TTVH Online

Brazil: Hãy biết nhục như người Đức đã từng!

10/07/2014 06:43 GMT+7

Thảm bại vừa rồi sẽ là một vết nhơ lớn, thậm chí là một sự sỉ nhục với Brazil, nền bóng đá đã sản sinh ra hàng loạt những siêu sao và từng năm lần vô địch Thế giới.

(Thethaovanhoa.vn) - Thảm bại vừa rồi sẽ là một vết nhơ lớn, thậm chí là một sự sỉ nhục với Brazil, nền bóng đá đã sản sinh ra hàng loạt những siêu sao và từng năm lần vô địch Thế giới. Nhưng nỗi nhục ấy cũng có thể là một người thày lớn đối với Brazil, nếu người học trò biết vứt bỏ cái sĩ diện tầm thường để cầu thị và vươn lên từ nỗi đau.

Người Đức được như bây giờ là do bị làm nhục

Bạn có thể không tin, vì bây giờ họ hào hùng quá, mạnh mẽ quá, nhưng chính xác là như vậy. Đức chưa từng bị làm nhục cỡ Brazil vừa qua, nhưng Đức đã “nhục đi nhục lại” nhiều lần trong suốt một thập kỷ, trước khi tìm ra một con đường để đi qua nỗi nhục ấy và có ngày hôm nay.

World Cup 1994 là vết nhơ đầu tiên. Chính nước Đức cũng cảm thấy vui mừng vì đội nhà… bị loại, sau trận thua Bulgaria 1-2. Trước đó, Stefan Effenberg đã bị tống cổ về nước vì giơ ngón tay thối vào mặt chính các CĐV Đức. Đó là cái nhục về thái độ, còn về lối chơi? HLV Berti Votgs cay đắng tuyên bố: “Chúng tôi làm nền để các đối thủ đều thấy mình đẹp lên”.

Ngày ấy, chứng kiến Đức thua là niềm mơ ước của các CĐV trung lập, những người muốn xem một trận đấu đẹp, hơn là một màn giằng co nặng nề và mệt mỏi. Điều ấy đã đến ở tứ kết World Cup 1998: Đức bị ngựa ô Croatia “làm nhục”, với một thất bại ba bàn không gỡ và thẻ đỏ dành cho Christian Worns. Khi ấy, cả nước Croatia chỉ có 4,7 triệu dân, không bằng cả số cầu thủ chuyên nghiệp đang chơi bóng ở Đức lúc bấy giờ (6,2 triệu người)!

EURO 2000, Đức bị Bồ Đào Nha làm nhục. Vẫn ba bàn không gỡ. Cú “vồ ếch” của đội trưởng Oliver Kahn ở bàn thua thứ ba, sau cú sút của Sergio Conceicao, là hình ảnh tiêu biểu của sự sụp đổ. Trước đó, chưa có một đội bóng Đức nào bị dẫn đến ba bàn ở các giải thuộc hệ thống thi đấu của châu Âu. Bốn năm sau, Đức bị “làm nhục” thêm một lần nữa: Họ đứng áp chót vòng bảng có Hà Lan và CH Czech, chỉ trên đội tí hon Latvia. Và bị loại. Giữa hai giải đấu ấy là màn làm nhục của người Anh ngay tại Berlin năm 2001. Một cái tát lằn đỏ má người Đức: 5-1.

Brazil không thể “ăn mày dĩ vãng”

Cuộc cách mạng của người Đức được nhen nhóm nhờ khả năng soi thấu chính mình, nhận ra rằng họ có bản lĩnh, nhưng vốn là đội bóng không biết tấn công, chỉ đủ thể lực chơi với cường độ cao thực sự trong 15 phút cuối, chứ không thể đua tranh trong suốt 90 phút, có thể giành danh hiệu, nhưng không bao giờ đem lại thiện cảm.

Đội Đức đã đè bẹp Brazil rạng sáng qua là kết tinh của hai thập kỷ vật vã chui qua đau đớn và nhục nhã ấy. Có lẽ nếu đối thủ của Brazil là một đội bóng khác, thì họ đã dừng lại sau màn “thảm sát” trong hiệp một. Nhưng vì đó là đội tuyển Đức, nên họ đã đá tới cùng và đẩy Brazil đến tận cùng của sự nhục nhã. Có lẽ cũng bởi họ đã đi lên từ nhục nhã. Họ hiểu được sự đớn đau nó tạo ra lẫn giá trị của nó.

Nếu Brazil biết mình hơn, có lẽ họ đã chọn một lối chơi nhẫn nhục và ẩn nấp hơn khi đối đầu với Đức. Nhưng đó vẫn là đội bóng chịu quá nhiều ám ảnh quá khứ: Họ buộc phải tấn công, phải phủ đầu, phải thể hiện trước khán giả nhà. Họ không biết cách chịu nhục, vì 5 Cúp Vàng lấp lánh và rất nhiều thế hệ siêu sao đã đi qua nền bóng đá đầy truyền thống và luôn luôn ngạo nghễ này.

Nhưng sau 90 phút của khốn cùng và tuyệt vọng rạng sáng qua, Brazil sẽ phải học cách cởi bỏ lớp giáp vàng giả tạo ấy và sẵn sàng cho một cuộc tái sinh hứa hẹn sẽ rất đau đớn, và thậm chí không kém phần tủi nhục. Brazil sẽ phải gạt bỏ sĩ diện tầm thường của một anh ăn mày dĩ vãng để nhìn thẳng vào nỗi nhục nhã vừa qua mà đứng lên, để nhìn ra rằng nền bóng đá này đang thiếu tài năng thực sự thế nào, tư duy chơi bóng lẫn thể lực đã lạc hậu, thua kém so với thời đại ra sao.

Nhục nhã có lẽ là một trạng thái không dễ chịu, nhưng khi nhìn ra tương lai của nó, ở trong chính kẻ đã làm nhục mình, thì Brazil cũng có thể tìm thấy khoái cảm ở trong đó.

0 Chưa bao giờ trong lịch sử đội tuyển Brazil lại phải hứng chịu nhiều bàn thua trong một trận đấu tại vòng chung kết World Cup như vậy, kể từ trận thắng Ba Lan 6-5 ở vòng bảng World Cup 1938.

7 Brazil là đội chủ nhà thứ hai trong lịch sử World Cup phải nhận 7 bàn thua trong một trận đấu. Trước đó, chủ nhà World Cup 1954 là Thụy Sĩ đã thất bại trước Áo với tỷ số 5-7.

6 Trong lịch sử World Cup chưa có trận bán kết nào có kết quả đậm như trận Brazil-Đức. Trước đây từng có 3 trận kết thúc với tỷ số 6-1 là các cuộc chạm trán Uruguay-Nam Tư và Argentina-Mỹ tại World Cup 1930 và Đức-Áo năm 1954.


Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN