TTVH Online

Cô đơn như HLV Miura

16/12/2014 11:43 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, sau thất bại (chung cuộc) của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia tại bán kết AFF Cup 2014. Trong đó phải kể đến sự chủ quan ở khâu tiếp cận trận đấu, đặc biệt là trận lượt về ở Mỹ Đình...

(Thethaovanhoa.vn) - Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, sau thất bại (chung cuộc) của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia tại bán kết AFF Cup 2014. Trong đó phải kể đến sự chủ quan ở khâu tiếp cận trận đấu, đặc biệt là trận lượt về ở Mỹ Đình, sau khi thầy trò HLV Toshiya Miura đã nắm lợi dẫn với tỷ số 2-1 ở lượt đi. Kế đến là chất lượng cầu thủ, chất lượng HLV, rồi các trợ lý HLV cũng được đưa ra mổ xẻ…

Chúng ta đã có thể có một đội bóng tốt hơn, từ khâu tổ chức đến chất lượng, nhưng…

Từ ước nguyện của ông Miura

Như Thể thao & Văn hoá đã hơn một lần đề cập về ước nguyện của HLV Toshiya Miura ngay trong ngày ông đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với VFF để dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam. Tại khách sạn Park Hayatt (TP.HCM) hôm đó, người viết đã đặt câu hỏi rằng, nếu được phép đem qua Việt Nam một “ê-kíp” làm việc riêng (các trợ lý, còn gọi là “team”), ông Miura có làm điều đó không?

Được lời như cởi tấm lòng, HLV người Nhật Bản đánh giá đây là câu hỏi thú vị và đáp rằng: “Bất cứ HLV chuyên nghiệp nào cũng đều ước ao được làm việc cùng các trợ lý của mình. Tôi đã nghĩ tới điều này khi quyết định đến Việt Nam, nhưng vẫn phải đợi ý kiến của VFF đã. Tôi tin rằng VFF sẽ hỗ trợ tối đa, để tôi có được “ê-kíp” làm việc tốt nhất”. Nhưng ước là một chuyện, còn sự thể thế nào lại là chuyện khác.

Sau rất nhiều đề bạt và thực tế, VFF cũng điều hẳn phái đoàn sang Nhật Bản để tìm trợ lý cho HLV Miura theo như nguyện vọng của ông, nhưng đến cận ngày AFF Cup 2014 diễn ra, đội tuyển mới chỉ có thêm chuyên viên vật lý trị liệu Fujimoto Hiroo, với một phần lương trả cho ông Hiroo được chính JFA (LĐBĐ Nhật Bản) hỗ trợ. Và hết! Tất nhiên, ông Miura không thể một mình cáng đáng hết công việc.

Ngay từ những ngày đầu, bộ phận chuyên môn đã được VFF thành lập để hỗ trợ HLV Miura việc theo dõi phong độ của các cầu thủ, cũng như tư vấn cho ông thầy người Nhật Bản trong việc lên danh sách triệu tập. Kế đến, các trợ lý HLV cũng được VFF quy hoạch để giúp việc cho HLV Miura khi các ĐTQG tập trung. Từ Olympic Việt Nam đá ASIAD 17 đến đội tuyển Việt Nam, các “ê-kíp” BHL đã khá rõ ràng.

Tự bao giờ, HLV Miura cũng không còn đề cập đến “ê-kíp” các trợ lý HLV người đồng hương Nhật Bản mà ông muốn nữa. VFF và một bộ phận giới truyền thông, cũng đã thôi không nhắc chuyện này.

Đến chuyện ngồi nhầm “lớp”

Tại đội tuyển Việt Nam, những Đặng Phương Nam (Trung tâm đào tạo trẻ Viettel, trợ lý 1), Ngô Quang Sang (cựu HLV trưởng ĐT.Long An, trợ lý 2) và Nguyễn Đức Cảnh (trợ lý HLV thủ môn) được tiến cử và làm việc cùng HLV Miura từ ngày đầu cho đến khi đội bóng chia tay AFF Cup 2014. Với khối lượng công việc tương đối lớn, cùng tác phong làm việc kiểu… Nhật Bản, các trợ lý HLV đã rất nỗ lực.

Trong tất cả các buổi tập, ông Miura (cùng các trợ lý) chạy khởi động (và phục hồi sau đó) cùng các cầu thủ, một hình ảnh khá quen thuộc và dễ gây thiện cảm. Nhưng khi đứng lớp, giáo huấn về chuyên môn chỉ do một mình HLV Miura chịu trách nhiệm, còn các trợ lý ai làm việc người nấy, từ sắp “marker” đến thu dọn đồ đạc. Người Nhật Bản có lối suy nghĩ và cách làm việc độc lập, tự chủ, và HLV Miura không đòi hỏi thêm.

Vấn đề là trợ lý HLV các ĐTQG Việt Nam không chỉ lên đội tuyển chỉ để làm mỗi việc sắp “marker”. Họ phải có mối quan hệ gần gũi với một bộ phận đáng kể cầu thủ, để nắm bắt tâm sinh lý, cũng như quản quân. Ngoài uy tín ra, họ cũng cần có chuyên môn thật tốt trong việc cố vấn, thậm chí là lên giáo án cùng HLV trưởng, sẵn sàng “đứng lớp” khi được yêu cầu và lao ra đường piste chỉ đạo, khi HLV trưởng bị rối…

Giờ không phải là lúc bàn lại về chất lượng đội ngũ những người giúp việc cho HLV Miura ở AFF Cup 2014, bởi họ là ai trong nền bóng đá Việt Nam đương đại thì có thể giới ngoại đạo chưa biết rõ lắm, nhưng người làm nghề chắc cũng chẳng lạ gì.

Và điều quan trọng nhất là kết quả: Trong thất bại của đội bóng, các trợ lý HLV không thể không có liên đới trách nhiệm. Nhưng, trách ai, ai trách, bây giờ trách ai. Thua trận rồi, rõ là lắm chuyện!

1 Các HLV ngoại từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ được mang theo toàn bộ ê-kíp huấn luyện của mình tới Việt Nam, mà cùng lắm họ chỉ được bổ nhiệm thêm 1 HLV thể lực mà thôi

2 Việt Nam và Philippines là 2 đội bóng ở vòng bán kết AFF Cup 2014 sử dụng HLV ngoại, và cả 2 đội bóng đều không thể lọt vào trận chung kết

2 Ngoài bác sỹ vật lý trị liệu Fujimoto Hiroo được LĐBĐ Nhật Bản hỗ trợ trả lương, có thể HLV trưởng Toshiya Miura cũng được LĐBĐ Nhật Bản hỗ trợ về mặt lương bổng khi ông Miura sang Việt Nam làm việc


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN