TTVH Online

Bóng đá Việt Nam chống tiêu cực: Chờ tập n...

26/07/2014 15:58 GMT+7

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thể hiện quan điểm VFF ủng hộ hết mình cuộc chiến chống tiêu cực và việc hàng loạt cầu thủ Đồng Nai bị bắt chỉ là “tập 2”, sau “tập 1” là vụ Ninh Bình.

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thể hiện quan điểm VFF ủng hộ hết mình cuộc chiến chống tiêu cực và việc hàng loạt cầu thủ Đồng Nai bị bắt chỉ là “tập 2”, sau “tập 1” là vụ Ninh Bình.

Thực ra, nếu tưởng tượng chống tiêu cực ở bóng đá Việt Nam từ các cấp là bộ phim dài tập, thì bây giờ không phải mới là tập 2. Và, nếu có tập thứ… n mà không giải quyết được giá trị cốt lõi, tức làm ráo riết, triệt để, đồng bộ từ trên xuống dưới, dám dừng giải VĐQG, dám hy sinh vài ba lứa cầu thủ cho ĐTQG, thì e rằng không bao giờ chấm dứt được cảnh bóng đá nước nhà vừa đá vừa nơm nớp lo sợ vỡ giải, từ những vụ tương tự như Đồng Nai.

Những người am hiểu bóng đá nội, từng một thời nhớ đến bản danh sách đen được coi là hơn 100 quan chức, cầu thủ dính líu đến tiêu cực. Đã có những hy vọng, chờ đợi bản danh sách đó được khui ra, để cắt bỏ triệt để khối u của bóng đá Việt Nam buổi đầu lên chuyên, rốt cuộc không có cuộc đụng dao kéo nào cả.

Trước thềm SEA Games 22, ĐT U23 QG có vấn đề tại giải giao hữu, rốt cuộc chỉ có Như Thành bị xử lý, không thể giải tỏa thắc mắc còn cầu thủ nào nữa không, ngoài Như Thành.

Nếu lần đó, VFF quyết tâm làm tới bến, liệu có vụ án bán độ tại SEA Games ở Bacolod 2 năm sau đó? Rồi trận chung kết SEA Games 2009 và nhiều giải sau đó các ĐTQG cũng dẫy nên nghi ngờ là có vấn đề. Tất cả đều được lý giải thuần túy do chuyên môn.

Ở cấp đội CLB, trận đánh tiêu cực nhắm vào trọng tài, một số quan chức năm 2005 được xem cũng chưa triệt để. Tình trạng tiêu cực ở V-League lẫn giải hạng Nhất do đó như căn bệnh nhờn thuốc, phát triển thách thức dư luận.

Đánh chuột không thể sợ vỡ bình quý. Giải VĐQG đã tốn quá nhiều tiền sau 14 mùa để đổi lại quá nhiều giá trị ảo. Lòng kiên nhẫn, sự vị tha của xã hội dành cho nhiều thế hệ cầu thủ dính chàm cũng đã quá đủ.

Cho dù giải đã gần hết, vậy những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam (và cả các CLB) có sẵn sàng hợp tác đánh dẹp tiêu cực chừng nào sạch sẽ tương đối mới tổ chức mùa giải mới?!

Chừng nào cuộc chiến chống tiêu cực vẫn còn chiếu lệ, chừng đó niềm tin của người hâm mộ còn xói mòn, kể cả một số ông chủ bỏ bóng đá là tất yếu bởi họ không thể đốt tiền vô bổ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn còn đeo bám.  

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN