TTVH Online

Li Na & Câu chuyện cá tính

27/09/2014 19:14 GMT+7

"Nữ hoàng quần vợt châu Á" Li Na giải nghệ đã gợi lại câu chuyện về việc cô từ bỏ sự bao baocj và kiểm soát của Liên đoàn quần vợt Trung Quốc, từ đó có những bước đột phá trong sự nghiệp.

(Thethaovanhoa.vn)- "Nữ hoàng quần vợt châu Á" Li Na giải nghệ đã gợi lại câu chuyện về việc cô từ bỏ sự bao baocj và kiểm soát của Liên đoàn quần vợt Trung Quốc, từ đó có những bước đột phá trong sự nghiệp. Đó là chủ đề của "Cà phê thể thao" tuần này với Nhà báo Hồng Ngọc: Cá tính trong các môn thể thao cá nhân như tennis.

* Cà phê thể thao: Trong trạng thái gần đây trên Facebook, anh tỏ ra mến mộ tài năng của Li Na, và nhắc tới bước đột phá trong sự nghiệp của Li Na từ khi cô ấy rời khỏi Liên đoàn Quần vợt Trung Quốc. Anh có thể nói rõ hơn ý này?

- Thể thao đỉnh cao Trung Quốc cũng như các nền thể thao xã hội chủ nghĩa trước đây là mô hình thể thao nhà nước. Ngân sách nhà nước được rót xuống các trung tâm đào tạo thành tích cao, các lò đào tạo “gà nòi” để tạo ra các vận động viên có khả năng giành huy chương trong các cuộc tranh tài đỉnh cao.

Li Na là một sản phẩm như thế. Và với những kỹ năng như chúng ta nhìn thấy ở cô ấy, thì rõ ràng đó là một sản phẩm tốt, rất tốt. Nhưng cơ chế bao bọc về đào tạo và huấn luyện của quần vợt Trung Quốc khiến Li Na không thể tự do tiếp cận những kiến thức quần vợt chuyên nghiệp hiện đại nhất. Và việc phải chia đôi tiền thưởng cô nhận được từ các giải đấu chuyên nghiệp, chia lại một nửa cho Liên đoàn Quần vợt Trung Quốc để “trả công” cũng khiến cô có cảm giác mình bị đối xử không công bằng. Lẽ ra với số tiền phải chia đó, cô có thể tìm huấn luyện viên, thuê điều kiện huấn luyện tốt hơn để đạt được sự tiến bộ đột phá.


Li Na đã tự tách mình ra khởi "cơ chế"

Thực tế trả lời rằng, Li Na đúng khi ra đi. Sau Olympic Bắc Kinh 2008 cô tự tách mình ra khỏi cơ chế cũ, dù đã 26 tuổi. Trước thời điểm “ra đi”, cô chỉ có 1 lần vào tới tứ kết một giải Grand Slam. Sau thời điểm đó, cô có tới 2 lần vô địch, 2 lần khác vào chung kết, 2 lần khác vào bán kết, và thêm 3 lần khác nữa vào tứ kết Grand Slam, vươn tới vị trí cao nhất là số 2 bảng xếp hạng WTA.

Có một sự liên quan giữa Li Na và sự kiện thể thao lớn của châu lục cũng như của chính thể thao Việt Nam, đó là ASIAD 17 đang diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc. Bạn thử nghĩ xem, nếu đại hội đó có một ngôi sao tầm cỡ thế giới như Li Na tham dự, thì sự quan tâm còn lớn đến mức nào và chắc chắn ASIAD còn vượt ra khỏi tầm của một sân chơi châu lục.

* Có thể chỉ đơn thuần rằng Li Na đã “chín muộn”?

- Vậy thì ta phải đặt ngược lại câu hỏi, điều gì khiến Li Na chín muộn? Về mặt thể chất, đàn ông đạt trạng thái hoàn thiện nhất ở tuổi 25, và tuổi đỉnh cao phong độ của các môn đòi hỏi cường độ vận động cao như bóng đá, tennis là 25-28. Với phái nữ, tuổi chín thường sớm hơn. Chúng ta biết Hingis, Sharapova đã đăng quang ở tuổi 16 - 17.

Về kỹ năng, Li Na tập tennis từ năm lên 8 và vào “lò” từ rất sớm, mà với khối lượng tập luyện trong các lò đào tạo “gà nòi” ở Trung Quốc, độ tuổi 18 - 20 là Li Na cơ bản hoàn thiện kỹ năng rồi. Ở tuổi 18, Li Na đã tham dự giải Mỹ mở rộng từ vòng loại, và bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2000.

Trong thể thao, có những yếu tố chi phối khác ngoài kỷ năng và thể lực như tinh thần và tâm lý. Một yếu tố gần như gắn liền với các yếu tố tinh thần, tâm lý, và tính sáng tạo của mỗi cá nhân lẫn vận động viên chính là cá tính. Cá tính là tính cá nhân, tính riêng có, khác biệt, và duy nhất. Vì khác biệt và duy nhất, người ta đã luôn phải chịu áp lực từ xung quanh, phải bảo vệ sự khác biệt của mình, nhờ vậy mà tinh thần mạnh mẽ hơn, tâm lý vững vàng hơn, và ít lệ thuộc bởi sự tác động từ cộng đồng hơn, mà sự sáng tạo trước hết phải là sự khác biệt.

* Anh định đồng nhất rằng Li Na sau khi rời khỏi Liên đoàn Quần vợt Trung Quốc là một Li Na cá tính, còn trước đó thì không?

- Không! Chính xác hơn là Li Na sau khi ra đi là một cá tính được giải phóng. Còn trước đó là một cá tính bị kìm hãm. Trong sự bao bọc, với người cá tính yếu thì có cảm giác như được che chở, bảo vệ, còn với người có cá tính mạnh thì có cảm giác như bị cầm tù. Vì cái gì cũng có giá của nó. Sự bao bọc sẽ gắn với việc kiểm soát. Và đặc biệt nguy hiểm khi quyền kiểm soát rơi vào tay những kẻ thích lạm quyền nhưng lại vô trách nhiệm với nó.


Cá tính của Li Na được giải phóng chính là yếu tố làm nên một sự nghiệp thành công

Cái giá phải trả là sự kiềm chế cá nhân, ngăn chặn cá tính, qua đó ngăn chặn sự sáng tạo, và ngăn chặn quá trình hình thành những biểu tượng mà thành công của họ là nhờ cá tính.

* Điều đó đúng trong các môn thể thao nói chung hay chỉ trong môn tennis?

- Tôi tin rằng nó đúng trong mọi môn thể thao. Vì thể thao luôn cần đến tinh thần, tâm lý, và sự sáng tạo, mà cá tính chi phối các yếu tố đó. Nhưng các môn thể thao cá nhân sẽ bị cá tính quyết định nhiều hơn. Chẳng hạn với bóng đá, khi trạng thái tâm lý, tinh thần của anh không tốt, anh có thể chơi tròn vai bằng cách chơi đơn giản, sớm chuyền bóng cho đồng đội là xong. Đồng đội sẽ gánh vác trách nhiệm thay anh, nếu họ có thể.

Nhưng trong môn thể thao cá nhân như tennis, chẳng có ai gánh trách nhiệm thay anh cả, trong từng pha bóng. Tennis lại còn khắc nghiệt ở chỗ, HLV không được quyền chỉ đạo VĐV khi trận đấu đang diễn ra, buộc VĐV phải tự đứng trên đôi chân của mình, tự thích nghi, tự điều chỉnh.

* Anh cổ súy cho việc Li Na rời khỏi Liên đoàn Quần vợt Trung Quốc, chắc anh không định cổ súy cho việc Lý Hoàng Nam “chống lệnh” triệu tập lên tuyển tham dự vòng loại Cup Davis đấy chứ?

- Tôi không cổ súy cho việc chống lệnh của Hoàng Nam, nhưng cũng không cổ súy cho việc Liên đoàn Quần vợt Việt Nam trừng phạt khi Hoàng Nam chống lệnh.

Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cần thể hiện thái độ tôn trọng môn tennis với tư cách là môn thể thao cá nhân và là môn nhà nghề, và tôn trọng định hướng thi đấu chuyên nghiệp của Hoàng Nam bằng cách tôn trọng quá trình chuẩn bị, lịch trình thi đấu của Hoàng Nam. Nếu có ý định triệu tập Hoàng Nam lên đội tuyển, việc đó cần phải được thông báo với Hoàng Nam sớm, và có sự làm việc giữa hai bên để có một lịch trình chuẩn bị, thi đấu phù hợp cho cả hai, nếu Hoàng Nam có thiện chí. Nếu Hoàng Nam không lựa chọn việc thi đấu cho đội tuyển, đó cũng là việc cần được tôn trọng. Không phải năm nào Nadal, Federer cũng thi đấu cho đội tuyển quần vợt nước họ tại Davis Cup.

* Cảm ơn anh!

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN