TTVH Online

Biến tấu World Cup: Cô đơn giữa bàn tiệc

14/07/2014 21:07 GMT+7

Vậy là World Cup 2014 cũng đã đi đến hồi kết cuối cùng, với đủ đầy tất cả những tương phản của nó.

(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là World Cup 2014 cũng đã đi đến hồi kết cuối cùng, với đủ đầy tất cả những tương phản của nó.

Từ pha bóng xuất thần của James Rodriguez đến cú cắn người quái đản của Suarez; từ cú bay người không-thể-nào-tái-hiện của Van Persie cho đến cú va chạm chấn thương đốt sống của Neymar, từ hình ảnh Giroud cõng Valbuena trên lưng như trò nhảy ngựa cho tới những giọt nước mắt nhạt nhòa trên đôi mắt của con trai Robben…, tất cả đủ để đọng lại trong ta về một World Cup đầy hình ảnh, một World Cup nhiều màu sắc, một World Cup sống động tuyệt vời.

Chủ tiệc cô đơn

Nhưng với người Brazil, World Cup có lẽ đã hết rồi, kể từ khi đội bóng của họ qụy ngã ở bán kết. Bữa tiệc họ bày ra coi như đã tàn về tinh thần trước khi nó thực sự tàn về thể lý cả một tuần, một tuần của những kẻ quyên sinh, của những bạo loạn và cả những bất ngờ trở về thực tại của đời sống vất vả.

Thực ra, nếu coi World Cup như một bữa tiệc thì chẳng mấy khi chủ tiệc được ở lại đến phút cuối cùng. Trong những bữa tiệc thông thường, lẽ ra chủ nhà phải là người đãi đằng cho đến khi người khách cuối đứng lên giã từ mới đúng nghĩa là tàn tiệc. Nhưng tiệc bóng đá thì nhiều khi lại khác. Chủ nhà như người trải chiếu, bày mâm, rồi cuối cùng phục vụ để hai ba người bạn quý giá ở chơi đến tận cùng. Người ta về rồi, mình mới thu xếp lại, có buồn thì cũng buồn một chút thôi, vì dầu sao cũng đã đãi khách trên cả mức tuyệt vời rồi. Brazil cũng vậy nhưng sao vị thế của chủ tiệc lại để lại nhiều dư âm quá buồn về tận sau này, khác hẳn với vị thế của những Nam Phi, Đức, Nhật-Hàn, Mỹ, Italia, Mexico… trước đó?

À, tại vì vị thế của Brazil là vị thế của một chủ nhà độc nhất vô nhị chưa có trong lịch sử, một chủ tiệc cô đơn trong chính bàn tiệc của mình.

Một đội bóng dở dở ương ương

Bóng đá hiện đại đề cao lối chơi pressing và có thể nói, thời của pressing đã lên ngôi suốt cả thập niên nay rồi, với đòi hỏi các cầu thủ phải cơ bắp hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn và tất nhiên, cơ động hơn hẳn. Giá trị của pressing mang lại là việc giành lại quyền kiểm soát bóng một cách nhanh nhất để từ đó, khống chế và làm chủ cuộc chơi. Tất cả các đội bóng đều đề cao cái giá trị của lối chơi pressing đó và Brazil cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Scolari hiểu rõ tầm quan trọng của việc cập nhật thức thời ấy và ông biến Selecao trở thành một hình mẫu thực dụng bằng cách cũng lao vào những cuộc đối đầu quyết liệt trên sân, dựa vào nền tảng cơ bắp là chủ yếu.

Nhưng bản chất của người Brazil là phô bày sự khéo léo, là né tránh khôn ngoan những đòn ác ý của đối phương chứ không phải là học cái cách chơi ác ý của đối phương. Chỉ có điều, thành công năm 2002 đã ru ngủ Scolari đủ đường. Ông quên rằng, ở ngày ấy, trong tay ông còn có những nghệ sỹ, những người có thể né đòn ác ý từ đối phương một cách nhuần nhuyễn đến diệu kỳ. Còn Selecao năm nay thì những nghệ sỹ gần như đã biến sạch không còn một dấu vết chi. Và đội bóng ấy, dở dở ương ương, kỹ thuật không hẳn là kỹ thuật, mà pressing thì cũng chưa pressing khôn ngoan cho tới tầm.

Thế nên, Selecao mới cô đơn giữa buổi tiệc của riêng mình. Họ không thuộc vào thế giới mà họ mới vừa cố theo đuổi để hoà nhập. Không hòa nhập nổi, họ không chỉ cô đơn trong cộng đồng mới mà còn cô đơn, tha hương ngay trên chính quê hương của chính mình.

Sẽ còn nhiều người làm chủ tiệc World Cup trong tương lai và có lẽ, bài học của Brazil sẽ là ví dụ sinh động nhất cho họ. Mình có thể nồng nhiệt, có thể đón khách bằng hết khả năng của mình, nhường hết phần ngon cho khách hưởng thụ đến tận cùng nhưng dứt khoát, mình đừng rơi vào vị thế cô đơn khi chính mình đang là chủ tiệc.

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN