TTVH Online

Những album đáng nghe 'lạc' vào thị trường

07/11/2014 11:15 GMT+7

Có người mới và cả không mới của nhạc Việt không hẹn mà gặp, tháng 10 này, cùng ra những sản phẩm âm nhạc mới nhất. Họ khác với những gì đã từng thể hiện trước đây, hoặc, vẫn chăm chỉ đi theo lối của mình nhưng đã mới hơn rất nhiều.

(Thethaovanhoa.vn) - Có người mới và cả không mới của nhạc Việt không hẹn mà gặp, tháng 10 này, cùng ra những sản phẩm âm nhạc mới nhất. Họ khác với những gì đã từng thể hiện trước đây, hoặc, vẫn chăm chỉ đi theo lối của mình nhưng đã mới hơn rất nhiều. Cả 3 người: Nguyễn Trần Trung Quân, Tạ Quang Thắng, Thảo Trang đều cho thấy họ đang rất khác với số đông và những sản phẩm âm nhạc của họ rất xứng đáng có mặt trên kệ đĩa của công chúng.

Nguyễn Trần Trung Quân “khởi hành”

Đúng ra khởi hành vào lúc này là hơi chậm khi suốt 2 năm từ khi bước ra khỏi Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH) thì Nguyễn Trần Trung Quân vẫn gần như bất động. Trong khi đó, người bạn đồng hành cùng cuộc thi với anh, Nguyễn Đình Thanh Tâm đã cho ra mắt 2 album.

Nhưng 2 năm cũng có cái lý của Trung Quân khi album đầu tay vừa phát hành của anh đã chứng tỏ anh khác hoàn toàn trước đó.

Trung Quân nói rằng album này đã được lên kế hoạch từ 2 năm trước, khi anh vừa rời khỏi cuộc thi SM-ĐH. Suốt hai năm qua, Trung Quân vẫn chỉ “nhỏ giọt” sản phẩm âm nhạc mới với pop ballad. Nhiều người vẫn đinh ninh Trung Quân sẽ đi theo pop như cách anh đã thể hiện mình ở cuộc thi SM-ĐH 2012 dù có pha một chút “mùi” đương đại.

Rời cuộc thi, Nguyễn Trần Trung Quân vẫn nuôi cho mình một hình ảnh pop, dù hay nhưng khá nhạt nhòa và dễ chìm trong lớp ca sĩ mới ai cũng muốn làm điều tương tự. Những ca khúc trong khoảng 2 năm qua như Một người tôi luôn kiếm tìm, Nơi ta bắt đầu, Chạm, Trôi… chỉ có tác dụng nhắc nhớ khán giả từng có một ca sĩ triển vọng Nguyễn Trần Trung Quân.

Mọi thứ vẫn tiếp tục như thế cho đến khi album pop đầu tay chuẩn bị được đi in thì Trung Quân và Khắc Hưng cùng nghe lại và họ cùng nhận ra rằng “không được, phải thay đổi thôi”. Đó là thời khắc quan trọng cho chàng ca sĩ chỉ vừa 21 tuổi xác định rõ ràng con đường của mình. Album pop đó đã được cất đi và cả hai quyết định lấy dự án nhạc điện tử đã bàn trước đó, ra làm. Họ chưa biết chất liệu mới sẽ ra sao nhưng cả hai biết chắc mình cần phải khác đi. Và cuối cùng, dự án Khởi hành được khởi động.

Khởi hành là một album concept (ý tưởng) của nhà sản xuất Khắc Hưng và ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân. Album này đã vẽ nên một bộ mặt âm nhạc rất khác của Nguyễn Trần Trung Quân trước đó. Chất pop đã bay mất, lúc này Trung Quân “quái” hơn khi thả mình vào một không gian sáng tạo nhưng đầy niêm luật của electronica. Sự quay ngoắt 180 độ của Quân sẽ làm nhiều người vốn thích pop của anh trước đó nghi ngại nhưng họ sẽ hài lòng nếu chịu khó nghe lại album này từ lần thứ hai trở đi.

Album gồm 10 bài, trong đó có 5 sáng tác của Khắc Hưng, 3 của Huyền Sambi, một của Trung Quân và bài còn lại của Sa Huỳnh. Tất cả được phối theo lối electronica, trip-hop, trên nền hip-hop tung tẩy với jazz, blues. Khắc Hưng rất có nét khi đưa vào bản phối những phần sound (âm thanh) của sáo mèo, âm hưởng afrobeat của châu Phi, nhịp điệu chuyển động, tiếng bass trầm đục, tiếng trẻ hát đồng dao… rất bắt tai. Những bài hát là một câu chuyện liền mạch của một ngày. Nhưng nếu gọi là đáng nhớ thì có thể thấy Ảo ảnh trưa, Cỏ, Thử thách đêm… là những bài có yếu tố sáng tạo cao nhất ở cách thức chuyển tải của Trung Quân và phần phối rất sáng của Khắc Hưng.


Trung Quân khẳng định album này sẽ là con đường mới của anh. Tuy vậy, Khởi hành mới chỉ là một cái chạm nhẹ vào cánh cổng, còn mở to cửa và đi thẳng vào lối đi trước mặt là một điều không dễ. Tùng Dương là một trường hợp khá hiếm hoi thành công. Nguyễn Đình Thanh Tâm vẫn còn đang khá loay hoay. Và giờ là đến Nguyễn Trần Trung Quân. Nhưng dù thế nào thì đây là một lối đi vẫn rất cần nhận được sự ủng hộ.

Thảo Trang và Tạ Quang Thắng “đi về phía thinh lặng”

Nguyễn Trần Trung Quân là số ít những người trẻ sẵn sàng đi lối khó để tìm cá tính âm nhạc riêng và trong số đó cần phải kể thêm Tạ Quang Thắng và Thảo Trang.

Quang Thắng và Thảo Trang có màu âm nhạc khác hẳn Trung Quân khi họ đi theo lối country, folk, du ca và họ cũng rất khác với số đông.

Album mới nhất của Tạ Quang Thắng, Có một tôi rất mới, một lần nữa chứng minh Tạ Quang Thắng vẫn rất… cũ, với chính anh. Cái “cũ” của Thắng là tiếp tục đi ngõ hẹp để tìm số đông của riêng mình. Ở “ngõ hẹp” ấy, chỉ với những ai yêu thích chất country rock của Thắng, sẽ thấy anh đúng là rất mới. Bầu trời của Thắng nhỏ dần nhưng cụ thể hơn. Những ca khúc nghe tưởng chừng đơn giản nhưng có nội lực biến chuyển rất lớn trong sáng tác, Thắng “gò” những sáng tác vẫn theo phong cách country rock nhưng pha thêm chất blues với những tiếng slide đàn tạo chiều sâu, luếnh loáng hơn, anh cũng “nêm” thêm một chút tiếng đàn banjo để tạo sự cởi mở trong thanh âm.

So với album đầu tay - Country rock - Tạ Quang Thắng cặm cụi nhiều hơn để cho ra đời một sản phẩm chín chắn, tâm huyết hơn. Những đề tài lớn lao, tính chất “hô khẩu hiệu” ở album đầu đã nhường chỗ cho những trăn trở với những lát cắt hiện hữu của cuộc sống xung quanh anh, khéo léo hơn và cũng chân tình hơn.

Tạ Quang Thắng đã rất “lên tay” ở sản phẩm mới nhất, anh vẫn chung thủy với con đường mình đang đi và không từ bỏ khát vọng lôi kéo số đông đến gần với mình.

Nhưng nếu Tạ Quang Thắng vẫn chăm chỉ trên đường âm nhạc đã định ra của mình thì Thảo Trang lại gần với phong cách của Nguyễn Trần Trung Quân, khi cô đã quyết định thay đổi.

Chỉ có điều Trang không như Trung Quân, cô không chọn electronica làm mũi tên chỉ đường mà quay về phong cách âm nhạc gọn nhẹ hơn: du ca.

Thảo Trang đã tạm cất đi những cồng kềnh của nhạc điện tử mà cô từng thể hiện trước đây để nhẹ gánh hơn với du ca cùng guitar, sáo, violin… Abum Đại lộ đón gió của Thảo Trang là một album có thể ngân nga ở mọi nơi. Nó mang một tinh thần sảng khoái lạ thường và tưởng như giọng hát ấy sẽ là của một người chỉ vừa đôi mươi chứ không phải của một người sẽ tròn tuổi 27 vào tháng 11 tới.

Đại lộ đón gió mang không khí tươi vui với những bài hát gợi nhớ tới những sáng tác đầy hơi thở tuổi trẻ của Thanh Tùng hay Nguyễn Văn Hiên khi xưa. Tất cả đều dễ ngấm, dễ nghe, thuần khiết, hồn nhiên và dễ lan tỏa. Thảo Trang bảo rằng cô đi ngược số đông với những thanh âm thời thượng. Nhưng Trang quên rằng mình cũng đã từng là số đông ấy. Vì thế album này là một hướng đi khác của Thảo Trang và có lẽ đó là một sự thay đổi hợp lý. Ngay như bài hát chủ đề của album, Thảo Trang đã hát “Chiều tàn, nắng tắt ta đi về phía thinh lặng”, và khi nghe cô hát chắc chắn sẽ có tiếng vang vọng lại.

Có thể Đại lộ đón gió không mang tính thay đổi bước ngoặt của Thảo Trang và có thể cô sẽ tiếp tục tìm hướng mới nhưng album này đã vẽ nên một Thảo Trang rất khác. Sự hồn nhiên được hát ra bởi một người đã có khá nhiều va vấp trên con đường âm nhạc bấy lâu sẽ dễ nhận được sự đồng cảm. Lắng nghe kỹ album này sẽ thấy, để có sự hồn nhiên ấy Thảo Trang đã đánh đổi bằng thời gian và những giọt mồ hôi lao động. Cô đã trưởng thành hơn, trầm tĩnh hơn và nhận chân cuộc sống hơn. Tận cùng của âm nhạc vẫn là sự đơn giản. Trong sự đơn giản của Thảo Trang, là cả một sự tìm tòi nghiêm túc.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN