TTVH Online

Háp-pi bớt-đay Hai Bà

23/08/2014 08:05 GMT+7

Chuyện rất lạ và rất bí hiểm của tuần này là bỗng dưng, người ta quyết định tổ chức sinh nhật lần thứ 2.000 của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị.

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện rất lạ và rất bí hiểm của tuần này là bỗng dưng, người ta quyết định tổ chức sinh nhật lần thứ 2.000 của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị.

Căn cứ để tổ chức sinh nhật lần đầu sau 2.000 năm này là một câu xanh rờn: Sử có chép! Nhưng sử nào chép? Trong ngọc phả? Trong hồ sơ di tích cho việc công nhận di tích đền Hai Bà ở Mê Linh có ghi: Hai vị nữ vương sinh vào ngày 1/8... Mà hồ sơ, bên tổ chức khẳng định là đã có hội đồng khoa học thẩm định. Còn một số nhà khoa học (có nhẽ không có chân trong hội đồng, dù là nhà khoa học đầu ngành) thì thảng thốt bởi lẽ xưa nay, nghiên cứu lịch sử của mình hóa ra thiếu sót. Mà thiếu sót này hẳn hoi là... thiếu sót. Nên cứ trình bày mãi việc không thể dựa vào huyền sử, với lại xưa nay ai lại đi làm sinh nhật danh nhân trong cổ sử!? Chỉ có người đương đại tầm thường, giấy tờ có nền hành chính tầm thường làm căn cứ, mới dám tin sinh đúng ngày hay không đúng ngày. Chứ 2.000 năm trước, lúc sinh Hai Bà, đã chắc đâu việc Hai Bà sẽ lãnh đạo khởi nghĩa để biên lại năm tháng cho chính xác.

Đến tên ông Thi, chồng của bà Trưng chị, sử chép nhầm thành Thi Sách, rồi vì nhầm nên cứ để yên tên Thi Sách, nghĩa là tên chồng của Bà Trưng Trắc còn có thể sai, thì ngày sinh bà thật khó đúng. Rồi việc Hai Bà là một cặp song sinh nữa, nghe cũng khá mơ hồ, chẳng biết sử chép rõ không, nếu không phải song sinh, lại đi tổ chức cùng ngày cũng là việc rất khó nói có đảm bảo sự kính trọng cần thiết hay không hay cũng chỉ kính trọng hàm hồ.

Cái khó của chúng ta, bà chủ quán nói, là không biết chắc việc phản đối tổ chức lễ sinh nhật Hai Bà là đúng hay sai. Nếu đúng là sinh nhật Hai Bà, biết thêm một ngày nữa để kỷ niệm, để tưởng nhớ công đức cũng chẳng thừa. Mà sai, sai dễ lắm (ngày sinh, làm sao chính xác được, khối cụ tầm tuổi 70 bây giờ, không có ý định sửa lý lịch để hãm bớt ngày nghỉ hưu cũng khó nói đúng ngày sinh của mình cơ mà. Cái nền hành chính nước nhà trải qua nhiều cuộc đấu tranh hiện vẫn đang non trẻ và cần sửa đổi, rồi công tác tư liệu mấy ngàn năm yếu kém) thì cũng chẳng có gì phải tranh luận nhiều, vì sai chắc đi nữa, các nhà tổ chức vẫn làm. Là bởi có lý do nào đó khiến họ thấy cần làm. Ngoài chuyện tổ chức tốn kém một chút, lãng phí cũng vài chút, thì lý do cho lễ sinh nhật 2.000 tuổi hẳn phải dựa trên điều gì đó thánh thần, người trần mắt thịt không thể hiểu...

Nói tóm lại thế này, các nhà tổ chức có một lý do nào đó hơn lý do chúng ta vẫn nghĩ là tìm cách để tiêu tiền, nên quyết tổ chức sinh nhật Hai Bà. Và vì cái lý ấy, họ có thể làm bất cứ cái gì, kể cả việc bất chấp sự thật lịch sử. Có người bảo: Thôi thì vì lòng tôn kính với hai vị nữ vương rất đáng tôn trọng trong lịch sử, chúng ta không tìm hiểu thêm nữa về những lý do ấy. Cứ coi như lòng thành tưởng nhớ, còn việc bày trò là việc người ta.

Bây giờ thiếu gì cách để bày, nghe nói tranh dân gian Đông Hồ cũng sắp có 60 tỷ để bảo tồn. Nghĩ đến chuyện có người lo cách tiêu tiền nhân danh văn hóa thấy họ cũng vất vả chứ chẳng dễ ăn như nhiều lĩnh vực khác. Cứ nghĩ thế này cho lành: chúc mừng sinh nhật Hai Bà!

May Hai Bà người cổ, chứ như người hiện đại, phải có bánh ga-tô và nến cho ra lễ sinh nhật, thì 2.000 cây nến cũng ngại phết. Không cẩn thận thành ra đám cháy to…

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN