TTVH Online

Liên tiếp thảm họa hàng không: Phải 'điều trị' nỗi sợ bay thế nào?

27/07/2014 08:58 GMT+7

Sau 3 vụ tai nạn hàng không lớn diễn ra trong 1 tuần, với máy bay rơi ở Ukraine, Đài Loan và rồi Mali khiến hàng trăm người chết, không khó hiểu khi nhiều hành khách cảm thấy run sợ mỗi lúc bước lên máy bay.

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 3 vụ tai nạn hàng không lớn diễn ra trong 1 tuần, với máy bay rơi ở Ukraine, Đài Loan và rồi Mali khiến hàng trăm người chết, không khó hiểu khi nhiều hành khách cảm thấy run sợ mỗi lúc bước lên máy bay.

Trong lúc chờ nhập cảnh tại Sân bay Charles De Gaulle ở Paris trong ngày 25/7, vận động viên Thái Lan Thapanat Rueangmanee, 25 tuổi, thừa nhận cô "hơi lo lắng, giống hầu hết bạn bè của mình". 


Nỗi sợ đi máy bay đã tăng mạnh sau hàng loạt vụ tai nạn hàng không gần đây

An toàn thành mối quan tâm lớn

Thapanat đã tới thủ đô Pháp để dự một hội nghị của các vận động viên và khi trở về, cô sẽ chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng máy bay. "Chúng tôi không thể đi bằng tàu biển" - cô chia sẻ.

"3 vụ tai nạn một tuần là quá nhiều. Nhưng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, phải không?" - Hadjera Akli, 24 tuổi, người tới Pháp từ Algeria để thăm gia đình, nói với AFP một cách không tự tin.

Trên các diễn đàn mạng, dư luận về cơ bản là không được bình tĩnh như thế - nỗi sợ bay đã xuất hiện lan tràn như một cơn bão lớn.

Yoco, người sẽ bay tới Seoul, Hàn Quốc, trong tháng 8 này nói trên trang crash-aerien.aero rằng cô vốn rất yên tâm với việc đi lại bằng máy bay. Tuy nhiên các biến cố mới đã khiến "nỗi hoảng sợ trở lại" trong cô.

"Vậy là có thêm một vụ rơi máy bay nữa chưa được xác nhận à? Tôi sẽ bay từ Atlanta tới Chicago vào ngày mai. Không biết tôi có đến đích được hay không" - một hành khách giấu tên khác viết trên trang fearofflying.com - "Tôi đã thực hiện tất cả các bài 'tập luyện', nhưng chuyện này thật quá mức rồi... Ai đó cứu tôi với!".

"Đôi tay tôi đang run lẩy bẩy trong lúc này, tới mức khó để gõ phím" - một người khác viết trên fearofflying.com - "Đây (vụ rơi máy bay ở Mali) là tai nạn thứ 4 liên quan tới máy bay chở khách trong 6 tháng qua. Một chiếc vẫn mất tích, một chiếc bị bắn hạ, một chiếc rơi vì thời tiết xấu và giờ là vụ này. Và chỉ riêng tuần này đã có tới 3 vụ rơi máy bay!"

Ngay cả Tony Tyler, Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng buộc phải thừa nhận hôm 25/7 rằng "sau 3 thảm kịch diễn ra trong thời gian quá ngắn, rất nhiều người đang chất vấn về an toàn hàng không".

Ở nhà nguy hiểm hơn 11 lần so với đi máy bay

Mỗi khi có vụ tai nạn rơi máy bay, điện thoại tại Trung tâm điều trị nỗi sợ bay ở Pháp lại rung lên. "Các khách hàng cũ gọi đến cho chúng tôi vì họ lo lắng và có các câu hỏi muốn được giải đáp" - Xavier Tytelman, Chủ tịch Trung tâm kiêm cựu phi công quân đội cho biết - "Chúng tôi cố gắng đưa cho họ những lời giải thích, giúp họ giữ được khoảng cách với những gì đang xảy ra".

Mỗi năm, thường có vài trăm người phải tới điều trị ở Trung tâm, tính từ lúc nó được khai trương cách nay 7 năm. Mỗi khóa điều trị tốn khoảng 580 USD, thường do chủ lao động của các bệnh nhân trả.

Theo Tytelman, nỗi sợ bay có thể là "cái phanh hãm đà thăng tiến sự nghiệp" của người ta. "Một số người thậm chí còn bỏ việc vì họ phải bay tới nơi làm. Số khác khiến thân nhân khổ sở. Không ít người di cư để kiếm việc đã không dám về quê trong nhiều năm vì sợ bay" - ông nói.

“Khả năng một người thiệt mạng khi đi máy bay chỉ là 1/11 triệu, thấp hơn 6 lần so với việc bị lừa đá chết hoặc bị vợ/chồng sát hại” (Grant Amos, chuyên gia tâm lý của tổ chức Flying Without Fear)
Các bác sĩ tâm lý thường sẽ giúp bệnh nhân xử lý nỗi sợ, đặc biệt là các suy nghĩ tiêu cực hình thành trong tâm trí họ, thông qua các bài tập như luyện thở. "Chúng tôi phải loại bỏ tất cả những thứ họ nhìn thấy trên báo chí và trong phim ảnh" - Tytelman nói. Ông khẳng định rằng, rủi ro từ tai nạn máy bay thực sự không lớn như người ta tưởng - "Thường tại các vụ tai nạn hàng không, tỷ lệ sống sót là 50%. Trong khi đó một chiếc xe hơi dù di chuyển với tốc độ chỉ 40km/h vẫn có tỷ lệ tử vong tới 80% nếu gặp tai nạn".

Chung quan điểm, các chuyên gia đều cho rằng máy bay là phương tiện đi lại hiện đại, tiện lợi và đặc biệt an toàn. Grant Amos, chuyên gia tâm lý của tổ chức Flying Without Fear, nói rằng khả năng một người thiệt mạng khi đi máy bay chỉ là 1/11 triệu, thấp hơn 6 lần so với việc bị lừa đá chết hoặc bị vợ/chồng sát hại. Ở trong nhà thậm chí còn nguy hiểm hơn 11 lần so với việc bước chân lên máy bay.

Sợ là lẽ tự nhiên

Các chuyên gia cũng đánh giá nỗi sợ máy bay hình thành từ việc bộ não tiếp nhận thông tin thực tế, sau đó thổi phòng nó lên. "Bạn bắt đầu bằng việc lo sợ vu vơ. Rồi bạn tự thuyết phục mình rằng nỗi sợ là chính xác" - George Everly, một chuyên gia tâm lý tại Trung tâm y tế Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland cho biết - "Một khi bạn hỏi mình câu: chuyện gì có thể xảy ra, bạn sẽ tự tạo một bộ phim kinh dị trong đầu và dẫn tới nhiều hành vi kỳ cục khác" - ông nói.

Còn theo Martin Seif, một nhà tâm lý tại Trung tâm điều trị lo lắng và mất trí ở bệnh viện White Plain (Mỹ), dù có thành tích an toàn cực cao, việc đi lại bằng máy bay luôn khiến người ta phải đối diện với nhiều nỗi sợ cùng lúc. "Nỗi sợ độ cao, sự căng thẳng khi tiếp xúc với người lạ, nỗi sợ từ việc phải ở trong không gian chật hẹp. Rất nhiều yếu tố như thế…" - Saif nói. Trong tình huống có thảm họa  hàng không xảy ra, các nỗi sợ đó tăng lên gấp bội.

Theo Seif, những người sợ máy bay nên đọc ít tin tức về tai nạn hàng không hơn để giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi. "Có một quy tắc chung là đọc tin tức (tai nạn) một lần và không xem đi xem lại" - ông nói.

Tuy nhiên Seif không khuyến khích người ta ngừng hoàn toàn việc đọc tin. "Nếu bạn chẳng biết tin và ngồi một chỗ tưởng tượng chuyện đã xảy ra thì hậu quả còn tồi tệ hơn việc bạn đọc và nắm rõ thông tin" - ông nói.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN