TTVH Online

Tác giả An Hạ: Siêu thực như môi đàn bà

14/09/2014 13:42 GMT+7

Đậm chất kỳ ảo lẫn siêu thực, được neo bám vào một cốt truyện có thể kể lại được, người viết trẻ sinh năm 1985 - An Hạ đã đứng được dù chênh vênh giữa cảm xúc và lý trí, trên mỗi trang viết của mình.

(Thethaovanhoa.vn) - Đậm chất kỳ ảo lẫn siêu thực, được neo bám vào một cốt truyện có thể kể lại được, người viết trẻ sinh năm 1985 - An Hạ đã đứng được dù chênh vênh giữa cảm xúc và lý trí, trên mỗi trang viết của mình. Tập truyện ngắn mới ra mắt của cô - Môi một người đàn bà (NXB Văn học), tiếp tục ghi dấu con đường sáng tạo không dễ dàng ấy.

Lấy tên cô con gái bé bỏng An Hạ làm bút danh, Nguyễn Thị Thu Hà, cái tên vừa nhắc tới đã thấy đậm chất nhân vật thục nữ đa đoan trong tiểu thuyết tình ái diễm lệ Việt Nam những năm 80-90 thế kỷ trước, như thể muốn cất đi số phận gieo khắc qua tên của mình.


Từ mớ chỉ rối đến sự điềm tĩnh

Nhưng thực tế thì An Hạ chạy trốn làm sao khỏi “nghiệp chướng” bởi chọn mộng văn chương. Không bão lòng, không dằn vặt, không khổ đau, không bấn loạn trong mớ cảm xúc lúc nào cũng chực vò nát tim, thì sao viết ra được những con chữ đạt điểm cơ độc tận cùng, làm cho người ta đọc xong chỉ muốn khóc.

Với cuốn tiểu thuyết đầu tay Những người tình cô đơn kỳ lạ của tôi, cảm giác khi đọc, An Hạ viết như chơi, mọi thứ nhẹ bẫng chẳng để lại gì ngoài những cảm xúc lan tràn nhưng chưa được phân tích rõ nét, như mớ chỉ rối nhằng nhịt không biết điểm gỡ nơi nào, thì đến tập truyện ngắn này, đã thấy sự trưởng thành điềm tĩnh nơi người viết.

Khó thể hiểu vì sao, người đàn bà khuôn mặt sáng bừng tươi nét phấn son, với mái tóc dài ôm hờ hững, cùng phục trang hàng hiệu bó sát tôn dáng vẻ gợi cảm, nụ cười thiết tha cùng dáng đi yểu điệu ấy, sao không chọn cuộc sống vui tươi hội hè tận hưởng thú vui của người đàn bà luôn biết làm mình đẹp… lại đâm đầu vào chữ nghĩa, rồi ngoài đau khổ dằn vặt ra, chẳng còn lại gì?

Sau thời gian trên giảng đường, dạy văn, dạy kinh nghiệm sống cho học sinh, bên những tất bật giải quyết đủ vấn đề sức khoẻ tinh thần, những chuyển biến tâm lý của lũ trò đang tuổi mới lớn, lo mưu sinh, một mình chăm chút hai con thơ bé bỏng, An Hạ lại ngồi lặng lẽ trong góc quán café của cô và chìm trong thế giới ngôn từ.

An Hạ là hình ảnh của một nữ văn sĩ mộng mơ ưa hưởng thụ, viết trên Macbook hay Ipad, đặt cùng Iphone đời mới nhất. Đồ uống cũng cần mang vẻ thẩm mỹ riêng. Khung cảnh cho việc viết cần cành cây xoà xuống, nắng hắt chiếu lên khoảng vàng loang chiều hay mưa bay xiên trong gió, nhạc cần nhẹ nhàng dìu dịu, không gian thoang thoảng mùi  hoa. Cứ thế, yểu điệu ngồi viết. Nhìn dáng vẻ của cô, tôi nghĩ, thể nào cũng là giọng văn đậm đặc diễm tình.


Lạc lõng giữa muôn mặt người

Vậy mà, tập truyện ngắn Môi một người đàn bà của An Hạ, làm tôi thực sự ngạc nhiên. Không kể những mẩu đối thoại rời rạc, xử lý chưa khéo, thì An Hạ đã tạo nên cho mình được giọng văn riêng, mềm mại dìu dịu mà không hoa mỹ, câu từ được chọn trong sự chừng mực cẩn trọng, sao cho diễn tả được những luồng xoáy tư tưởng cuôn trong trí não vô hình.

Điểm mạnh của An Hạ là diễn tả được nội tâm nhân vật hết sức tự nhiên. Mặc dầu điều ấy không dễ dàng. An Hạ viết văn bằng cảm xúc và được dẫn dắt bởi lý trí để không bị trượt đi quá xa khỏi các chi tiết cần kể. Sự hoang đàng, phiêu diêu, siêu thực dẫn dắt người đọc mà lại luôn có điểm nhấn nhá chừng mực. Và kết truyện thì rõ bất ngờ gọn gàng.

6 truyện ngắn Cái bóng ông chồng cũ, Gõ cửa thiên đường, Cái kính của gã bạn trai cũ, Những viên bi tuổi thơ, Gương mặt thành phố, Những bóng hình lấp loáng, kể ra những câu chuyện tưởng chừng rất bình thường như vẫn gặp hàng ngày ngoài đường. Đó là một bà vợ đi viếng đám tang ông chồng cũ, một cô gái đi dự đám cưới rồi lang thang quán bar, một mối tình tuổi 14 với những viên bi ve, một cô nàng ưa ngồi xé giấy trong quán café trung tâm thành phố… Để rồi tận sâu trong đó, là nỗi hoang hoải của những tâm hồn bị bỏ quên lạc lõng giữa muôn mặt người...

Rồi đến lúc,  thân phận nhân vật sẽ ảnh hưởng tới cuộc đời chính tác giả. Muốn dừng lại mọi nghiệp chướng từ việc viết, An Hạ cần biết cách đi qua đau khổ, lọc sạch những cảm xúc bấn loạn, tìm lại con người tự tại đầy sức mạnh bên trong mình.

Có được trang văn ấm áp sưởi ấm tâm hồn người đọc, mới thực sự là giá trị tích cực của văn chương.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN