TTVH Online

Thể thao Việt Nam và những thất bại đáng tiếc

23/09/2014 13:47 GMT+7

Không giống như ASIAD 16 năm 2010 tại Quảng Châu, ngay trong ngày thi đấu thứ hai ở Á vận hội năm nay, đoàn thể thao Việt Nam đã có chiếc HCV đầu tiên do công của võ sĩ wushu Dương Thúy Vi.

(Thethaovanhoa.vn) - Không giống như ASIAD 16 năm 2010 tại Quảng Châu, ngay trong ngày thi đấu thứ hai ở Á vận hội năm nay, đoàn thể thao Việt Nam đã có chiếc HCV đầu tiên do công của võ sĩ wushu Dương Thúy Vi.

Phải nói rằng đây là thành tích nằm ngoài mong đợi của thể thao Việt Nam, bởi trước ngày lên đường, Thúy Vi không nằm trong danh sách những VĐV trọng điểm có khả năng sẽ giành HCV tại ASIAD 17. Thêm nữa, ở 3 kỳ ASIAD gần nhất, thể thao Việt Nam chưa lần nào giành được HCV ở môn wushu.

Tuy nhiên, vui mừng với chiếc HCV bất ngờ của Thúy Vi bao nhiêu thì người ta lại tiếc nuối vì những chiếc HCV tưởng như đã nằm trong dự kiến lại bị vuột mất bấy nhiêu, mà ở đây chúng tôi muốn nói tới trường hợp các nam xạ thủ ở đội tuyển bắn súng và VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn.

Đây không biết đã là lần thứ bao nhiêu bắn súng Việt Nam để tuột mất huy chương vì sai sót ở thời khắc quyết định, và ở kỳ ASIAD gần nhất cách đây 4 năm, Hoàng Xuân Vinh chỉ cần bắn trúng bia là có HCV nhưng không hiểu sao xạ thủ kỳ cựu này lại bắn chệch đích và kết quả là bắn súng Việt Nam đánh rơi chiếc HCV trong gang tấc.

Một xạ thủ kỳ cựu như Hoàng Xuân Vinh còn mắc sai lầm như vậy nên không ai ngạc nhiên khi Nguyễn Hoàng Phương, xạ thủ trẻ mới lần đầu tiên tham dự ASIAD, đã không thể là chính mình ở loạt bắn quyết định ở chung kết và cuối cùng cũng chỉ có HCB.

Không mắc sai lầm ở thời khắc then chốt của cuộc chơi như bắn súng, Thạch Kim Tuấn lại hụt bước ngay ở lần nâng tạ đầu tiên, và sai sót này khiến cho Tuấn mất hẳn 1 lần nâng tạ quý giá để nâng cao thành tích, và cuối cùng cái giá phải trả là Tuấn lỡ hẹn với chiếc HCV.

Trong thể thao ngoài nỗ lực của VĐV thì luôn có yếu tố may mắn song hành, nhưng ở trường hợp của đội tuyển bắn súng hay Thạch Kim Tuấn thì không có chuyện may rủi ở đây, mà có lẽ đấy là sự khác biệt về mặt đẳng cấp. Sở dĩ nói thế là bởi nếu thường xuyên được trui rèn ở môi trường đỉnh cao, hẳn là Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Hoàng Phương hay Thạch Kim Tuấn sẽ có bản lĩnh tâm lý vững vàng hơn để luôn là chính mình ở những thời khắc quyết định, thay vì mắc sai lầm ở những lúc lẽ ra không bao giờ được mắc sai lầm.

Người ta thường hay sử dụng cụm từ “vượt lên chính mình” trong thi đấu thể thao chuyên nghiệp, nên khi VĐV không còn là chính mình thì thật khó để nói tới chuyện tranh giành thứ hạng cao nhất. Để giải quyết được vấn đề này không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai, mà phải là bài toán của cả tương lai lâu dài phía trước.

Thể thao Việt Nam bao năm qua hầu như chỉ trông cậy vào Hoàng Xuân Vinh và có quá ít những gương mặt mới như Nguyễn Hoàng Phương. Tương tự như thế, Thạch Kim Tuấn tuy mới ở tuổi 20 nhưng đã quá quen thuộc với các đối thủ ở khu vực cũng như châu lục, và chúng ta chỉ có thể có thêm nhiều cơ hội giành huy chương ASIAD nếu như có thêm thật nhiều Nguyễn Hoàng Phương hay Thạch Kim Tuấn nữa.

Những gì đã xảy ra với những niềm hy vọng vàng lỡ hẹn của thể thao Việt Nam ở ASIAD 17 khiến chúng ta không khỏi liên tưởng tới U19 Việt Nam, 1 trường hợp phải nói là hy hữu của bóng đá thế giới, khi 1 đội tuyển đang ở lứa tuổi U lại được quan tâm và hâm mộ hơn cả ĐTQG, trong khi cho đến lúc này U19 Việt Nam vẫn chưa có bất cứ danh hiệu chính thức nào.

Giá như không bao giờ chúng ta phải nói giá như, sau những thất bại khó quên của thể thao Việt Nam.

Quốc Công
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN