TTVH Online

'Có phải em mùa thu Hà Nội'

01/09/2014 07:03 GMT+7

'Có phải em mùa thu Hà Nội' như chiếc đồng hồ thời tiết đánh động mùa thu đang đến và lạ lùng thay, những người sáng tác nên nó lại chưa một lần đến đây.

(Thethaovanhoa.vn) - Đã hơn 40 năm kể từ ngày những vần thơ của thi sĩ Tô Như Châu ra đời và chắp cánh cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Quang Lộc dệt nên giai điệu, đến giờ, cứ khi tháng 8 mùa thu vừa chạm ngõ thì dường như ai cũng tự bật lên câu hát “Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ”. Có phải em mùa thu Hà Nội như chiếc đồng hồ thời tiết đánh động mùa thu đang đến và lạ lùng thay, những người sáng tác nên nó lại chưa một lần đến đây.

Hơn hai thập niên chờ tiếng chuông báo thức  

Có phải em mùa Thu Hà Nội nguyên thủy là bài thơ dài 320 chữ của thi sĩ Tô Như Châu sáng tác vào tháng 8/1970 tại Đà Nẵng. Tô Như Châu sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải (Sơn Trà, Đà Nẵng) và bài thơ này dựa trên cảm hứng về hình ảnh những cô gái Bắc di cư lúc ấy, xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Theo như lời thi sĩ kể lại khi còn sống, cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, ông rất mê những cô gái Bắc di cư, và đã mơ mộng về mùa Thu Hà Nội. Và hình ảnh của họ đã theo ông vào câu thơ bảng lảng sương khói mùa Thu cho dù chỉ là tưởng tượng “May còn chút em trang sức sông Hồng/Một sáng vào Thu bềnh bồng hương cốm/Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng”…


Nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh tại Quảng Trị nhưng có thời gian sống cùng gia đình tại Đà Nẵng và ở đây ông quen với người bạn Tô Như Châu khi cả hai cùng tham gia nhóm Hàn Giang. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc nhớ lại:  “Tôi nhớ hồi đó đang còn là sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, Khoa Sáng tác, gia đình tôi khi đó ở Đà Nẵng. Năm đó, tôi nghỉ hè về Đà Nẵng thăm nhà, gặp lại Tô Như Châu và anh ấy khoe có sáng tác một bài thơ về Hà Nội. Bài thơ đó dài lắm, cỡ 3 - 4 trang giấy gì đó. Khi đọc xong bài thơ, tôi chợt thấy một sự đồng cảm len lỏi trong lòng. Tôi nhớ lại những năm còn ấu thơ, khi ấy trong xóm có nhiều gia đình người gốc Bắc sinh sống. Tôi thích nghe cái giọng nhẹ nhàng mà ngọt ngào của những thiếu nữ Hà Nội. Đọc văn chương, tôi thường tưởng tượng đến những thiếu nữ Hà Nội xõa tóc đứng bên hàng dương liễu nói cười. Có phải em mùa Thu Hà Nội của tôi phổ thơ của Tô Như Châu ra đời ngay sau đó”.

Sự đồng cảm của hai tác giả đã cho ra đời một tuyệt phẩm. Cái hay của Trần Quang Lộc là đã “chắt” những vần thơ “đắt” nhất của Tô Như Châu cho vào một khuông giai điệu tuyệt đẹp với tiết tấu dàn trải, tự nhiên và lẫn thêm nhiều hư ảo. Những giai điệu quyện lấy ca từ và định dạng luôn trong vô thức của người nghe với những vần thơ rất dễ thấm: “Có bóng mùa Thu thức ta lòng sang mùa/Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn/Có phải em là mùa Thu Hà Nội/Ngày sang Thu anh lót lá em nằm/Bên trời xa sương gió bay”.

Năm 1972, ca khúc này chính thức ra đời và được nữ danh ca Thái Thanh thể hiện. Ít nhất, như tác giả của nó, đã hy vọng Có phải em mùa Thu Hà Nội sẽ được biết đến rộng rãi. Nhưng số phận sau đó của nó là… biến mất. Hai tháng sau khi phát hành, dù đã được phát trên sóng phát thanh nhưng cuối cùng Có phải em mùa Thu Hà Nội bị “thu hồi”. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể lại rằng sở dĩ ca khúc này không được phổ biến rộng rãi vì chính quyền cũ nhận thấy trong bài có một số lời “khá nhạy cảm” có hơi hướng tuyên truyền cho Cách mạng Tháng Tám, với những câu thơ như: “Tháng Tám mùa Thu lá khởi vàng chưa nhỉ/Từ độ người đi thương nhớ âm thầm”… và bản thân tác giả sau đó bị gọi lên chỉnh đốn.

Từ đó Có phải em mùa Thu Hà Nội tạm ngừng tỏa gió và chờ đợi một cuộc hồi sinh hơn 20 năm sau.


 Bài hát Có phải em mùa Thu Hà Nội

Hồi sinh

Tháng 5/1995 ca sĩ Hồng Nhung phát hành album thứ 4 của mình có tựa đề Chợt nghe em hát (10 tình khúc Lã Văn Cường - Trần Quang Lộc). Đối với nhiều nhà chuyên môn âm nhạc, album với phần hòa âm của Đức Trí có thể xem là một cuộc cách mạng khi đó, “vượt ra ngoài các khuôn sáo trước giờ, Bống đã thể hiện được gần như toàn bộ công lực thâm hậu của mình” (nhạc sĩ Quốc Bảo), “Mới lạ không chỉ nằm ở giai điệu mà còn ở nội dung ca từ, một cuộc cách mạng “thoát thai” ngôn từ, độc đáo đến lạ lẫm” (nhạc sĩ Tuấn Khanh). Trong số 10 ca khúc đó, Có phải em mùa Thu Hà Nội đã lần đầu xuất hiện sau hơn 2 thập niên và nó cũng làm nhiều người ngỡ rằng đây là một sáng tác mới của Trần Quang Lộc.

Ngay lập tức Có phải em mùa Thu Hà Nội trở thành bài “hit” và nằm trong Top 10 ca khúc hay nhất về mùa Thu Hà Nội. Ở đâu cũng mở bài hát này và album Chợt nghe em hát của Hồng Nhung bán chạy như tôm tươi. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc thừa nhận ông không ngờ bài hát sau này phổ biến lại rất thành công như vậy, “không chỉ trong nước mà ở ngoài nước người ta cũng hát rất nhiều”.

Năm 1997 bài hát này đứng đầu Top Làn Sóng Xanh gần 6 tháng. Đến năm 1998 nó một lần nữa được yêu thích đặc biệt qua tiếng hát Thu Phương khi cô phát hành album Thà làm hạt mưa bay. Năm 1999 với tiếng hát Thu Phương, bài hát được trao giải Ca khúc hay nhất trong năm của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Sau đó Có phải em mùa Thu Hà Nội được biết thêm qua tiếng hát Lam Trường, Tam ca 3A, Mỹ Linh rồi vang ra cả hải ngoại với tiếng hát Khánh Ly, Nguyên Khang, Ý Lan…

Mùa Thu Hà Nội cuối cùng cũng dành cho bài hát một cái kết đẹp. Nhưng cuộc đời của hai người bạn sáng tác nên ca khúc này sau đó ra sao? Họ tản mác mỗi người mỗi nơi. Nhà thơ Tô Như Châu sau đó trở thành nhân viên điện lực, rồi làm phát hành cho một tờ báo tại Đà Nẵng. Năm 2002, nhà thơ qua đời sau một cơn bạo bệnh. Còn nhạc sĩ Trần Quang Lộc gần như về ở ẩn tại một vùng quê cách Bà Rịa hơn 20 cây số.

Vào thời điểm trước năm 1975 khi Bắc-Nam chưa thống nhất cả hai người bạn đều nghĩ chẳng biết bao giờ mới đến Hà Nội. Và giờ đây cả hai cũng chưa từng nếm trải vị Thu Hà Nội. Ở nghĩa nào đó, như nhạc sĩ Trần Quang Lộc tâm sự, cả bài hát sẽ chùng xuống ở “Nghìn năm sau ta níu bóng quay về”…

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN