TTVH Online

Cựu tổng thống Sarkozy: Tôi chưa bao giờ phản bội niềm tin của người dân Pháp

03/07/2014 11:00 GMT+7

Sau khi bị bắt ngày 1/7 và chịu sự thẩm vấn của cảnh sát liên quan đến vấn đề tài chính trong chiến dịch tranh cử năm 2007, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lần đầu lên tiếng chỉ trích những cáo buộc trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi bị bắt ngày 1/7 và chịu sự thẩm vấn của cảnh sát liên quan đến vấn đề tài chính trong chiến dịch tranh cử năm 2007, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lần đầu lên tiếng chỉ trích những lời cáo buộc tham nhũng trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Đây là lần đầu tiên ông Sarkozy xuất hiện trên truyền hình sau khi rời ghế tổng thống. Ông cáo buộc các đối thủ chính trị đang tìm cách hãm hại ông bằng việc “can thiệp chính trị” trong vụ án của ông. Ông Sarkozy cho rằng cơ quan điều tra đang cố tình đưa ra những thông tin sai lệch và cố gắng áp đặt những tội danh không có thực, nhằm mục đích cuối cùng là tiêu diệt sự nghiệp chính trị của ông.

“Ở đất nước này, đất nước mà quyền lợi của con người gắn liền với pháp luật, đang có những điều được người ta cố ý dàn dựng và sắp đặt để “bêu rếu” tôi. Đối diện với tất cả người dân đang xem truyền hình, tôi khẳng định, tôi chưa bao giờ thực hiện một hành vi nào đi ngược lại giá trị của nền cộng hòa hoặc tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi chưa bao giờ phản bội niềm tin của người dân Pháp” - ông Sarkozy nói.

Đây là lần đầu tiên một cựu tổng thống Pháp bị bắt giữ và bị điều tra hình sự. Ông Sarkozy cho biết mình đã bị sốc nặng khi bị điều tra và nhấn mạnh việc các thẩm phán ra lệnh bắt giữ ông là nhằm “xỉ nhục” ông. Đây là một đòn nghiêm trọng giáng vào vị cựu tổng thống đang có kế hoạch trở lại điện Élysée trong cuộc tranh cử năm 2017. Tuy nhiên ông Sarkozy tuyên bố ông vẫn rất tự tin về tương lai chính trị của mình. “Sẽ không có chuyện tôi từ bỏ chính trị. Tôi sẽ thực hiện các nghĩa vụ đối với đất nước” - ông Sarkozy cho biết.

Cựu tổng thống Pháp Sarkozy đang rời tòa nhà Paris, nơi ông bị thẩm vấn bởi các nhà điều tra tội phạm tài chính.

Các chuyên gia pháp luật cho biết cáo trạng mà ông Sarkozy đối mặt có thể dẫn tới án tù 10 năm và khoản phạt hơn 200.000 USD. Thời điểm này, cảnh sát đang tập trung điều tra những bằng chứng cáo buộc ông Sarkozy tội danh tham nhũng và lạm dụng quyền lực tác động tới các nhân viên điều tra nhằm làm sai lệch tiến trình điều tra về ông. Luật sư của Sarkozy, ông Thierry Herzog, cũng đang chịu sự điều tra của cảnh sát. Cả hai đều bị buộc tội cố ý xâm phạm bí mật cuộc điều tra.

Trong khi đó, qua các cuộc nghe lén điện thoại, các nhân viên mật cũng tiến hành điều tra thêm các bằng chứng liên quan đến việc ông Sarkozy đã có được những thông tin bí mật về nguồn viện trợ bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử thành công năm 2007 như thế nào, và nhận tiền quyên góp bất hợp pháp từ người phụ nữ giàu có nhất nước Pháp, bà Liliane Bettencourt ra sao. Thực tế, nhà chức trách Pháp mở cuộc điều tra ông Sarkozy và nghe lén các cuộc điện thoại của ông sau cáo buộc, chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007 của ông Sarkozy đã nhận 50 triệu euro từ nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi.

Các cuộc điện thoại bị nghe lén giữa ông Sarkozy và luật sư Herzog cho thấy 2 người đang cố gắng có được thông tin về vụ án từ thẩm phán để hỗ trợ ông có vị trí cao hơn tại Monaco. Đồng thời các nhà điều tra cũng đang xem xét việc viện trợ tài chính trong cuộc tranh cử không thành công năm 2012 của ông.

Đáp trả lại, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Sarkozy coi hành động nghe lén là lố bịch. “Chẳng lẽ việc tôi bị nghe lén điện thoại là bình thường, trong khi những cuộc trò chuyện riêng tư nhất với luật sư của tôi cũng bị nghe lén và cống khai lên báo chí? Rõ ràng đang có những ý muốn hạ bệ tôi trước công chúng... Tôi không cần đặc ân gì cả, nếu có lỗi, tôi sẽ tự mình gánh chịu mọi hậu quả, vì tôi không phải người vô trách nhiệm, trốn tránh sau những gì mình làm, cũng không có bằng chứng nào buộc tôi như cảnh sát đã nói. Và tôi cũng khẳng định chắc chắn một lần nữa, tôi không hề xấu hổ với những gì mình đã làm. Tôi chưa từng thấy một chính trị gia nào phải chịu sự điều tra của pháp luật, ít nhất là trong 35 năm tôi cống hiến cuộc đời cho đất nước”.

Tuy vậy, có thể thấy tương lai của ông Sarkozy sẽ đối mặt với nhiều thách thức, có thể là tại tòa án. Như theo khảo sát của báo La Parisien, 63% người dân Pháp cho rằng cần phải đối xử với một cựu tổng thống giống như một người bình thường.

Duy Quỳnh
Theo Latimes

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN