TTVH Online

Chuyện về các loài chim

18/08/2014 10:32 GMT+7

Dạo trước, chợ đầu mối phía Nam quận Hoàng Mai chưa có khoảng rộng như bây giờ chuyên để bán chim và các loại thức ăn dành cho chim.

(Thethaovanhoa.vn) - Dạo trước, chợ đầu mối phía Nam quận Hoàng Mai chưa có khoảng rộng như bây giờ chuyên để bán chim và các loại thức ăn dành cho chim. Một buổi sớm lọ mọ đi chợ đầu mối, khách uống chè kể thế, tự dưng lạc vào một chốn rất nhiều sâu bọ cào cào... Cứ tưởng đồ ăn rẻ cho người, hóa ra đồ ăn đắt cho chim...

Gớm, cứ gì vào chợ đầu mối mới thấy, một ông khách khác bảo. Hà Nội thiếu gì chỗ bán cào cào, châu chấu, dế mèn. Đường Kim Ngưu chỗ chợ Mơ tạm hay đoạn phố Hoàng Hoa Thám gần chợ Bưởi, cứ đi qua mà xem. Lâu nay, thực phẩm cho chim phát triển chẳng kém thực phẩm cho người. Người ta chơi chim nhiều lắm. Ngoài mấy cái câu lạc bộ sơn ca họa mi gì đó định kỳ họp nhau uống cà phê nghe chim hót một cách tao nhã thì còn có một số nhóm vẫn họp nhau để khoe chim, ngày càng đông thành viên ở những nhóm này. Thấy bảo nhiều nhà, ông chồng cưng chim cảnh đến nỗi vợ phát ghen. Phát ghen thì có mỗi việc là thò tay vào lồng chim, trong cổ tích Tấm Cám có dạy rồi, vàng ảnh vàng anh, chim không kịp bay là... chết bẹp.

Nói chung, từ xưa đến giờ, ứng xử của người với loài chim thật ra vẫn chỉ là nuôi để nghe hót, để buôn bán, để chơi, nuôi để làm thịt và nuôi để bán cho người ta thả lên giời… Mấy cách đó đều phổ biến như nhau. Con người nuôi chim kiểu gì cũng lợi, còn chim bị người nuôi kiểu gì cũng thiệt.

Nói thế chẳng có gì ngoa. Qua mùa rằm tháng 7, chẳng ai tính bao nhiêu chú chim nhỏ được thả về trời nhờ những phật tử dốc lòng từ bi làm việc phóng sinh. Cũng chẳng ai tính bao nhiêu chim nhỏ đã chết để đáp ứng nhu cầu từ bi này. Trên mạng có một clip về kỹ thuật bẫy chim sẻ, vừa đơn giản vừa thương tâm. Chim chóc bị bẫy để nhốt, bán...

Đã có cầu thì ắt có cung. Nếu là chim, thì mùa Vu lan ắt được mang tên là mùa tang tóc. Chim từng bầy bị nhốt, trước khi về được trời phân nửa số chim dính bẫy chết không kịp hót tiếng hót cuối cùng. Đấy là chim nhỏ, yếu. Chim to hơn thì chẳng mấy ai đem phóng sinh, cứ thản nhiên vặt lông làm mồi nhậu. Nhiều khi trên phố vết máu ròng ròng từ những con chim bị vặt lông sống, bán từng xâu... Chim hót trong lồng, chim trên bàn nhậu và chim thả về trời, nói cho cùng số phận không khác nhau là mấy. Nói chung, riêng về chuyện các loài chim, con người mắc nợ thiên nhiên nhiều lắm.

Thế, cũng chưa phải là hết, trên mạng dạo này xôn xao việc trong cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú có những đoạn ướt át như sau: “Nàng nằm xuống thảm cỏ để mặc cho con chim cọ xát vào người, cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả thân nó chà xát mãi vào thắt lưng nàng, cái mỏ hơi bẹt của nó cứ dũi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng...khiến nàng không sao nhúc nhích được cứ nằm mãi như hóa đá”.

Đoạn văn này được đem ra mổ xẻ cho là nhạy cảm về mặt giới tính đối với trẻ em. Nhưng mấy hôm nay, người ta bảo cái đoạn ấy thật ra có trong thần thoại, chỉ là copy, paste từ chuyện cổ tích. Khổ trẻ con thế đấy, đọc một đoạn như vậy, vừa phải căng óc tưởng tượng, vừa phải phân biệt phần nào là thần thoại, phần nào là cổ tích - rồi còn được thêm lời khuyên từ các nhà văn hóa rằng sách độc cũng như thực phẩm độc, đọc thì phải biết lựa chọn. Có khái niệm “khách hàng thông thái” thì cũng nên có khái niệm “khách đọc thông thái”.

Nghĩ cứ rưng rưng, thương cả trẻ con lẫn các loài chim!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN