TTVH Online

Khóc cho 'điều tử tế'

03/10/2014 09:33 GMT+7

Một số ít người bỏ về giữa chừng, nhưng cũng có nhiều người trong số những người ở lại đến cuối khi xem vở kịch Sống tử tế đã ra khỏi Nhà hát Tuổi trẻ với đôi mắt đỏ hoe. Họ đã khóc cho điều tử tế...

(Thethaovanhoa.vn) - Một số ít người bỏ về giữa chừng, nhưng cũng có nhiều người trong số những người ở lại đến cuối khi xem vở kịch Sống tử tế đã ra khỏi Nhà hát Tuổi trẻ với đôi mắt đỏ hoe. Họ đã khóc cho điều tử tế...

Sống tử tế là dự án kịch hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường. Vở được tổng duyệt tối 1/10 và sẽ công diễn phục vụ miễn phí cho công chúng vào 20h các ngày 3, 9, 24/10.

Sống tử tế (kịch bản: Nguyễn Thu Phương; đạo diễn: Bùi Như Lai) có sự tham gia diễn xuất của nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ triển vọng như Thu Hương, Tùng Linh, Duy Anh...

Vở kịch xoay quanh câu chuyện của những nhân vật có số phận kém may mắn trong xã hội. Đó là Vinh - một thanh niên khuyết tật 19 tuổi được bao bọc, che chở trong gia đình giàu có nhưng luôn khắc khoải với tình yêu "không thể nói". Hương - một cô gái bán hoa - có tâm hồn trong sáng, một quá khứ đặc biệt và nhiều ước mơ nhưng bị vùi dập bởi định kiến và kỳ thị. Ông Nam và con trai tên Quang có học thức, địa vị nhưng không thanh thản trong tâm hồn vì những điều chưa tử tế họ đã làm v.v…


Một cảnh trong vở kịch "Sống tử tế"

Một nhà phê bình văn học mà cánh báo chí vẫn chạm mặt thường xuyên ở các đêm kịch, đã sớm bỏ về ngay từ màn đầu tiên. “Nghe thoại cảnh đầu đã thấy chán rồi. Cảnh các cô gái làm tiền rất sống sượng. Cảnh tâm tình giữa Quang và Hương rất giả” - nhà phê bình nói.

Bởi Sống tử tế, nặng chất “tuyên ngôn” và nhồi nhét đủ các thông điệp. Trong một vở kịch mà nói đủ thân phận, từ quan chức, nghệ sĩ, những người thành danh cho đến người khuyết tật, người đồng tính... Những điều đó, đồng nghĩa với việc khán giả sẽ phải nặng nhọc tiêu hóa một vở kịch tuyên truyền.

Duy có một điểm hơi lóe sáng về mặt cốt truyện ở đoạn gần kết của vở kịch. Hóa ra tình yêu của Quang dành cho cô gái điếm tên Hương mà từ đầu vở kịch khán giả đã rất khó chịu bởi nó quá “sến”, “phi thực tế” thì đến gần cuối vợ kịch lại có một nút thắt bất ngờ: Tình yêu của Quang dành cho Hương chỉ là một âm mưu trả thù của Quang. Nhưng ngay khi khán giả còn chưa hết hứng thú với nút thắt bất ngờ này thì câu chuyện lại trở về đúng chất… tuyên truyền: Quang bỏ qua hận thù, chọn “sống tử tế” cùng tình yêu với cô gái bán dâm.

Cùng với đó, Vinh cũng tìm gọi lại người yêu đồng giới - Trung - đang muốn tìm đến cái chết; ông bố từng không tử tế thì bắt đầu hối hận về những việc mình đã làm và xin được mọi người tha thứ…

Ngoài ra, còn một số phàn nàn của những khán giả lớn tuổi về cảnh “nóng” thiếu tính mỹ cảm, ước lệ thường thấy của sân khấu truyền thống. “Không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Cần phải cắt bỏ” - một khán giả lớn tuổi nói khi xem đến cảnh ân ái giữa Quang và Hương.

Tuy thế, cũng phải ghi nhận, vở kịch có nhiều đoạn rất xúc động dù không có nhiều tìm tòi về nghệ thuật sân khấu. Ca khúc Đời đá vàng dường như đã được dùng rất đắt trong vở kịch. Bài hát luôn được vang lên rất đúng lúc, có những thời điểm như làm vỡ òa cảm xúc của khán giả.

Hương Thương
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN