TTVH Online

Hãy cảm ơn HLV Miura!

23/12/2014 06:29 GMT+7

Những cảm nhận của HLV Toshiya Miura về bóng đá và con người Việt Nam được thể hiện trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Nhật Jsports mới đây đang tạo ra một cuộc tranh luận thú vị.

(Thethaovanhoa.vn) - Những cảm nhận của HLV Toshiya Miura về bóng đá và con người Việt Nam được thể hiện trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Nhật Jsports mới đây đang tạo ra một cuộc tranh luận thú vị. Phải cảm ơn ông Miura, nhất là ông đã dám nói thẳng nói thật, điều mà có rất ít HLV ngoại nào trước đó dám làm với nền bóng đá nơi mà họ đang dẫn dắt với cương vị HLV trưởng ĐTQG.

Nhiều người mong rằng từ nay, HLV Miura (và nhiều HLV ngoại khác) hãy tiếp tục nhận xét và phê bình thẳng thắn nền bóng đá chúng ta, đấy cũng là điều tích cực, thay vì lâu nay HLV ngoại sang nắm đội tuyển đều như bị ràng buộc "vòng kim cô cấm chê bai" nền bóng đá Việt Nam.

Lướt qua những trang báo mạng có thể thấy đa phần ý kiến đồng tình với những chia sẻ của ông Miura, bởi đó là những gì đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta, những thói quen tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ và rất đáng ngẫm.

Trước tiên nói về bóng đá Việt Nam, HLV Miura đã chỉ ra những chi tiết hết sức nghiệp dư. Đó là cầu thủ V-League rất lười chạy trên sân nên dẫn đến thể lực là lỗ hổng lớn của họ.

Hay cách điều hành giải cũng gặp vấn đề, kiểu như trận đấu diễn ra trên sân khi thời tiết vẫn còn oi bức dẫn đến cầu thủ mất sức nhanh và chất lượng trận đấu thấp. Có điều nguyên nhân rất lãng xẹt, do phụ thuộc vào khung giờ phát sóng của truyền hình…

Chính xác là cầu thủ Việt Nam rất lười chạy. Có thể nhận thấy điều này khi có quá ít trận đấu ở V-League diễn ra ở với tốc độ cao, chuyên môn cao. Riêng những trận đấu ở giải hạng Nhất thì khỏi bàn, nếu xem chỉ biết… buồn ngủ.

Dân chuyên môn hay nói đùa nhưng chí lý rằng “chạy mới ra chiến thuật”. Có lẽ do thói quen lười chạy, di chuyển từ cấp CLB nên khi lên cấp độ đội tuyển, cầu thủ xứ ta thường tỏ ra thua thiệt về nền tảng thể lực, hụt hơi giai đoạn cuối và thiếu những pha tăng tốc ở thời điểm cần thiết.

Chính vì thế, khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Miura đã yêu cầu cầu thủ không được cầm bóng lâu mà chuyền nhanh chỉ sau 1, 2 chạm. Bên cạnh đó, ông Miura đã có những bài tập thể lực hết sức khắc nghiệt. Kết quả cho ra rất rõ, đội tuyển Việt Nam đang hình thành lối chơi nhanh, ít chạm nhưng đường đến khung thành đối phương ngắn lại. Đặc biệt, nền tảng thể lực của các tuyển thủ được cải thiện.

Bóng đá Việt Nam bắt tay vào làm chuyên nghiệp cũng được hơn 10 mùa giải nhưng nhìn lại còn quá nhiều vấn đề tồn tại, từ công tác đào tạo trẻ, quản lý, giáo dục VĐV đến cách thức tổ chức, điều hành giải đấu.

Qua mỗi mùa bóng, V-League luôn đọng lại những vấn đề nhức nhối như chất lượng giải đấu thấp, tình trạng các CLB bỏ giải, không loại trừ hoàn toàn được vấn nạn “đi đêm”, công tác trọng tài yếu kém, nghi vấn dàn xếp tỷ số, khán giả đến sân lèo tèo, thị trường chuyển nhượng bị thổi giá…

Còn những chia sẻ của ông Miura về những chuyện ngoài bóng đá đã cho thấy, không riêng lĩnh vực bóng đá mà là thực trạng xã hội, hay nói cách khác là lối sống, văn hóa làm việc của người Việt Nam còn nhiều thói quen nên thay đổi.

Nếu để ý quan sát, ta sẽ thấy thời gian nhàn rỗi của người Việt Nam quá nhiều. Nếu không thì tại sao các quán cà phê trong giờ làm việc vẫn rất đông người la cà, mà toàn là những người trong độ tuổi lao động. Có thể trong số đó có một bộ phận làm việc không giờ giấc, lấy quán cà phê làm “trụ sở”, cũng có thể là sinh viên… rảnh rỗi. Nhưng dù gì đi chăng nữa, đây là thói quen không mang tính tích cực. Lý do là bởi nếu họ dành nhiều thời gian nhàn rỗi đó cho những công việc làm thêm thì chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Sâu xa hơn, xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn…

Những chia sẻ của ông Miura để giúp nền bóng đá còn yếu kém như nước ta phản tỉnh còn mất nhiều thời gian, nếu như những người đang tham gia hoạt động bóng đá không nghĩ rằng đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi, từ tư tưởng, nhận thức, trách nhiệm nghề nghiệp của cầu thủ cho đến lòng tự trọng của cơ quan điều hành.

Bóng đá Việt Nam cần thay đổi tư duy, cung cách làm việc theo hướng chuyên nghiệp mới dám nghĩ chuyện thành công. Ở góc độ này, cần phải xem sự thẳng thắn và chân tình như là một trong những phẩm chất đáng quý của HLV Miura.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN