TTVH Online

Hà Nội có 'quỹ' mang tên... mũ bảo hiểm, biển số

15/07/2014 16:03 GMT+7

Nếu chỉ tính riêng cho việc áp dụng ở các thành phố lớn từ ngày 1/1/2008 thì cũng đã có 6 năm để người dân thành phố quen với việc bảo vệ cái đầu của mình. Thế nhưng dường như việc này là quá khó làm đối với người Hà Nội.

(Thethaovanhoa.vn) - Theo nghị quyết số 02/2001/NQ-CP từ ngày 02/3/2001 thì cho đến nay, đã được 13 năm áp dụng bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.

Nếu chỉ tính riêng cho việc áp dụng ở các thành phố lớn từ ngày 1/1/2008 thì cũng đã có 6 năm để người dân thành phố quen với việc bảo vệ cái đầu của mình.



Thế nhưng dường như việc này là quá khó làm đối với người Hà Nội. Cứ ra đường, càng vào hướng trung tâm thì càng có nhiều người không đội mũ tham gia giao thông. Từ thanh niên mới lớn cho đến người đứng tuổi cứ đầu trần đi ngang các bốt công an. Từ những cán bộ viên chức cho đến dân chơi xe phân khối lớn, xe đắt tiền cũng không đội mũ vì sợ mất tóc đẹp hay mất phong cách



Thực tế, không phải người Hà Nội không quen mà là do họ không ngại lắm cơ quan chức năng. Càng vào khu vực trung tâm phố cổ, càng hiếm việc kiểm tra người đội mũ. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại cũng chỉ bắt theo đợt cao điểm nên ngày thường, việc không đội mũ hoặc tránh các chốt khá dễ dàng khiến nhiều người thành thói quen không đội mũ.



Việc ra đời đội liên ngành 141 tưởng như tạo ra chuyển biến tích cực nhưng bắt cứ bắt, không đội vẫn cứ không đội. Ngồi bất cứ chốt giao thông nào trong khoảng 5 phút, bạn cũng có thể nhìn thấy trên dưới 10 trường hợp không đội mũ đi qua. Và điều đó giải thích hình ảnh các chốt 141 lúc nào cũng chật cứng xe vi phạm mỗi khi chốt được lập.

Nhưng không chỉ có chuyện mũ bảo hiểm, chuyện đăng ký biển số cho xe máy điện cũng cho thấy, dường như người Hà Nội không ngại lắm chính quyền cũng như luật đã được đề ra.



Ngày 1/6/2014, công an thành phố Hà Nội ra thông báo về việc lập biên bản xử lý với xe máy điện không có biển kiểm soát. Người Hà Nội lại được 1 dịp tấp nập kéo ra phường, quận để đăng ký xe nhưng rồi tất cả đâu lại về đó vì đa số xe không đủ giấy tờ, không đủ điều kiện đăng ký. Mất vài ngày dò xét xem công an có phạt ai không, người Hà Nội lại đi xe máy điện chưa đăng ký ra đường và như chẳng có chuyện gì xảy ra.



Nói về việc đăng ký xe máy điện, thực ra không phải cho đến ngày 1/6/2014 mới có quy định về đăng ký biển số cho loại xe này. Thực tế, việc phải đăng ký cho xe đã được công bố từ 1/7/2009, tức là đã có từ cách đây 5 năm. Không rõ cơ quan chức năng đã làm gì trong suốt thời gian đó để rồi một lượng xe điện khổng lồ không có giấy tờ hợp pháp chảy ra thị trường và kết quả là người dân mua xong nhưng không đủ điều kiện đăng ký xe.



Trách người dân không có ý thức đội mũ, đăng ký xe một phần, cũng cần đặt câu hỏi với cơ quan chức năng về trong việc xử lý. Việc làm nóng ở một vài nút giao thông, ra văn bản xử phạt không phù hợp, thiếu nhất quán... rõ ràng đã khiến người dân không còn coi trọng luật pháp. Và họ sẵn sàng sống chung với "trái luật".




Theo luật định thì nếu không đội mũ, đội sai quy cách, người vi phạm sẽ bị phạt từ 100-200.000 đồng. Số tiền phạt này cũng áp dụng trong trường hợp người đi xe điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không đúng quy cách. Xe máy điện không đăng ký biển số bị phạt từ 300-400.000 đồng. Nếu không có giấy tờ chứng minh xe hợp pháp sẽ bị tịch thu.

Với số tiền phạt đó, nếu cứ áp dụng nghiêm thì tổng số tiền thu về là không hề nhỏ. Và có người nói vui rằng, Hà Nội đang có một cái quỹ với số tiền khổng lồ đang đi trên đường. "Quỹ" đó có tên mũ bảo hiểm và biển số. Vì vậy, nếu cần tăng ngân sách thành phố, chỉ việc lấy quỹ này ra mà dùng.

C.M.T
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN