TTVH Online

Đội tuyển Thụy Sỹ: Một đội bóng Liên hợp quốc

01/07/2014 14:32 GMT+7

Đội hình gồm quá nửa cầu thủ có xuất thân ngoại quốc. Huấn luyện viên (HLV) phải sử dụng tiếng Đức bởi đây là ngôn ngữ nhiều người hiểu nhất.

(Thethaovanhoa.vn) - Đội hình gồm quá nửa cầu thủ có xuất thân ngoại quốc. Huấn luyện viên (HLV) phải sử dụng tiếng Đức bởi đây là ngôn ngữ nhiều người hiểu nhất. Đó chỉ là hai trong vô vàn ví dụ cho thấy sự phức tạp của Thụy Sỹ, một đội bóng “Liên hợp quốc”.

Quá nửa đội hình Thụy Sỹ có gốc gác nước ngoài, từ Bờ Biển Ngà, Chile, đảo Cape Verde, Tây Ban Nha, Serbia, Kosovo, Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Bosnia tới Albania.

Quá nửa là ngoại binh

"20% dân số Thụy Sỹ là người nhập cư còn đội bóng của tôi là quá nửa. Nếu không có người nhập cư, đã chẳng có đội Thụy Sỹ hiện nay", HLV Ottmar Hitzfeld chia sẻ. Đội trưởng của đội bóng “Liên hợp quốc” này là Gokhan Inler, cầu thủ có gốc Thổ Nhĩ Kỳ và cũng từng chơi cho đội U-21 TNK. “Tôi chọn cậu ấy làm đội trưởng vì sự hòa nhập của các cầu thủ có gốc ngoại. Là một HLV, bạn có thể gây ảnh hưởng tới mọi người”, ông Hitzfeld giải thích về quyết định của mình.

Ngôi sao sáng nhất Xherdan Shaqiri, người đã lập hat-trick vào lưới Honduras, giúp Thụy Sỹ vào vòng 16 đội, cũng là một cầu thủ nhập cư. Bố mẹ của Shaqiri có gốc Albania nhưng do chiến tranh, đã nhập cư vào Thụy Sỹ hồi đầu những năm 1990. Mỗi khi thi đấu, Shaqiri vẫn đeo cờ 3 nước Thụy Sỹ, Albania và Kosovo ở chân. Ngoài Shaqiri, còn có 4 cầu thủ khác có gốc Albania là Granit Xhaka, Blerim Dzemaili, Valon Behrami và Admir Mehmedi.

Một chi tiết khác cho thấy sự toàn cầu hóa của đội tuyển Thụy Sỹ là chỉ có 4 người chơi ở giải quốc nội. 19 người còn lại thi đấu ở Anh, Italy, Tây Ban Nha và nhiều nhất là Đức. HLV của họ cũng là một người Đức nhưng sinh ở vùng gần biên giới Thụy Sỹ nên có giọng lơ lớ. Khi dẫn dắt Dortmund, ông Hitzfeld bị gọi là người Thụy Sỹ và bản thân HLV này cũng thấy "có một nửa dòng máu Thụy Sỹ trong người".

Chuyện ngôn ngữ và tôn giáo

Thụy Sỹ có 4 ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp, Đức, Romansh và Italy. Ở tuyển Thụy Sỹ, tiếng Đức là ngôn ngữ chính bởi HLV Hitzfeld là người Đức và "tất cả các cầu thủ có thể hiểu được. Khi khó diễn đạt, một trợ lý của tôi sẽ phiên dịch sang tiếng Italy hoặc Pháp". Ông Hitzfeld cũng tiết lộ thêm "Khi đội bóng chiến thắng, ngôn ngữ không phải là vấn đề. Nhưng khi thua, tôi phải giải thích kỹ càng. Lúc đó khá rắc rối".    

Một vấn đề phức tạp nữa là tôn giáo. Hiện đang là tháng Ramadan của người đạo Hồi và về lý thuyết, một số tuyển thủ Thụy Sỹ theo đạo Hồi sẽ phải nhịn ăn vào ban ngày. "Chúng tôi tôn trọng mọi tôn giáo nhưng đây không phải là thời điểm thích hợp để nhịn ăn. Mọi ưu tiên của chúng tôi lúc này là chuẩn bị hoàn hảo nhất có thể để đánh bại được Argentina".

Không biết đội tuyển Thụy Sỹ sẽ giải quyết vấn đề này thế nào nhưng theo quy định của đạo Hồi, trẻ em dưới 5 tuổi, những người đang ốm hay đi du lịch ở một nước đạo Hồi không phải là quốc giáo được miễn trừ. Thực tế, một số cầu thủ theo đạo Hồi nhưng có văn hóa, tư duy khá cởi mở. Chẳng hạn Shaqiri cũng theo đạo Hồi nhưng đón cả Giáng sinh.

Tuy có đôi chút phức tạp nơi hậu trường nhưng không thể phủ nhận, làn sóng ngoại binh đã làm thay da đổi thịt bóng đá Thụy Sỹ. Như ông Hitzfeld đã nói “không có người di cư, đã chẳng có đội tuyển Thụy Sỹ hiện nay”. Năm 2009, đội U-17 của Thụy Sỹ với dàn cầu thủ đến từ 13 nước đã giúp đội này vô địch giải U-17 Thế giới. Trong đội hình Thụy Sỹ hiện nay có nhiều người từng dự giải đấu đó như Granit Xhaka hay Haris Seferovic (vua phá lưới). Đêm nay, chắc chắn nhiều người Thụy Sỹ đang mơ những đứa con ngoại quốc sẽ lại tỏa sáng, mang vinh quang về cho dân tộc.

Senderos: Công dân toàn cầu

Philippe Senderos, trung vệ vừa chuyển tới Aston Villa, là ví dụ tiêu biểu của một công dân toàn cầu. Tuyển thủ Thụy Sỹ này sinh ở Geneva, có bố là người Tây Ban Nha, mẹ là người Serbia, lấy vợ người Iran và theo trang The Secret Footballer, có thể nói 6 thứ tiếng. Trong sự nghiệp, Senderos chỉ thi đấu chuyên nghiệp một năm ở Thụy Sỹ (cho CLB Servette) sau đó lang bạt tại Italy (Milan), Tây Ban Nha (Valencia) và lâu nhất là tại Anh (Arsenal, Everton, Fulham và nay là Aston Villa).


Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN