TTVH Online

Phía sau 'xác nhận' 5.000 USD của Trịnh Công Sơn

13/09/2014 09:02 GMT+7

Thời gian qua có nhiều tranh luận về độ xác thực hay giá trị pháp lý của giấy “xác nhận” bản quyền mà Trịnh Công Sơn viết gửi Khánh Ly ngày 22/5/2000. Chúng tôi muốn đề cập chi tiết hơn về hoàn cảnh của giấy “xác nhận” này.

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua có nhiều tranh luận về độ xác thực hay giá trị pháp lý của giấy “xác nhận” bản quyền mà Trịnh Công Sơn viết gửi Khánh Ly ngày 22/5/2000. Chúng tôi muốn đề cập chi tiết hơn về hoàn cảnh của giấy “xác nhận” này và vài tác động của nó đến tình văn nghệ vốn đẹp đẽ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

“Ân tình giữa ông Trịnh Công Sơn và tôi đã trải qua 50 năm, và nếu bây giờ chỉ vì một số tiền tác quyền, buộc tôi phải trưng ra bằng chứng cho phép của ông Trịnh Công Sơn, tôi thấy khó chịu vì nó có vẻ cạn tình cạn nghĩa quá. Nhưng mà rồi, tôi cũng phải làm vừa lòng gia đình ông Trịnh Công Sơn thôi”, Khánh Ly xót xa, dẫn theo phỏng vấn của Nguyễn Đỗ, báo Văn hóa.

Hoàn cảnh của “xác nhận”

Nhà biên kịch Sâm Thương cho biết Trịnh Công Sơn hiếm khi nào đề cập đến chuyện tiền bạc theo góc độ ít hay nhiều, chứ đừng nói phải viết nó ra giấy. “Khi Trịnh Công Sơn viết giấy này để gửi cho Khánh Ly, tôi có chứng kiến, con số 5.000 USD là do bạn bè bất chợt nghĩ ra, vì nghĩ cần con số cho có vẻ rõ ràng, chứ nó không phản ánh điều gì về giá trị tác quyền cả. Như là một thư ký bất đắc dĩ của Sơn, nhất là trong việc gửi email và thư từ, hình như đó là lần duy nhất tôi thấy bạn mình viết ra một số tiền như vậy”, Sâm Thương kể.


Bút tích của Trịnh Công Sơn về tác quyền cho Khánh Ly ngày 22/5/2000

“Hôm đó, hình như thứ Tư, ngày 21/6/2000. Vì buổi trưa tôi có mời Trịnh Công Sơn tới tòa soạn ăn tiệc chúc mừng ngày nhà báo Việt Nam, cùng anh Chánh Trinh và Lưu Trọng Văn, nhưng Trịnh Công Sơn hơi mệt xin khất. Đến chiều, Trịnh Công Sơn có mời tôi đến uống rượu tại 47C Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Tôi đến, đã thấy Nguyễn Quang Sáng, Từ Huy, Bảo Phúc và Trịnh Công Sơn. Trong cuộc rượu, nhắc đến Khánh Ly, thì Trịnh Công Sơn kể vừa làm giấy đồng ý cho Khánh Ly hát tất cả ca khúc của mình. Lúc ấy chưa áp dụng luật bản quyền gì, nên nhiều người thắc mắc. Trịnh Công Sơn giải thích là muốn tạo điều kiện để Khánh Ly tái bản hoặc thu âm mới toàn bộ ca khúc của mình, nhất là dòng ca khúc Da vàng. Đó cũng là lý do vì sao Trịnh Công Sơn ghi số tiền tác quyền là đô-la Mỹ, chứ không phải tiền Việt. Lúc ấy, tôi có thắc mắc vì sao lại là 5.000 USD. Trịnh Công Sơn nói: “Lần về Việt Nam gần nhất, Khánh Ly rất lo cho sức khỏe của toa. Khánh Ly khuyên hãy đi nước ngoài khám tổng quát, “Anh đi Singapore cũng được, em phụ anh 5.000 USD”. Toa cảm ơn cái tình ấy và dù chưa nhận vẫn ghi số tiền vào tờ giấy kia thôi!”. Nghe vậy, Nguyễn Quang Sáng gật gù ra vẻ tâm đắc: Mày hay đấy Sơn!”, nhà thơ - nhà báo Lê Thiếu Nhơn kể lại.

Cũng xin lưu ý một điều, sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (ngày 11/7/1995) thì nhiều luật của hai nước đã được áp dụng có tính liên thông. Và vấn đề tác quyền ca khúc của Trịnh Công Sơn đã xuất hiện tại Mỹ, bắt đầu có lùm xùm sau đó. Để tránh các lùm xùm này, ngày 16/8/2000, chính Trịnh Công Sơn đã ủy quyền việc kiểm soát bản quyền cho luật sư Trương Phú Hòa và cộng sự tại Mỹ. Trong giấy ủy quyền có đoạn: “Xin thông báo kể từ nay tất cả sáng tác của tôi, nếu không được sự đồng ý của chính tôi, hoặc luật sư đại diện của tôi thì mọi sử dụng coi như vi phạm và sẽ bị truy tố tối đa trước luật pháp”. Ngày 1/9/2000, luật sư Trương Phú Hòa ra bố cáo trên nhiều báo tiếng Việt của hải ngoại về điều này.

Trong email gửi Mai (tức Khánh Ly) đề ngày 31/1/2001, do Sâm Thương gửi, Trịnh Công Sơn viết: “Mai, anh đang nằm Bệnh viện Chợ Rẫy, nghe Thích bảo Mai có điện thoại về nhiều lần. Anh không biết cụ thể, nhưng nghe nói việc Hòa đưa chuyện đòi tiền Mai trên internet là KHÔNG ĐÚNG. Điều này nằm ngoài dự kiến của anh.

Trước đây, sau khi làm việc với Trương Phú Hòa, anh đã định nhờ Sâm Thương báo cho Trương Phú Hòa biết anh chỉ muốn có được sự hợp lý, nhưng đối với những người khác kia, còn với Mai thì không cần phải vậy. Nhưng chưa kịp làm thì đã nhận cái thư của Mai viết về, đọc xong anh rất buồn, nên quên mất cả ý định đó luôn. Vậy Mai cố gắng chờ đợi một vài hôm anh ra khỏi viện, tìm hiểu sự việc cụ thể sẽ viết thư chính thức cho Mai”.

Email trên đây cho chúng ta thấy nhiều điều phía sau, mà chuyện bản quyền chỉ là một phần trong đó.


Khánh Ly hát cho Trịnh Công Sơn và bạn bè nghe trong một cuộc gặp gỡ riêng tư. Những tình cảm văn nghệ vui tươi như thế này nay sẽ còn giữ được bao lâu?

Còn lại cho tình văn nghệ?

Theo nghiên cứu của Ban Mai trong sách Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng (NXB Lao Động, 2008) thì nhìn lại các đánh giá về Trịnh Công Sơn xưa nay, thấy có 3 hướng chính, đều tích cực. Trong đó có hướng này: “Hầu như các nhà nghiên cứu đều khẳng định Trịnh Công Sơn là một hiện tượng văn hóa lớn trong thế kỷ 20, ông không những là một tài năng lớn trong âm nhạc mà còn là một nhân cách lớn trong một bối cảnh Việt Nam đầy biến động”.

“Từ ngày 1/4/2001 đến nay, tôi chưa hề tổ chức đêm nhạc nào để tưởng nhớ ông. Tôi không phải và không thể kiếm tiền trên cái chết của một người tôi xem như một người cha, một người anh, một người bạn tri kỷ; mặc dù tôi rất nghèo. Tôi không tin rằng ông Trịnh Công Sơn chết là hết. Rất nhiều người và cả tôi đã không nghĩ như thế. Làm sao mà một con người như ông lại có thể… chết là hết. Mà nếu như chết là hết, thì sao còn đặt vấn đề tác quyền? Lại lôi kéo tôi vào chuyện này. Chẳng lẽ có người cũng muốn thấy tôi chết là hết hay sao”, Khánh Ly nói, dẫn theo phỏng vấn của Thoại Hà in trên VnExpress.net ngày 28/8/2014.

Chính Trịnh Công Sơn đã tâm niệm: “Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Điều này dễ thấy qua lời ca: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”.

“Theo tôi, nếu thực sự Khánh Ly là người luôn coi mình trên cả thân thiết về nhiều ý nghĩa với anh Sơn thì về phương diện tế nhị, văn nghệ…, không nên công khai bức thư này vào bất cứ lúc nào. Bởi vấn đề mấu chốt ở đây là số tiền bản quyền 5.000 USD, chính con số này làm nên rắc rối. Về hoàn cảnh của anh Sơn lúc bị bệnh tật - mà trước đó một năm có bác sĩ đã khẳng định là khó vượt qua được hai năm nữa - thì khả năng anh Sơn đang cần một số tiền nào đó là một thực tế và Khánh Ly cũng muốn giúp một số tiền nào đó cho anh Sơn là một thực tế. Tuy nhiên, hơn ai hết anh Sơn biết hoàn cảnh kinh tế của Khánh Ly không phải khá giả gì nên anh không thể nói chuyện tiền nong. Có lẽ chính vì vậy mà anh Sơn là người chủ động đưa ra thỏa thuận trên để cho lòng mình không vướng bận, vì bản tính của anh xưa nay chơi với ai cũng không bao giờ muốn người đó bị thiệt thòi. Khánh Ly cũng hơn ai hết hiểu điều đó, đành chấp nhận đề nghị của anh Sơn, chứ ngoài ra không có ý đồ nào khác”, nhà báo Lưu Trọng Văn chia sẻ.

Dẫn ra vài ý như vậy để thấy rằng trong giới văn nghệ, xét về danh lợi tình, có nhiều thứ quý giá hơn cái lợi, ví dụ như giá trị sáng tạo, tình văn nghệ chẳng hạn. Cũng nên nhớ rằng, vì bối cảnh lịch sử, khi mà đến 26/10/2004 Công ước Berne mới có hiệu lực tại Việt Nam, nên đông đảo giới văn nghệ Việt Nam thời bấy giờ lơ mơ chuyện bản quyền, cũng là điều bình thường. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp thì giấy xác nhận và email mà Trịnh Công Sơn đã gửi cho Khánh Ly là có ý nghĩa pháp lý, nên cái tình văn nghệ đẹp của họ càng nên được tôn trọng nhiều hơn nữa.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN