TTVH Online

Thất bại của Brazil: Một thế hệ cạn kiệt tài năng

10/07/2014 19:22 GMT+7

Mạch nguồn tài năng của bóng đá Brazil, vốn luôn tự hào sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại, đã khô kiệt trong những năm gần đây. Và thảm bại trước tuyển Đức vừa qua là một hệ quả đau đớn…

(Thethaovanhoa.vn) - Mạch nguồn tài năng của bóng đá Brazil, vốn luôn tự hào sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại, đã khô kiệt trong những năm gần đây. Và thảm bại trước tuyển Đức vừa qua là một hệ quả đau đớn…

Khi siêu sao của họ Neymar được xác định sẽ vắng mặt tới hết World Cup vì chấn thương hôm thứ Sáu, đó là cả một cơn địa chấn với nền bóng đá thành công nhất thế giới. Thật khó hiểu tại sao một quốc gia 200 triệu dân bị ám ảnh bởi bóng đá lại phải dựa vào chỉ duy nhất một cầu thủ 22 tuổi như thế.

Neymar, ngôi sao cô đơn

“Chúng tôi có Neymar và ngoài anh ấy ra, chẳng còn gì cả”, Juninho Pernambucano, cựu tuyển thủ Brazil từng tham dự World Cup 2006, ngán ngẩm. “Không ai sánh được với những gì mà anh ấy mang tới cho đội bóng”. Cách đây chưa lâu, việc Brazil thiếu một tiền đạo cắm và cả một cầu thủ khoác áo số 10 là điều hoàn toàn không tưởng.

Trong nhiều năm trời, vấn đề với các HLV đội tuyển Brazil là chọn trong hàng tá những ngôi sao lớn một người đá kiến tạo. Trong 8 cầu thủ tấn công góp mặt ở đội hình vô địch World Cup 2002 của Brazil, 4 người từng giành Quả bóng Vàng. Nhưng trong những năm gần đây, nguồn “tài nguyên” tưởng như vô tận đó đang cạn kiệt. Những nghệ sĩ điêu luyện của bóng đá Brazil, vốn liên tục xuất hiện kể từ thời Pele những năm 1950, đang trở thành một giống loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Việc kinh tế tăng trưởng nhanh và mức sống được nâng cao đáng kể cũng là một vấn đề khác với bóng đá. Nhờ mức lương cao hơn, những ngôi sao lớn nhất của Brazil ở lại trong nước lâu hơn trước kia. Một số người thì cho rằng việc Brazil thiếu những số 10 lớn là do họ đã trở thành một nhà máy sản xuất những chuyên gia ở một vị trí ít vinh quang hơn: Các hậu vệ cánh.

Brazil từng tự hào sở hữu Zico, Socrates, Eder và Falcao trong đội hình, nhưng họ thất bại ở vòng 2 World Cup 1982. Kể từ đó, giới lãnh đạo bóng đá Brazil đã thay đổi hoàn toàn tư duy, hy sinh bóng đá đẹp cho kết quả, thay thế những pha đi bóng tinh tế và những đường phối hợp tam giác thông minh bằng lối đá thiên về thể lực và phản công.

Khi những số 10 phải “hy sinh”

Bóng đá Brazil sau 1982 liên tục sản sinh ra những hậu vệ cánh xuất sắc nhất thế giới. Từ Jorginho và Branco ở giải năm 1994 (mà họ vô địch) tới Cafu và Roberto Carlos ở World Cup 2002, và ngay cả bộ đôi hiện giờ Marcelo và Dani Alves, các kế hoạch tấn công của đội bóng áo vàng nhấn mạnh ở hai cánh.

Nhưng cùng với sự chuyển đổi đó là những hy sinh với vị trí số 10. Để bù đắp cho các hậu vệ cánh luôn dâng rất cao, Brazil buộc phải sử dụng các tiền vệ trung tâm lùi sâu và chơi thụ động để hỗ trợ cho hàng thủ. Yếu tố chiến thuật đó khiến nghệ thuật sáng tạo ở giữa sân đã bị lãng quên ở Brazil. “Nếu bạn dùng lực sĩ ở giữa sân, các nghệ sĩ sẽ biến mất”, Juninho giải thích. “Đó là lý do tại sao Brazil không có những bậc thầy chuyền bóng”.

Tất nhiên, một nền bóng đá ở quy mô siêu cường như Brazil vẫn có thể sản sinh ra những tiền vệ kiến tạo xuất sắc, nhưng những năm gần đây, nhiều người như thế đã thất bại ở châu Âu và sau đó không còn cơ hội trở lại đỉnh cao nữa. Danh sách bao gồm Alexandre Pato (AC Milan), Keirrison (Barcelona) và Robinho (Real Madrid). Một số người khác, Philippe Coutinho của Liverpool hay Lucas Moura của Paris Saint-Germain, hứa hẹn là những số 10 của tương lai, nhưng họ chưa bao giờ được trọng dụng trong màu áo vàng.

Thất bại trước Đức là một thảm kịch, nhưng cũng sẽ là một bài học tốt cho bóng đá Brazil. Có lẽ đã tới lúc họ cần quay lại với bản sắc của mình, không chỉ để chiến thắng, mà còn có thể để không phải thua trận một cách nhục nhã như ở Belo Horizonte.

9 Trong số 22 cầu thủ Brazil góp mặt ở tứ kết Champions League mùa vừa rồi, có tới 9 người là hậu vệ cánh và chỉ có 5 chơi ở các vị trí tấn công.

17 Tính tới sau vòng tứ kết, Neymar là cầu thủ dẫn đầu của Brazil cả về số lần đi bóng thành công (17), số cơ hội tạo ra cho đồng đội dứt điểm (13) và số cú sút trúng đích (9).

53 Tỉ lệ cầm bóng trung bình của Brazil ở World Cup tính tới giờ là 53%.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN