TTVH Online

Malaysia Airlines - học hồi sinh từ tro tàn

28/07/2014 07:31 GMT+7

Bất kỳ hãng hàng không nào trên thế giới cũng sẽ gặp khó khăn khủng khiếp nếu bị rơi một chiếc máy bay chở đầy khách, đặc biệt là trong bối cảnh hãng đã thua lỗ triền miên suốt nhiều năm.

(Thethaovanhoa.vn) - Bất kỳ hãng hàng không nào trên thế giới cũng sẽ gặp khó khăn khủng khiếp nếu bị rơi một chiếc máy bay chở đầy khách, đặc biệt là trong bối cảnh hãng đã thua lỗ triền miên suốt nhiều năm.

Nhưng việc mất liền 2 chiếc máy bay chỉ cách nhau có vài tháng đã đẩy Malaysia Airlines (MAS) tới miệng hố sụp đổ tài chính, theo nhận xét của các chuyên gia hàng không.

Chỉ sống được 6 tháng nữa?

MAS hiện đang chật vật đối phó với nhiều năm suy giảm lượng khách đặt chỗ và đang lỗ nặng khi chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 của họ bị mất tích trong ngày 8/3 cùng 239 hành khách. Biến cố đã gần như đẩy hãng vào một cú rơi tự do không có điểm dừng.

Việc chiếc Boeing 777 thứ 2 mang số hiệu MH17 bị rơi ở Ukraine làm 298 người thiệt mạng đã tiếp tục xát muối vào những vết thương đã hoại tử đó.


Tương lai Malaysia Airlines đang hêt sức u ám sau 2 vụ tai nạn lớn

"Thực tế đau khổ của Malaysia Airlines sau vụ MH17 là chính quyền không có một kế hoạch đối phó tức thời nào. Mỗi ngày trôi qua sẽ càng làm tăng thêm khả năng tự hủy hoại và cuối cùng là cái chết của hãng" - Shukor Yusof, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn hàng không Endau Analytics có trụ sở ở Malaysia nhận xét với hãng tin AFP.

Shukor nói rằng MAS đang thua lỗ từ "1-2 triệu USD mỗi ngày". Theo ước tính của ông về lượng dự trữ tài chính của MAS thì hãng chỉ trụ được thêm chừng 6 tháng nữa mà thôi.

Hình ảnh là tất cả

Mặc dù thảm kịch MH17 nằm ngoài khả năng kiểm soát của MAS vì chiếc máy bay đã trúng tên lửa khi đi qua miền Đông Ukraine, nhưng hoạt động đặt vé của hãng chắc chắn sẽ giảm sút rất mạnh giống như sau vụ MH370.

"Tôi sẽ không bay tới Malaysia trong mấy năm nữa, trừ phi Malaysia Airlines có hành động hoặc làm điều gì đó trong tương lai để người ta cảm thấy an tâm hơn" - Zhang Bing, một người Trung Quốc đang sống ở Bắc Kinh nói với AFP.

Jonathan Galaviz, một đối tác trong công ty tư vấn du lịch Mỹ Global Market Advisors nói: "Thật không may cho Malaysia Airlines, các khách hàng quốc tế giờ xem hãng đồng hành cùng thảm họa" - ông nói.


Một tấm biển ghi đầy những lời cầu nguyện gửi tới các nạn nhân MH370

Nhiều chuyên gia đã phỏng đoán rằng, công ty đầu tư nhà nước Khazanah Nasional, nơi sở hữu 69% hãng hàng không, sẽ thôi niêm yết cổ phiếu MAS trên sàn chứng khoán. Việc này sẽ tạo tiền để để MAS bắt đầu triển khai các hoạt động cắt giảm chi phí đầy đau đớn, bên cạnh các cải tổ quan trọng khác.

Giới phân tích lâu nay đánh giá hoạt động quản lý tồi, sự can thiệp từ chính quyền, một lực lượng lao động quá cồng kềnh, cộng với sự chậm chạp trong đổi mới đã khiến MAS không thể duy trì được tính cạnh tranh.

Từ năm 2011 tới năm 2013, hãng mất tổng cộng 4,1 tỷ ringgit (1,3 tỷ USD). Hãng tiếp tục lỗ thêm 443 triệu ringgit trong quý đầu năm nay, do tác động từ vụ MH370 tới hoạt động đặt vé.

Khazanah hiện từ chối bình luận về các kế hoạch tương lai của MAS. Tuy nhiên trong bài viết cho tờ Telegraph của Anh, giám đốc thương mại MAS là Hugh Dunleavy khẳng định hãng sẽ "vượt qua thảm kịch và trở lại mạnh mẽ hơn".

Dunleavy cũng viết rằng chính quyền Malaysia đã bắt đầu xem xét tương lai của MAS. Hoạt động đánh giá lại này đã bắt đầu ngay sau vụ MH370. "Đã có vài lựa chọn được đặt lên bàn, nhưng tất cả đều liên quan tới việc tạo ra một hãng hàng không có mục đích hoạt động vừa vặn hơn với kỷ nguyên mới" - ông viết - "Với sự ủng hộ lớn từ chính quyền Malaysia, chúng tôi tự tin vào sự phục hồi của mình, cho dù chưa rõ hãng sẽ mang dáng dấp ra sao trong tương lai".

Vươn lên từ tro tàn

Các chuyên gia nói rằng nhiều hãng hàng không khác cũng đã vươn lên từ tro tàn và bài học của họ sẽ có nhiều giá trị tham khảo cho MAS.

Ví dụ Hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia từng chìm trong hàng loạt vấn đề hồi những năm 1990 và đầu những năm 2000, gồm các khoản nợ lớn và vụ sát hại một nhà hoạt động nhân quyền trong một chuyến bay hồi năm 2004. Ngoài ra Garuda còn đối mặt với nhiều vấn đề về an toàn, bao gồm vụ rơi một chiếc máy bay tại đảo Sumatra trong năm 1997 làm 234 người thiệt mạng. Đó vẫn là thảm họa hàng không chết chóc nhất của Indonesia tính tới nay.

Năm 2005, cựu giám đốc ngân hàng Emirsyah Satar được chỉ định vào ghế điều hành Garuda để xoay chuyển vận mệnh của Hãng. Ông đã lập tức triển khai hàng loạt biện pháp để phục hồi khả năng sinh lãi của Hãng. Kết quả là tới năm 2010, Hãng được công ty tư vấn Skytrax đánh giá là hãng hàng không có nhiều tiến bộ nhất thế giới.

Tương tự, Korean Air đã có một giai đoạn bất ổn trong những năm 1980 và 1990, khi Hãng để xảy ra vài vụ tai nạn làm hơn 700 người thiệt mạng. Hãng lập tức triển khai nhiều biện pháp cải cách mạnh, trong đó đáng chú ý là việc thuê David Greenberg cựu Phó chủ tịch hãng Delta Air Lines, trong năm 2000. Chính David là người đã cách mạng hóa các quy trình hoạt động và đảm bảo an toàn của Hãng. Korean Air giờ là một trong những hãng hàng không được nể trọng nhất thế giới.

Theo Shukor, chính quyền Malaysia và Khazanah chắc chắn sẽ đối diện với "cả núi công việc" nếu muốn khôi phục, chấn hưng MAS. "Cái tên của Hãng giờ đang đồng nghĩa với thảm họa, quản lý tồi, thiếu kỷ luật và hàng loạt yếu tố tiêu cực khác" - ông nói.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN