TTVH Online

Toán trừu tượng rất cần

15/09/2014 16:19 GMT+7

Tuần này, có những con số đưa trên báo chí làm người ta mát hết cả gan lẫn ruột. 80% người dân được hỏi hài lòng với dịch vụ hành chính công, và 1,84% là tỷ lệ thất nghiệp trong quý 2...

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, có những con số đưa trên báo chí làm người ta mát hết cả gan lẫn ruột. 80% người dân được hỏi hài lòng với dịch vụ hành chính công (con số này đưa ra hẳn hoi có sự tham gia của World Bank), và 1,84% là tỷ lệ thất nghiệp trong quý 2 mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố.  (một chỉ số nức lòng dân).

Nói gì thì nói, so với châu Âu, tỷ lệ 1,84% thất nghiệp này thấp hơn hẳn nhiều lần so với nơi có một nền kinh tế khá ổn định là châu Âu. Còn Mỹ, trong thời điểm hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp là 6,2%.

Đương nhiên, hài lòng với dịch vụ công tỷ lệ cao như thế là bởi người ta mới hỏi ở ba tỉnh Phú Thọ, Bình Định, Thanh Hóa, mà chắc ba tỉnh này, người ta cũng chưa hỏi hết, nên sự hài lòng mới... thoải mái vậy. Nhưng 80% hài lòng với dịch vụ công nhiều hay ít chưa phải những con số mấu chốt. Một số cá nhân khi phải có việc liên quan đến dịch vụ hành chính công thường có biểu hiện manh động, chẳng hạn đánh người thi hành công vụ hoặc bị người thi hành công vụ đánh. Hậu quả rất nặng nề, báo chí vẫn đưa, chuyện ấy không mấy vui và tất yếu không ai tin vào con số 80% hài lòng dịch vụ công. 1,84% thất nghiệp mới làm người ta băn khoăn.

Con số thế là quá thể đẹp! Tỷ lệ thất nghiệp được người ta cho rằng là tấm gương phản ánh sức khỏe của một nền kinh tế. Đó là cơ sở tin cậy nhất và có thể là duy nhất để quốc hội, chính phủ, bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và bộ ngành, các tỉnh thành hoạch định chính sách cụ thể cho ngành mình và địa phương mình. Do vậy, 1,84% thất nghiệp là một tỷ lệ vô cùng lý tưởng, phản ánh một hệ số an toàn gần như tuyệt đối cho một quốc gia.

Người ta biết rằng tại một cơ sở đào tạo, nếu sinh viên ra trường mà 70% kiếm được việc làm thì kể như thành công ghê lắm. Các nhà quản lý giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề cứ yên tâm  rằng mình đang đào tạo đúng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, không cần phải cải tiến nữa (khỗ nỗi, người ta lại đang cải tiến rầm rộ). Rồi các cơ quan an ninh, bảo vệ xã hội không còn lo lắng gì nhiều nữa, bởi tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu đồng nghĩa với việc các tệ nạn xã hội sẽ giảm, như thế các giải pháp phòng ngừa sẽ không còn cấp thiết nữa. Ai ai cũng bận đi làm, thời gian đâu mà phạm tội.

Tóm lại, mát lòng thì mát lòng, nhưng mấy ai tin vào con số ấy!

Vấn đề được đặt ra rốt cuộc nằm gọn ở bậc tiểu học. Gần đây, sau chuyện cừu và thuyền trưởng, nền giáo dục bậc tiểu học nước nhà lại đưa ra những bài toán khó cực kỳ (nói thật, giải Phìu hay Nobel cũng đến ngồi mà khóc) bởi tính triết lý sâu đậm. Tuần vừa rồi là bài toán liên quan đến gà, của lớp 2. Vấn đề là 8X4 hay 4X8. Ai có con đang học tiểu học thì biết, đọc đề toán của chúng cứ như đang đọc kịch phi lý của Ionesco đầu thế kỷ 20.

Tập cho chúng quen những suy luận không liên quan đến số học cơ bản, chắc các nhà cải cách giáo dục muốn vậy. Quá tốt, còn gì chán bằng trên đời 2 cộng 2 bằng 4, 4 nhân 8 bằng 32 không thể giống 8 nhân 4, tuy cũng bằng 32.

Vả lại, học toán trừu tượng đi để còn hiểu những con số kiểu như 80% hài lòng dịch vụ công hoặc 1,84% thất nghiệp. Nói chung, toán trừu tượng rất chi là bay bổng và rất rất cần, có phải không?

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN