TTVH Online

Shinichi Suzuki - bậc thầy hay kẻ nói dối?

28/10/2014 14:15 GMT+7

Lý thuyết đào tạo âm nhạc mang tên Suzuki khuyến khích việc cho trẻ em học chơi nhạc càng sớm càng tốt. Lý thuyết này đã ảnh hưởng đến hàng triệu đứa trẻ trong suốt 5 thập niên qua.

(Thethaovanhoa.vn) - Lý thuyết đào tạo âm nhạc mang tên Suzuki khuyến khích việc cho trẻ em học chơi nhạc càng sớm càng tốt. Lý thuyết này đã ảnh hưởng đến hàng triệu đứa trẻ trong suốt 5 thập niên qua. Tuy nhiên vừa qua, nhân vật đứng sau lý thuyết đã bị cáo buộc là một kẻ lừa đảo.

Nhân vật tạo ra lý thuyết Suzuki là Tiến sĩ Shinichi Suzuki (1898-1998).

Từ huyền thoại thành kẻ lừa đảo

Từ giữ thế kỷ 20, ông nói với thế giới rằng "hãy dạy trẻ con chơi nhạc trước 5 tuổi, lý tưởng nhất là 3 tuổi". Theo ông, người lớn hãy dạy trẻ con những đoạn nhạc ngắn, được ghi nhớ bằng cách chơi lặp đi lặp lại. Lý thuyết này đã khiến Suzuki trở thành một huyền thoại tầm cỡ quốc tế.

Telegraph cho biết Suzuki tới Đức vào thập niên 20 của thế kỷ trước. Tại đây, ông tuyên bố mình có mặt nhờ sự bảo vệ của Albert Einstein – nhà khoa học vĩ đại kiêm người chơi violin nghiệp dư. Suzuki cũng từng tuyên bố rằng ông học nhạc với Karl Klingler - một trong những nhạc công kiêm giảng viên violin hàng đầu thế giới.


Shinichi Suzuki và những đứa trẻ được ông giảng dạy theo lý thuyết của mình.

Ngay từ buổi ban đầu mới xuất hiện, Suzuki đã có ý thức đưa lý thuyết giảng dạy của ông thành công thức. Lý thuyết này được trẻ em khắp nơi, đúng hơn là phụ huynh của chúng, theo đuổi. Đây cũng trở thành một trong những lý thuyết giảng dạy âm nhạc phổ biến nhất trên thế giới.

Nay, những chi tiết đó bị tố cáo là lừa đảo. “Tôi nghĩ đây là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử âm nhạc” - Mark O’Connor, một giảng viên kiêm nhạc công violin chuyên nghiệp đã có nhiều năm tìm hiểu về quá khứ của ông Suzuki, nói - “Tôi không thể tin rằng chưa ai từng kiểm tra quá khứ của ông và họ đã tin vào mọi điều ông ta nói”.

Những chi tiết gây sốc

Ông O’Connor đã đăng tải chi tiết những thông tin tìm được của mình lên blog cá nhân. Dưới bài viết cuối cùng vào tuần trước, có tên “Lời nói dối trắng trợn nhất của Suzuki”, ông dẫn liên kết từ trường âm nhạc Berlin Hochshule ở Berlin, nơi Suzuki tuyên bố đã theo học bậc thầy Karl Klingler. Theo đường dẫn này, Suzuki có thi tuyển vào Berlin Hochshule trong năm 1923, khi ông mới 24 tuổi, nhưng bị đánh trượt.

Ông O’Connor viết: “Shinichi Suzuki không hề được đào tạo violin từ một giảng viên violin chuyên nghiệp nào cả. Ông ta cơ bản là tự học. Ông ta bắt đầu học violin từ năm 18 tuổi. Ông ta chưa bao giờ có một vị trí ở trong bất kỳ dàn nhạc nào”.

Thêm vào đó, mối quan hệ của Suzuki với Einstein bị phát hiện là chỉ dừng lại ở “quan hệ mua bán”. Suzuki từng gặp Einstein chỉ một lần để bán cho nhà khoa học một cây đàn violin và họ không hề là bạn của nhau.

Theo Telegraph, những lời nói dối đã mang lại cho Suzuki một gia tài. Thống kê của Viện Suzuki tại Anh cho thấy thế giới đang có khoảng 250.000 học viên học nhạc theo lý thuyết Suzuki, dưới sự hướng dẫn của 8.000 giảng viên.

Chưa có thống kế về con số cụ thể những người học chơi nhạc theo lý thuyết Suzuki từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Tuy nhiên, nếu cáo buộc của O’Connor là đúng, có thể thấy Suzuki đã không chỉ lừa những con người đơn lẻ mà là cả một cộng đồng. Ông gây ảnh hưởng tiêu cực tới không chỉ những người học nhạc Nhật Bản mà còn cả người học nhạc ở nhiều nước khác.

Mặc dù vậy, Minette Joyce, quản trị viên của Viện Suzuki, vẫn bảo vệ lý thuyết này. “Ý tưởng đằng sau lý thuyết Suzuki là con người có thể học chơi nhạc cụ đến mức tối đa trong khả năng của họ"  - Joyce nói - "Lý thuyết này không đặt mục đích đào tạo ra những nhạc công chuyên nghiệp mà là để trẻ em phát huy khả năng của chúng và tăng khả năng thưởng thức âm nhạc”.

Cách giải thích này không phải là không có lý. Nó là cơ sở thuyết phục hàng triệu phụ huynh đưa con họ học theo lý thuyết đào tạo âm nhạc Suzuki. Vậy lý thuyết Suzuki thực chất là thế nào và có vị trí ra sao trong nền đào tạo âm nhạc thế giới? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong phần sau của loạt bài.

(Còn tiếp)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN