TTVH Online

Nơi níu giữ những 'khuôn vàng thước ngọc'

27/10/2014 07:15 GMT+7

Vượt lên mọi khó khăn, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hoá đã tìm được lối đi riêng, đưa Tuồng đến gần hơn với công chúng, tăng thu nhập cho anh chị em nghệ sĩ, qua đó lưu giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật Tuồng…

(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong 7 đơn vị tuồng chuyên nghiệp trong toàn quốc, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hoá cũng đang đứng trước bài toán khó chung trong mặt bằng giải trí hiện nay. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hoá đã tìm được lối đi riêng, đưa Tuồng đến gần hơn với công chúng, tăng thu nhập cho anh chị em nghệ sĩ, qua đó lưu giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật Tuồng…

Thanh Hoá được nhắc đến như là quê hương của “ông tổ” nghệ thuật Tuồng - đó là danh nhân Đào Duy Từ.

Thời vàng son của Tuồng xứ Thanh

Trước Cách mạng tháng 8, Thanh Hoá có đến 4 rạp chuyên hát Tuồng như rạp Vĩnh Tường Long (ở Cửa Hậu), rạp Lò Chung của ông Nguyễn Văn Dĩnh (năm 1920), rạp ông Tứ Tích (cửa Tả, năm 1935), rạp Sinh Châu của ông Đặng Bá Tạo (năm 1935).

Ngoài ra còn các gánh Tuồng ở các phủ, huyện như gánh ông Bát (Hoằng Hoá), gánh thầy Nhất (Hậu Lộc), gánh ông Khán Thọ (Thọ Xuân), gánh ông Nhì Bá (Hà Trung), gánh thầy Hai Thi (Yên Định)... Nhiều lớp nghệ nhân có tên tuổi đã từng đóng rạp hoặc lưu diễn trên địa bàn tỉnh Thanh như NSND Đội Tảo, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu...

Trong những năm tháng chiến tranh, nghệ thuật Tuồng ở Thanh Hoá vẫn thăng hoa với nhiều đội Tuồng ở khắp các huyện trong tỉnh như: Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Thiệu Yên, Hoằng Hoá, Vĩnh Lộc... Đến năm 1962, trước yêu cầu tăng cường lực lượng phục vụ văn hoá, văn nghệ cho chiến trường miền Nam, kết hợp với nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh - Quảng được thành lập dưới sự kết hợp giữa Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hoá và Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Một cảnh trong vở Hai người mẹ của đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa. Ảnh: Huỳnh Trương Phát

Sau 1975, Đoàn hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình và được đổi tên thành Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hoá. Những vở diễn như Lời thề trinh nữ (1985), Ngai vàng rung chuyển (1990) đã đạt được nhiều huy chương trong các hội diễn sân khấu chuyên toàn quốc và được coi là những vở “để đời” của anh chị em trong đoàn giai đoạn này. Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim rực rỡ của Đoàn Tuồng Thanh Hoá.

Những năm trở lại đây, khi phương tiện thông tin đại chúng, video tràn ngập, công chúng dường như không còn mặn mà với Tuồng cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống. Khán giả ngày càng ít đi, tỷ lệ thuận với kinh phí hoạt động cũng giảm dần, người nghệ sĩ Tuồng vì thế phải tự trang bị thêm cho mình một công việc khác để mưu sinh như chạy xe ôm, chạy chợ, may rèm cửa...

Níu giữ cho mai sau

Để giải bài toán khó trên, từ năm 2008 trở lại đây, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Quyền - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa tâm sự: "Ngoài sự quan tâm của tỉnh, sự yêu mến của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hiện nay anh em chúng tôi “giữ” Tuồng bằng 3 chân".

Thứ nhất, Đoàn phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa nghiên cứu khai thác Vũ điệu Trống đồng để biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Thứ 2, Đoàn đã khai thác các lễ hội truyền thống trong tỉnh với việc tìm tòi, phục dựng các nhân vật lịch sử như Bà Triệu, Lê Hoàn, Chúa Trịnh, Trần Nhật Duật… bằng nghệ thuật Tuồng truyền thống.  2 “chân” này là nguồn thu nhập ngoài lương của anh em nghệ sĩ và để “đem Tuồng” đến gần hơn với công chúng gần xa.

Đặc biệt, “chân” thứ 3 mà “thuyền trưởng” Đoàn Tuồng xứ Thanh nhắc đến đó là việc anh em nghệ sĩ trong Đoàn đã từng bước nghiên cứu, tìm tòi, đưa Tuồng vào các vở diễn hiện đại. Năm 2013, Đoàn đã dựng thành công vở Tuồng hiện đại Hai người mẹ, vở đã giành được một Huy chương Vàng và hai Huy chương Bạc trong Hội diễn Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013.

Bên cạnh việc biểu diễn, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa không ngừng đào tạo, bồi dưỡng lớp kế cận. Đoàn hiện có 52 cán bộ, diễn viên thì đa phần là nghệ sĩ trẻ với tuổi đời từ 24-35. Hàng năm, Đoàn đều tự bỏ chi phí mời các nghệ sĩ gạo cội như NSND Minh Gái, Hồng Khiêm, Hòa Bình, Trần Đình Xanh… về giảng dạy, đào tạo, truyền nghề cho các diễn viên. Nhờ đó, trong Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra hồi tháng 7/2014 tại Bình Định, Đoàn đã có 1 nghệ sĩ trẻ đạt Huy chương Vàng. Cuối năm 2013, Đoàn vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Rời con ngõ nhỏ sâu sâu hun hút của phố Đào Duy Từ, từ dãy nhà 2 tầng cũ kỹ có thâm niên cả nửa thế kỷ bấy lâu nay là “tổng hành dinh” của Đoàn Tuồng xứ Thanh, vẫn vang lên tiếng trống, tiếng đàn. Ở đó các nghệ sĩ đang say sưa tập vở cho sự kiện tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vào cuối tháng 10 này.

Hoa Mai (theo TTXVN)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN