TTVH Online

Nhà sưu tập Gérard Chapuis: Thật 'phiền lòng' nếu Pháp trưng mua 2 kỷ vật triều Nguyễn

30/06/2014 08:11 GMT+7

Tiếp theo câu chuyện về việc đấu giá long sàng vua Thành Thái và xe kéo hoàng thái hậu Từ Minh mà TT&VH đã đề cập, nhà sưu tập Gérard Chapuis cho biết chủ nhân của 2 kỷ vật này không muốn chính phủ Pháp trưng mua.

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo câu chuyện về việc đấu giá long sàng vua Thành Thái và xe kéo hoàng thái hậu Từ Minh mà TT&VH đã đề cập, nhà sưu tập Gérard Chapuis cho biết chủ nhân của 2 kỷ vật này không muốn chính phủ Pháp trưng mua.

Cũng xin nói rõ, ngoài đại diện hậu thân hoàng tộc triều Nguyễn và Đại sứ quán Việt Nam, Gérard Chapuis cùng một vài nhà sưu tập Hà Nội, TP.HCM đã thực sự chạy đua trong phiên đấu giá này. Chính Gérard Chapuis đã liên lạc với các bên để nắm rõ tình hình, bởi bản thân anh rất muốn hai kỷ vật sẽ về được với Huế.

Bật mí về “quyền ưu tiên mua”

* Thưa anh, độc giả tại Việt Nam khá thắc mắc với cụm từ “quyền ưu tiên mua” (droit de préemption), nó cụ thể là gì?

- Luật “quyền ưu tiên mua” được đề ra từ ngày 31/12/1921, được ban hành từ đấng tối thượng (nhà vua/Droit régalien). Với luật này, người đại diện chính phủ không cần phải vào vòng đấu giá, có quyền mua một cách độc đoán nhưng nhất thiết phải mua với giá cuối cùng, theo tuyên bố bởi ủy viên đấu giá. Luật ban ra để bảo vệ người bán (giá không bị áp đặt, cổ vật/tác phẩm không bị cưỡng đoạt) cũng như người mua (cổ vật/tác phẩm sẽ được giữ lại cho quốc gia và bảo tàng).

Thể lệ nói rằng tất cả văn phòng đấu giá đều phải gởi mục lục vật phẩm tới Bộ Văn hóa 15 ngày trước phiên đấu. Sự quyết định mua thông qua quyền ưu tiên mua phải được khẳng định cao giọng giữa khán phòng với câu nói thể thức: “Với điều kiện là nhà nước không thực hành quyền ưu tiên mua sau khi nhát búa được đập xuống”. Như vậy, theo nguyên tắc, Bảo tàng Guimet sẽ mua với giá 55.800 EUR, giá mà đại diện phía Việt Nam đã trả.


Nhà sưu tập Gérard Chapuis. Ảnh: TL

* Theo thông tin mà anh nắm được, vì sao chủ nhân và phía nhà đấu giá thích bán xe kéo cho phía Việt Nam hơn phía Pháp?

- Bản thân long sàng và xe kéo là đồ ngự dụng, dầu muốn dầu không đều nhận được sự trân trọng ở bất kỳ quốc gia nào. Hơn thế nữa, nó có một thân phận buồn, tha hương như chủ sở hữu của nó thời đó. Thử hỏi có một khán giả nào khi coi chương trình Thay lời muốn nói lại không muốn chứng kiến sự trùng phùng, dù đó không phải là người thân của mình? Có thể đây là câu chuyện đầy tính chất nhân văn. Qua trung gian, tôi được biết gia đình Jourdan - người sở hữu 2 kỷ vật - rất “phiền lòng” nếu Pháp trưng mua 2 vật phẩm này.

Chính ông Philippe Rouillac (nhà đấu giá Rouillac, qua điện thoại với tôi) đã rất mong 2 món ngự dụng này trở về với Huế. Có lẽ họ cảm động khi thấy chúng ta chân thành trong cuộc đấu giá, hết mình để quyền thắng được về mình. Hơn nữa, họ cũng quyết cổ động cho “tân binh” Việt Nam gia nhập sân chơi nghệ thuật quốc tế.

Còn tôi thì hơi lấy làm buồn khi đây đó báo chí vẫn dùng những cụm từ như “chiếm đoạt”, “cướp bóc”, “thực dân”… Tôi tự hỏi những cụm từ này có nên dùng trong lúc chúng ta đang ở thế yếu và đang tích cực vận động cho 2 món này trở về cố xứ?

Lợi về văn hóa

* Câu chuyện về đường đi của các kỷ vật này cho ta thấy điều gì?

- Nó đúng là “tha hương chưa hẳn là đáng thương”, như một bài báo mà tôi rất tâm đắc trên TT&VH số Tết vừa rồi. Chúng ta không chỉ ngồi đây than rằng nghệ thuật Việt đang chảy máu ra nước ngoài. Nhiều khi hành động chảy máu cũng là cách để làm giá, nâng giá và làm thăng hoa nghệ thuật nội địa. Quốc tế biết đến Việt Nam nhiều như vậy nhờ những trận đấu giá bi thảm như trận vừa rồi.

* Bằng kinh nghiệm, anh nghĩ những kỷ vật dạng này khi đưa về Huế sẽ sinh lợi như thế nào về mặt tài chính?

- Theo tôi, tài chính sẽ không thay đổi nhiều. Chuyện viếng bảo tàng sẽ chưa thể thay đổi nhiều dù có thêm 2 bảo vật ngự dụng. Cái mà chúng ta hằng mong đó là sẽ sự thay đổi ý thức văn hóa để dẫn đến sự tự hào. Yêu được bản thân thì mới yêu được người hàng xóm, để từ đó sẽ có cách cư xử văn hóa trên chính đất nước của chúng ta, như họ đối xử với ta trên đất nước của họ.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN