TTVH Online

Dấu xưa thành Đồ Bàn

02/08/2014 18:30 GMT+7

Đúng như thi sĩ Chế Lan Viên từng viết: 'Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở/ Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe/ Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ/ Tan dần trong yên lặng của đồng quê…' - nay dấu xưa của thành cũng lặng yên như thế.

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như thi sĩ Chế Lan Viên từng viết: “Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở/ Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe/ Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ/ Tan dần trong yên lặng của đồng quê...”, nay dấu xưa của thành cũng lặng yên như thế.

Thành Đồ Bàn (chính tên Vijaya, còn gọi là Chà Bàn) là kinh đô rất nổi tiếng của vương quốc Chămpa, tồn tại từ thế kỷ 10 đến 15. Nhiều sử sách xưa có đề cập đến thành này như Đồ Bàn ký, Doanh nhai thắng lãm, Thiên Nam tứ chí lộ đồ, Lê Quý Dật sử…

Ngày nay thành có tên là Hoàng Đế, thuộc xã Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định, cách trung tâm Quy Nhơn chừng 23- 27 km về hướng Tây Bắc. Quần thể hỗn hợp này được công nhận di tích quốc gia từ năm 1982.

Thành được xây dựng từ năm 982, dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya, hùng mạnh đến năm 1471 thì thất bại trước thủy - lục quân của vua Lê Thánh Tông, rồi bị phá hủy hoàn toàn.

Năm 1776 (hoặc 1778), Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế, xây dựng thành và đóng đô tại đây, nên gọi là Hoàng đế thành. Năm 1799, nhà Nguyễn chiếm đóng, đổi tên là thành Bình Định.

Thành gồm 3 lớp: Thành ngoại có chu vi khoảng 7 km, thành nội khoảng 1,6 km, và “tử cấm thành” khoảng 600m, tường cao chừng 3m. Sau khi chuyển thủ phủ về thành Bình Định, vua Gia Long cho phá thành cũ để lấy vật liệu xây thành mới.

Nay dấu xưa thành Đồ Bàn khá mờ nhạt, chỉ còn bãi đất trống cùng vài di chỉ khảo cổ học. Mở rộng tầm nhìn hơn, thì xung quanh còn hào cạn, còn gò Thập Tháp, tháp Cánh Tiên... Về mặt xây dựng, dấu xưa còn lại theo phong cách của triều đình nhà Nguyễn. Từng có tượng rắn, tượng quái vật, về sau này còn nhìn thấy 5 con nghê đá và 2 voi đá - những di vật của nghệ thuật Chămpa - nhưng nay chỉ còn lại 1 con nghê.

Gọi đây là di tích hỗn hợp vì đã trải qua nhiều lần đổi thay, xây dựng trùng lấp như vậy, và cũng vì trong thành có cả lăng mộ và đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (nay đã cải táng về Phù Cát) - hai vị tướng tuẫn tiết tại đây. Trong đền Song Trung có một liễn thờ năm Bảo Đại 19, do Tổng đốc Bình Thuận là Bửu Trưng phụng cúng, khắc 4 chữ “Khí tác sơn hà” (tạm dịch: Bừng lên hào khí núi sông).

Như Hà

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN