo chí quê nhà mà ở đó đã chỉ thẳng ra không ít vấn đề vào hàng tế nhị của làng cầu nội.

8. U19 Việt Nam

Giấc mơ dự World Cup U20 thế giới bất thành và chức vô địch đầu tiên cũng chỉ là ở giải đấu giao hữu (giải U21 quốc tế báo Thanh niên), nhưng lứa U19 đã thực sự trở thành cơn sốt mới của người hâm mộ Việt Nam bằng thứ bóng đá sạch sẽ, đẹp mắt và đậm chất cống hiến.

Và rõ ràng, thất bại của ĐTQG tại AFF Cup càng khiến sự kỳ vọng của người hâm mộ vào U19 trở lên lớn hơn rất nhiều, trong một tương lai cũng gần hơn khi lứa trẻ của HA.GL chinh chiến tại V-League và nhiều khả năng những Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều, Xuân Trường... chinh phục giấc mơ vàng dang dở ở SEA Games 28 tại Singapore trong màu áo ĐTQG.

9. VFF

Khi mà bóng đá vẫn là tâm điểm (kể cả là điểm nóng) của cả nền thể thao quốc gia, thì dễ hiểu VFF cũng nhận được sự chú ý nhiều nhất. Năm 2014 không chỉ là năm diễn ra Đại hội khóa VII của VFF mà đây còn là cuộc “đổi vai” thực sự trong ngôi nhà bóng đá Việt. Ngồi trên những chiếc ghế “ông chủ” lúc này không còn là những nhà quản lý thể thao, hoặc bóng đá mà là giới doanh nghiệp, những “ông chủ” thực sự của nền bóng đá chuyên nghiệp.

Cũng giống như khi ra đời VPF, việc “bóng về hẳn chân” doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn lực mới về kinh tế, chí ít là giúp các đội bóng vượt qua thời kinh tế khủng hoảng. Tuy nhiên, với việc hàng loạt CLB phải giải thể, hoặc đổi phiên hiệu... kể cả tuyên bố “có bao nhiêu chơi bấy nhiêu” của các nhà quản lý bóng đá, khiến vai trò của liên đoàn vẫn mờ nhạt. Sự mờ nhạt ấy còn cả ở lĩnh vực thành tích, ngoại trừ một đội U19 mang danh nghĩa cá nhân nhiều hơn.

10. World Cup nữ 2015

Cuối cùng vẫn là bóng đá và là cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ đầy tiếc nuối của bóng đá Việt Nam. VCK Asian Cup nữ 2014 và cũng là vòng loại World Cup nữ 2015 khu vực châu Á được tổ chức trên sân nhà, cùng đó là sự vắng mặt của đội tuyển nữ CHDCND Triều Tiên đã mang đến cơ hội lịch sử cho đội tuyển nữ quốc gia cùng cả bóng đá Việt Nam lần đầu góp mặt tại 1 VCK World Cup.

Nhưng rồi trận thua 1-2 trước Thái Lan khiến cơ hội lịch sử ấy tan vỡ mà chẳng biết đến bao giờ mới có lại. Sự tiếc nuối càng lớn hơn khi mà chỉ vài tháng sau, tại ASIAD 17, nữ Việt Nam trả nợ đủ người Thái để lần đầu vào tới bán kết. Rõ ràng, chúng ta đã tự đánh mất cơ hội của mình .
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN