TTVH Online

Đoản khúc World Cup: Không phải thứ hạng, mà ta đã đứng lên thế nào sau lần vấp ngã?

12/07/2014 08:37 GMT+7

Theo nhiều người, chiếc huy chương đồng mang ý nghĩa “an ủi” này sẽ phản tác dụng bởi nó làm các cầu thủ thêm mệt mỏi, chán chường sau khi đã thua ở trận bán kết-ngưỡng cửa cuối cùng ngăn họ đến với trận đấu quan trọng nhất đời người.

1. Không phải đến bây giờ, mà nhiều năm trước, đã có những ý kiến đề nghị FIFA bỏ trận đấu tranh giải Ba của  World Cup. Theo nhiều người, chiếc huy chương đồng mang ý nghĩa “an ủi” này sẽ phản tác dụng bởi nó làm các cầu thủ thêm mệt mỏi, chán chường sau khi đã thua ở trận bán kết-ngưỡng cửa cuối cùng ngăn họ đến với trận đấu quan trọng nhất đời người.

HLV Louis van Gaal tỏ ra rất bực bội: “Khi cầu thủ thua bán kết, họ đã không còn tinh thần thi đấu và sẽ đá trận này mà không có hứng thú”. Nhưng thực tế, van Gaal sợ thua tiếp ở trận đấu này, ông nói: “Tôi tin rằng đây là cơ hội để thua hai trận liên tiếp và khi đó, chúng tôi sẽ về nhà như một kẻ thất bại toàn diện…”

Ngược lại, chiến lược gia của Selecao, ông Felipe Scolari lại có một thái độ khác hẳn. Ông  thẳng thừng từ chối việc từ chức trước khi World Cup 2014 khép lại. Nhận tất cả sai lầm, đối mặt với những chỉ trích dữ dội, giấu đi sự thất vọng với chính mình, Scolari cũng không quên nhắc lại rằng sau chức vô địch năm 2002 do ông mang về cho Selecao thì đây là lần đầu tiên, đội bóng vào được đến bán kết để khích lệ các cầu thủ.

Về trận thua tuyển Đức, Scolari thẳng thắn: “Đó là một trận thua tồi tệ nhất lịch sử bóng đá Brazil, còn hơn cả một thảm họa, nhưng chúng tôi phải bắt buộc học cách sống chung với nó, dù đó thực sự  rất khó khăn. Nhưng, chúng tôi vẫn phải làm việc, trước mắt là cho trận đấu thứ Bảy tới. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục, tôi với cuộc sống của mình và các cầu thủ là những chiến thắng tiếp theo.”

2. Hai người thua cuộc, nhưng họ đã có hai cách nhìn rất khác nhau. Dù trận thua của Scolari thê thảm hơn rất nhiều so với trận thua của van Gaal. Họ đều bị chỉ trích là “sai cách nhập cuộc trận đấu,” nhưng Scolari là vì quá tự tin, không đánh giá đúng đối thủ. Ngược lại van Gaal lại quá hèn nhát, không dám đá một “trận tất tay” với Argentina, và đã chọn cách phòng ngự  tiêu cực, đeo bám để đối phương không ghi bàn, chứ không phải để ghi bàn.

Cái án treo trên đầu Scolari không phải là mất chức, mất đi sự tin cậy vào khả năng cầm quân, mà chính là giọt nước mắt và nỗi sầu đau mênh mông trong đôi mắt của người đàn ông 77 tuổi ôm cúp vàng ngồi trên khán đài, của cậu bé khóc không thể nín, của người phụ nữ xinh đẹp đã gào khóc lên như thể bị mưu hại và biết bao những giọt nước mắt âm thầm lặng lẽ rơi trên đất Brazil. Song Scolari đã chọn cách đối diện, vì ông đã nghĩ đến tương lai của các cầu thủ mà theo ông “hơn một nửa số cầu thủ của đội hình hôm nay sẽ có mặt ở World Cup 2018. Để chiến thắng, họ phải tiếp tục đứng dậy ngay từ lúc này…”

Còn van Gaal thì ngay lập tức muốn phủi tay, để thoát khỏi sự sa lầy kế tiếp có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của ông khi bắt đầu bước chân lên chuyến tàu đến với thành Manchester. Rõ ràng, trận đấu với nước chủ nhà đang như con hổ dữ bị thương và đầy khát khao trỗi dậy với van Gaal chẳng dễ dàng và đầy bất lợi.

3. Để đi hết một giải World Cup bước lên bục vinh quang, bạn phải đi qua 7 trận đấu. Rất nhiều đội bóng chỉ đi được 3, 4 hoặc 5. Nhưng khi bạn đã vào đến trận bán kết - trận đấu thứ 6 thì muốn hay không, thắng hay thua, bạn sẽ phải đá tiếp trận thứ 7. Đó là luật chơi của sân chơi lớn, nó là trái bóng cuộc đời.

Có thể bạn đã thắng tất cả, và chỉ thua 1 trận, hoặc có thể là 2, nhưng mọi thứ không bao giờ là chấm hết.  

Trận tranh hạng Ba không chỉ đơn thuần là mang ý nghĩa thủ tục, một chiếc huy chương đồng an ủi hay thêm một trận thua bẽ bàng. Nó không tồn tại để xác định thứ hạng, mà là để đưa cho các đội bóng một cơ hội để đứng dậy. Vì họ đã vào đến đây, họ xứng đáng có một cú hích, để gượng dậy sau khi vấp ngã. Cú ngã càng đau, thì cách đối diện nó, cách vượt qua nó không gì tốt hơn là đừng ngoái lại đằng sau, hãy gượng dậy nhanh nhất có thể và đi tiếp.

Như  những câu thơ của Olga Bergholtz: “ Ừ! Ngoái lại làm chi, chỉ để nhìn dĩ vãng/ Dải băng hà xưa/Và bóng tối ngày xưa..” Hãy bỏ lại sau lưng tất cả, phía trước là bình minh đón đợi và “La vie est belle”- Cuộc sống mãi mãi tươi đẹp!

Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN